'Ngày xuân đò cũng qua mau chuyến…'
Nhan đề bài viết này là một câu trong bài thơ 'Xuân ở quê nhà' của nhà thơ Lương An mà nhiều người chưa biết. Tôi chọn câu thơ này vì con đò gợi nhắc bài thơ 'Cô lái đò' nổi tiếng của ông mà lâu nay thiên hạ khi nói đến Lương An lại dẫn những câu thơ có lẽ hầu hết người Quảng Trị đều thuộc: 'Đò em lên xuống Ba Lòng/ Chở người cán bộ qua vùng chiến khu… Ai về bến Trấm thì lên/ Về cho sơm sớm mưa đêm khó chèo…'. Nghe nói, có bạn văn, trong lúc vui đùa, còn 'phong tặng' Lương An là 'nhà - thơ - một - bài'. Mặc dù có người bình luận rằng 'một bài như Bà Huyện Thanh Quan với bài thơ Qua Đèo Ngang mãi vẫn được thiên hạ nhớ đến' nhưng thực ra di sản Lương An để lại hết sức phong phú, đến mức nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần đã nói rằng: 'Phải gọi anh Lương An là nhà văn hóa mới đúng!'. Có thể nói đây là sự tôn vinh, là 'huân chương' cao nhất dành cho Lương An vì rất ít văn nghệ sĩ, trí thức được đồng nghiệp gọi là 'nhà văn hóa'.
(Tưởng nhớ nhà thơ Lương An, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông 1920-2020)
Trong số các tên tuổi văn nghệ sĩ quê Quảng Trị tôi quen biết, nói đúng hơn là tôi được làm nhân viên của các vị, như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường… thì Lương An là người mà tôi gần gũi nhiều hơn; cả sau khi anh qua đời (năm 2004), tôi vẫn có nhiều dịp “gần” với anh, qua những người thân của gia đình và qua việc giúp Lương Vân (con gái duy nhất của Lương An) làm “Tuyển tập Lương An” (NXB Thuận Hóa, 2004).
Thú thật là gần 10 năm làm việc với Lương An tại Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, mãi đến khi giúp gia đình Lương An làm tuyển tập, tôi mới “giác ngộ” cuộc đời cũng như hoạt động sáng tạo của ông đa dạng và giàu có như thế; càng bất ngờ hơn trước những bài thơ lãng mạn mà chàng thừa phái Bộ Lại này đăng báo “Tràng An” từ những năm bốn mươi của thế kỉ trước: “…Có những chàng trai dáng rất quen/ Theo dăm cô gái lễ trên đền/ Ngày xuân đò cũng qua mau chuyến/ Giữa đám đông người bước bước lên/ Cùng nhịp mùa lên chim say mê/ Bay theo hướng gió cũng tìm quê/ Hôm nay có lẽ nơi xa thẳm/ Bạn cũ theo chim nhẹ gót về...”.
Lương An đọc cho tôi nghe bài “Xuân ở quê nhà” trong lần cuối ông từ TP. Hồ Chí Minh trở lại Huế để tu chỉnh bản dịch “Thơ Mai Am - Huệ Phố”, công trình cuối cùng của ông. Bài thơ dưới đây còn lãng mạn hơn nữa: “Xin mời nương nương/ Cùng nâng cao chén/ Trời đã lên sương/ Vắng người trên bến/ Ngón đàn hôm nay/ Sao cho huyền ảo/ Ngày mai chia tay/ Trông vời dáng áo/ Say đi nương nương/ Đây làn gối dịu/ Gió thoảng mùi hương/ Bờ run lệ liễu/ Sao nhạt mây mờ/ Thuyền già ân ái/ Điệu hát ngày xưa/ Đâu còn nhớ mãi/ Say đi nương nương/ Để rồi quên tiếp/ Một phút uyên ương/ Ngàn năm chia biệt!”.
