Ngày trở về

Mỗi lần xe vào binh trạm Z, trong thời gian chờ dỡ hàng và chuẩn bị đón bộ đội về tuyến sau, Nam có sở thích lang thang dọc theo hai bên bờ suối vào sâu trong cánh rừng già tìm phong lan. Chỉ là để ngắm cho thỏa thích, và tìm một giò đẹp đem về treo xung quanh lán của tiểu đội nữ giữ kho hàng. Nam cũng không quên kiếm một ít măng và bắp chuối về cho bếp ăn của trạm. Cứ thế dần dần Nam được chị em tiểu đội kho bãi và tiểu đội hậu cần đặc biệt quý mến. Một cô chiến sĩ trẻ được tiểu đội kho bãi gán ghép cho Nam vì họ là đồng hương Nghệ An và vì cô có tên là Hương Lan.

“Nửa năm hương lửa đang nồng” thì sự cố xảy ra. Lan có thai ngoài ý muốn. May thay, giữa rừng sâu trong chiến trường họ được cả đơn vị vận tải và binh trạm, đặc biệt là tiểu đội kho bãi cưu mang. Chín tháng sau, một bé trai kháu khỉnh chào đời, được trở thành đứa con chung của tiểu đội kho. Cả tiểu đội và bố mẹ nhất trí cao đặt tên cho cu cậu là Trường Sơn. Trường Sơn lớn lên trong tình thương yêu của cả trung đội xe của bố Nam và tiểu đội kho của mẹ Lan.

Đầu năm 1972, Nam có chuyến công tác chở thương bệnh binh ra Bắc. Anh mang theo Trường Sơn, lúc đó mới hơn hai tuổi. Ra đến phà Long Đại (sông Nhật Lệ) thì thương, bệnh binh được chuyển sang đi xe chở khách. Nam xin phép đem Trường Sơn ra Vinh gửi ông bà nội nuôi rồi trở lại đơn vị. Sau chuyến công tác, Nam trở lại trạm Z thì Lan đã chuyển sâu vào mặt trận B5. Họ mất liên lạc kể từ ngày ấy.

Đầu năm 1973, sau Hiệp định Paris, Nam được ra Bắc an dưỡng ba tháng rồi chuyển ngành, về lái xe ở Công ty Vật tư tổng hợp. Trước đó vài tháng, khi chiến trường gần im tiếng súng thì ở khu 5 Lan bị bỏng nặng trong một trận bom na pan. Chuyển qua nhiều trạm quân y rồi ra Bắc điều trị ở QYV 108, sức khỏe của Lan hồi phục nhưng những vết sẹo trên má bên trái và quanh vòng cổ thì không khắc phục được. Trước khi phục viên, Lan xin được về trại điều dưỡng thương binh ở Nghi Lộc cho gần quê nhà. Qua lời kể của Nam, Lan dễ dàng tìm được nhà anh ở gần chợ Cửa Bắc. Nam thì biết nhà Lan ở bên trên Cửa Nam, gần Cầu Đước, nhưng từ mùa hè 1965 đã sơ tán lên Thanh Chương, ở quãng giữa chợ Phuống và chợ Cồn.

Sau ngày hòa bình, Nam không nhận được tin tức gì của Lan. Anh quyết tâm đi tìm. Nam lên Thanh Chương nhiều lần, đến nhiều xã quanh chợ Cồn, chợ Phuống, đi dọc sông Lam, nhưng khổ nỗi gia đình Lan là dân ngụ cư, và đã hồi hương sau ngày ký Hiệp định Paris nên không ai biết. Nam vẫn không bỏ cuộc. Cứ mỗi Chủ nhật, hoặc ngày nghỉ, Nam lại cưỡi chiếc Simson lên Thanh Chương dò hỏi tung tích của Lan. Địa bàn tìm kiếm mở rộng dần, lên đến chợ Rạng, chợ Dùng, qua Phong Thịnh…

Mỗi lần lên Thanh Chương, Nam đều ghé vào ăn phở và giải khát ở cái quán gần chợ Cồn. May thay cô chủ quán xởi lởi có tên Xoan là bạn học với Lan suốt 3 năm cấp 2. Trong đám bạn chỉ có Xoan biết được tình cảnh của Lan. Lan dấu kín thân phận hiện tại vì không muốn Nam, gia đình Nam, và bé Trường Sơn bị sốc khi thấy mình lộ diện với gương mặt còn vương đầy dấu tích của bom na pan. Vả lại, Lan vẫn còn rất yêu Nam nên cô muốn anh có cuộc sống hạnh phúc với một cô gái hoàn hảo. Khi biết có một người hai năm trời tròn đi tìm vợ, Xoan dò hỏi về cuộc đời của Nam. Xoan tức tốc về trại thương binh kể lại với Lan hành trình đi tìm vợ trong vô vọng của chàng trai người thành Vinh. Rất xúc động nhưng Lan vẫn năn nỉ Xoan tạm thời dấu kín tung tích của mình. Xoan chỉ biết thở dài và thương Lan nhiều hơn.

