Ngay trong năm 2025, từ bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'
'Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh', Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Năm tăng tốc, bứt phá, về đích
Sáng 12/2, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội tờ trình của Chính phủ đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_20_51454815/761fb9238f6d66333f7c.jpg)
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
“Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh”, ông Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, với sự tăng trưởng trên 8%, quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Cùng với đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ cho rằng, ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Cùng với đó, cần đề cao phương pháp quản lý theo kết quả, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, ông Dũng nhấn mạnh rằng, cần khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Trên cơ sở đó, trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; dành nguồn lực thỏa đáng để tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.
![Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Như Ý](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_20_51454815/4c95aaa99ce775b92cf6.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Như Ý
Có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 “chưa có nhiều khởi sắc”. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 1/2025 đã ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhận định các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra chỉ ra rằng, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.
Từ phân tích trên, cơ quan thẩm tra đề nghị trong công tác điều hành, Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần quan tâm đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, giá các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, nhất là các dịch vụ giáo dục, y tế.