Đó là bài thơ chàng trai Quảng Trị trẻ tuổi tặng những người đẹp sau đêm ca Huế trên sông Hương. Lúc mới đọc, tôi bất ngờ vì vẫn tưởng nhà thơ tham gia cách mạng trước mùa thu Tháng Tám năm1945, đồng thời là vị cán bộ văn hóa - tuyên giáo nghiêm chỉnh suốt mấy chục năm chỉ nghĩ đến con đò “chở người cán bộ qua vùng chiến khu” cùng những hình ảnh người cách mạng trong tập “Nắng Hiền Lương” (NXB Văn học - 1962), nhưng ngẫm kĩ, từ con đò trên sông Hương ngày ấy đến “Cô lái đò” trên sông Thạch Hãn, dù biết mấy xa cách về thời gian, không gian và đề tài vẫn có mối liên hệ mật thiết, vẫn chung một nguồn, đó là tình nhân ái của nhà thơ.
Những sáng tác thời trẻ của Lương An nay không mấy người biết và tác giả cũng không thể tìm được bản thảo nữa; còn có vở kịch thơ đã bị cháy trong kháng chiến chống Pháp và truyện thơ gần 2.000 câu “Giọt máu chung” viết về Tây Nguyên chưa xuất bản.
Lương An còn là một nhà nghiên cứu và dịch thuật rất có uy tín. Ở địa hạt này, ông đã có những đóng góp quan trọng. Cùng với các tập nghiên cứu văn học dân gian Bình Trị Thiên “Vè chống Pháp”, tập “Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm”, những bài nghiên cứu phê bình giới thiệu các tác phẩm, các danh nhân và địa chỉ văn hóa, phần lớn thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, thể hiện vốn hiểu biết nhiều mặt và công phu thật đáng trân trọng của ông trong quá trình sưu tầm tài liệu, dịch thuật và xây dựng tác phẩm. Chỉ cần đọc các chú thích dưới mỗi bài nghiên cứu (có bài gồm đến 48 chú thích như bài giới thiệu danh nhân Nguyễn Hữu Thận), chúng ta đã thấy rõ điều đó. Cũng do đó, có thể nói, những trang nghiên cứu của Lương An tạo nên sự tin cậy cao trong lòng độc giả.
Xin trích dẫn đôi điều Lương An đã viết về sông Thạch Hãn, để thấy các công trình nghiên cứu của ông kĩ lưỡng, công phu như thế nào. Ông dẫn chúng ta về tận ngọn nguồn dòng sông mà Bảng nhãn Vũ Duy Thanh trên đường vào Huế nhận chức Tế tửu Quốc Tử Giám không chỉ ca ngợi “Ấy cảnh tự nhiên ai khéo vẽ/ Mà kho vô tận lúc nào khan” mà đã tôn vinh: “Đây phải Liêm tuyền chăng đó tá?/ Muốn đem rửa ruột khách quan san”. “Liêm tuyền” - suối Liêm, tức dòng sông của sự thanh liêm, một vẻ đẹp cao quý không còn thuần túy là hình thức nữa. Và những người con của Quảng Trị, xưa và nay, theo Lương An, “đã biết tắm rửa mình trong nước “suối Liêm” để lại bao tấm gương sáng về đạo đức. Đó là Nguyễn Quận ở làng An Chế, đánh tan giặc, đứng trước vàng lụa chất đầy vẫn không thèm lấy một mảnh, chỉ cầm một lá cờ chiến lợi phẩm; là ông họ Lê làng Cam Lộ, được bổ làm tri huyện nhưng không nhậm chức; là Trương Thiện Thuật ở Triệu Phong, Nguyễn Tự Khiểm ở Gio Linh… bị giặc bắt, dụ dỗ mấy cũng không hàng, quyết chết trong hơn sống đục…
Và hôm nay, chúng ta có thể ghi tên Lương An tiếp theo danh sách kể trên. Thời gian một thế kỉ đủ để khẳng định Lương An không chỉ là một văn nghệ sĩ có cống hiến nhiều mặt mà còn là một người cán bộ gương mẫu thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Suốt từ khi Lương An còn là chàng thừa phái, nhờ theo dõi ghi chép các công văn của Bộ Lại, Lương An đã cung cấp cho đồng chí Hồng Chương những tin tức có lợi cho phong trào cách mạng cho đến khi ông tập kết ra Bắc làm Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Thống Nhất và năm 1973 trở về quê hương được giao cương vị Phó Trưởng Ty Thông tin văn hóa Quảng Trị, rồi Phó Tổng Thư kí Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên…
Tính đến hôm nay, bên thềm Xuân Canh Tý, Lương An “đi xa” vừa tròn 15 năm. Những năm qua, nhờ người con hiếu thảo - bác sĩ Lương Vân, mặc dù công tác ở TP. Hồ Chí Minh - quê hương Quảng Trị vẫn có dịp “gặp lại” ông. Trước hết là với di sản của ông qua “Tuyển tập Lương An” kịp hoàn thành trước lúc ông qua đời; tiếp đó là cuốn phim chân dung với rất nhiều kỉ niệm về Lương An. Để làm cuốn phim này, mùa hè năm 2007, Lương Vân và những người thân của Lương An đã công phu tổ chức một chuyến “về nguồn” ngược sông Thạch Hãn rất có ý nghĩa.