Thực ra thì lâu nay Lan đã biết Nam rong ruổi đi tìm mình. Ấy là từ ngày về trại thương binh Nghi Lộc, Lan đã về nhà Nam, và đã thường xuyên tiếp xúc với mẹ Nam, với Trường Sơn. Lan gạt nước mắt làm vui mỗi khi chơi đùa, âu yếm, vỗ về Trường Sơn. Như thần giao cách cảm, Trường Sơn đặc biệt quý mến “cô Hương” - Lan trở thành Hương, trong vai cô gái bán hương, mỗi khi đến nhà Nam. Mẹ Nam cũng cảm nhận được điều đó, nhưng không ngờ... Mỗi khi cô Hương đến nhà bán hương và bánh khảo đều có quà cho Trường Sơn, còn chỉ dạy cho Trường Sơn học bài, đọc sách, kể chuyện cổ tích.

Nghĩ mà thương cho Nam, ngoài ba mươi vẫn kiên trì cảnh gà trống nuôi con, bố mẹ Nam chủ động tìm mẹ kế cho Trường Sơn. Căn nhà cuối phố có cô gái tên Chung đang làm việc trong ngành bưu điện ở ngoài Diễn Châu vốn là bạn học của em gái Nam đã lọt vào tầm mắt của họ. Ngày Nam lên đường nhập ngũ, Chung cũng đã dấu một chùm hoa bưởi trong chiếc khăn tay có thêu hai chữ kỷ niệm dúi vào tay anh. Nhưng đó chỉ là một kỷ niệm tinh nghịch của tuổi học trò thời chiến mỗi khi có trai làng ra trận. Còn bây giờ thì “càng hâm càng nóng”, và Chung thật sự xúc động trước một chàng trai chung tình hiếm thấy như Nam. Nếu thuận theo sắp đặp của hai gia đình thì Chung đã trở thành mẹ của Trường Sơn. Nam cũng biết vậy, nhưng anh cứ mãi xem Chung như là đứa em gái. Anh không thể quên được Hương Lan của Trường Sơn ngày ấy và càng quyết tâm đi tìm mẹ cho bé Trường Sơn.

***

Biết Nam hòa bình rồi vẫn không chịu lập gia đình, ở vậy nuôi con và kiên trì đi tìm mình, biết rằng sẽ có một ngày Nam tìm ra nhà mình ở nơi sơ tán trở về thì sẽ rất khó xử nên Lan xin được vào làm công quả ở chùa sư nữ gần Cửa Nam. Công việc chính của Lan là làm hương và đem hương về bán sỉ ở chợ Vinh. Sư cô trụ trì là người gốc Huế nên rất giỏi về nữ công gia chánh. Sư cô dạy Lan nấu các món chay, dạy làm bánh khảo, đan len. Trước ngày rằm và ngày mồng một, Lan thường xách một bị lác đầy hương và khoác một tay nải đầy bánh khảo đi bán cho các gia đình ở khu vực chợ Cửa Bắc. Mục đích chính của Lan là được gặp Trường Sơn mỗi khi đến nhà Nam.

Rồi cũng đến một ngày không thể im lặng trước nỗi đau của bạn, Xoan đã về Vinh tìm gia đình Nam kể hết tất cả sự thật. Nam tức thì phóng xe lên Cầu Đước tìm được mẹ Lan thì bà đã nhớ nhớ quên quên. Bà chỉ biết là Lan đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới về thăm mẹ. Bố Lan thì đã qua đời vì bạo bệnh. Anh chị em Lan đều đã có gia đình ra ở riêng… Nam lại lên chợ Cồn cậy Xoan giúp. Khi Nam trở xuống chùa sư nữ thì Lan đang đi chợ Vinh. Trong khi Nam lùng sục khắp chợ Vinh thì Lan đang chơi với Trường Sơn ở nhà.

Về chùa nghe sư cô bảo Nam vừa đến tìm, Lan sảng hồn lặng lẽ đi cửa sau về ao cá Cửa Nam bắt xe tải lên chợ Cồn ở với Xoan một tuần. Nam lên chợ Cồn thì Xoan cứ theo “kịch bản” nói rằng Lan vừa về Vinh. Cứ thế, cuộc đuổi bắt giữa Nam và Lan kéo dài thêm một tuần nữa. Cuối cùng Xoan lại phải ra tay với sự trợ giúp của sư cô. Một buổi sáng ngày Chủ nhật, Xoan chạy về nhà Nam mật báo, sư cô thì giả vờ ốm để giữ chân Lan ở bên cạnh. Nam chở Trường Sơn ra chợ Vinh mua được bó hoa hồng màu huyết dụ rồi lên chùa sư nữ đón Lan. Xoan và bố mẹ Nam đạp xe lên phục trước cổng chùa, trước là làm quan sát viên, sau là chính thức đón con dâu về đoàn tụ.

Trào nước mắt trong ngày đoàn viên nhưng do chưa chuẩn bị được tâm lý sẵn sàng về chung mái ấm, nên Lan thỉnh cầu sư cô vẫn cho mình ở lại chùa, hàng ngày được về thăm bố con Nam là đủ. Viện dẫn hết giáo lý và đưa ra một giải pháp chan chứa tình người, sư cô mới thuyết phục được Lan. Lan sẽ trở về với bố con Nam sau ngày rằm sắp tới. Hôm ấy nhà chùa sẽ làm một lễ cầu siêu, giải oan bạt độ cho những đồng đội của Lan và Nam đang nằm lại ở đại ngàn Trường Sơn. Họ là những người con không có phần hương hỏa. Lan vẫn hạnh phúc hơn họ nhiều, được trở về với những người thân yêu. Dẫu rằng ngày trở về của Lan vẫn còn mang trên mình thương tích đớn đau của một thời hoa lửa.

Thanh Tùng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/ngay-tro-ve-143352.html