Tôi và anh Nguyễn Khôn, một cán bộ ngoại giao đã về hưu, em trai Lương An, ra Quảng Trị thì chuyến “về nguồn” đã được Lương Vân sắp đặt chu đáo… Trong cái nắng Quảng Trị chưa trưa đã nóng, đứng chờ đò dưới những bóng cây bạch đàn lưa thưa mọc chen với cỏ dại trên sườn đồi khô cằn, khoảng trời mây nước mênh mông mát rượi phía thượng nguồn Thạch Hãn hiện ra trước mặt thật bất ngờ và càng có sức mời gọi…
Chiếc thuyền đang rẽ sóng lướt tới, bỗng tiếng máy nổ dịu đi khi người dẫn đường chợt kêu lên:
- Bến Trấm đó!... Qua bến Trấm rồi!
- Quay lại đi! Ghé vô Bến Trấm đã…
Lương Vân vội xoay người nói với chủ thuyền. Thuyền đổi hướng và tiến vào gần bờ. Nhưng Bến Trấm, nơi dập dìu bước chân cán bộ, chiến sĩ về vùng địch hậu hay lên chiến khu xưa là đâu?
- Bến Trấm đó!...
Người dẫn đường đưa tay chỉ một lối mòn từ bờ sông ngược lên sườn đồi. Như để làm chứng rằng đây thực sự là một cái “bến”, một chiếc đò tam bản nhẹ lướt về phía lối mòn.
Vậy là cũng như “Cô lái đò”, “Bến Trấm” chỉ còn lại trong thơ. Chúng tôi ghé ngồi lại chốc lát dưới một bóng cây cách “Bến Trấm” một quãng ngắn, nghe anh Khôn nhắc lại vài kỉ niệm theo ông anh nhà thơ đi kháng chiến… Nhiều người nhắc đến Lương An thường chỉ nhớ bài thơ “Cô lái đò” mà không biết cùng thời gian ấy, cũng bên dòng Thạch Hãn này, nhóm văn nghệ “Nguồn Hàn” đã được khai sinh, mà ông và nhà thơ Dương Tường là hai nhân vật chủ chốt. Hoạt động cho đến năm 1952, “Nguồn Hàn” không chỉ tập hợp những văn nghệ sĩ ở địa phương mà còn là nơi giao lưu, tổ chức đi thực tế chiến trường cho rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi thời đó như Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hồng Chương, Trần Hoàn, Vĩnh Mai, Bửu Tiến, Phạm Duy…
Chuyến đi tưởng là chỉ tìm đến ngọn nguồn một bài thơ, hóa ra đây còn là nơi khai sinh cả một dòng thi ca kháng chiến chân chất mà hào hùng có vị trí không nhỏ trong lịch sử văn nghệ Việt Nam…
Được biết sau chuyến “về nguồn” ấy, bác sĩ Lương Vân còn trở lại quê hương Quảng Trị nhiều lần, khi thì góp phần cùng bà con dựng cổng chào ở làng Tài Lương, lúc nghe tin vùng chiến khu Ba Lòng còn nhiều thiếu thốn, Lương Vân đã thuê cả xe tải đem theo 100 suất quà từ Thành Cổ Quảng Trị lên tặng bà con… Tôi hình dung bà con nhận món quà tình nghĩa và thầm bảo nhau: “Con gái nhà thơ Lương An-Đò em lên xuống Ba Lòng đó!...”.
Những chuyện cũ làm chúng ta thêm ấm lòng trong ngày xuân mới, càng thêm yêu quý nhà thơ có vinh hạnh sống mãi trong lòng nhân dân. Và chợt nghĩ: Với một người như Lương An, tỉnh Quảng Trị nên dành một con đường mang tên ông…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=145637