Ngày Xuân ngẫm về đạo đức kinh doanh thời Covid-19

Có một câu ngạn ngữ được lưu truyền trong giới doanh nhân: 'Gieo tư tưởng gặt hành vi, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tư cách, gieo tư cách gặt số phận'. Liên hệ giữa thời đại dịch Covid-19, câu ngạn ngữ trên càng thêm ý nghĩa khi đề cao đạo đức kinh doanh với số phận của doanh nghiệp.

Kể lại những chuyện “mắt thấy tai nghe” trong làm ăn dưới thời Covid-19, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nức nở khoe là có nhiều doanh nghiệp vẫn sống “khỏe re”, gặp khó khăn nhưng phục hồi rất nhanh.

Gieo tư cách gặt số phận

“Tôi có đi phỏng vấn, tìm hiểu vài doanh nghiệp và thấy điểm chung là họ kinh doanh có đạo đức nên vượt qua nhanh. Đơn giản là đạo đức kinh doanh được họ đặt lên hàng đầu”, ông Điền bộc bạch.

Bàn về chuyện đạo đức kinh doanh giữa đại dịch, có thể hiểu nôm na tất cả hành vi trong kinh doanh sẽ thể hiện phẩm chất tư cách của doanh nghiệp ra bên ngoài. Và chính tư cách này sẽ tác động trực tiếp đến sự thành bại củadoanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức.

Vì vậy, từ xa xưa, Ấn Độ đã có một câu ngạn ngữ được lưu truyền trong giới doanh nhân: “Gieo tư tưởng gặt hành vi, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tư cách, gieo tư cách gặt số phận”.

Chẳng hạn như, sự tận tâm của người lao động được xuất phát từ việc bản thân họ đã tin rằng họ có tương lai tại doanh nghiệp, và tương lai của họ gắn liền với tương lai của doanh nghiệp. Họ sẵn sàng cống hiến thời gian, sức lực của mình cho doanh nghiệp. Vậy nên, dưới thời Covid-19, nếu doanh nghiệp quan tâm đến người lao động sẽ nhận được nguồn lợi từ họ theo một tỷ lệ thuận.

Bên cạnh đó, nếu ứng dụng Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh thời đại dịch Covid-19 thì chữ “Đạo” cũng được nhấn mạnh. Đạo tức là đạo đức. Người làm kinh doanh hay hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực gì, bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào đều phải có đức, không đặt yếu tố về lợi ích, tiền bạc lên trên lương tâm.

Và, dù đại dịch có tác động tiêu cực ra sao thì các doanh nhân không được chấp nhận thỏa hiệp cũng như có thái độ không khoan nhượng với tất cả các hành vi đi ngược lại đạo đức. Có như vậy, doanh nghiệp hay cửa hàng mới xây dựng và giữ gìn được uy tín và thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác và cả niềm hãnh diện cho nhân viên.

Chữ “Đạo” trong Binh pháp Tôn Tử nếu áp dụng vào thời Covid-19 còn thể hiện mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, ở khả năng tận dụng người hiền tài. Trong công việc, trong hoàn cảnh khó khăn nếu tìm được người có tinh thần làm việc cao, tư chất tốt cần phải được tận dụng để đội ngũ nhân viên vững mạnh.

Từ lãnh đạo cho đến nhân viên đều phải đồng lòng, cùng chung mục tiêu đưa doanh nghiệp vượt khó. Còn nếu trên dưới xung đột, cấp trên nói cấp dưới không nghe, giữa đại dịch lại làm việc hời hợt thì số phận của doanh nghiệp càng như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Ngoài ra, theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc của Deloitte Việt Nam, chính trong giai đoạn chịu tác động của đại dịch Covid-19, lại thấy nhiều doanh nghiệp có chung một chữ “Đồng”. Đó là sự đồng cảm giữa lãnh đạo với nhân viên, sự đồng lòng giữa doanh nghiệp với Chính phủ và sự “đồng cam cộng khổ” giữa doanh nghiệp với cộng đồng.

Ông Hoàng cho biết, đã có rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc xin, đóng góp máy trợ thở, và sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân để cho những mục đích rất giản đơn nhưng cao hơn cả chính là lợi ích của cộng đồng.

“Tôi phải nói lời cảm ơn đến những anh chị doanh nhân đã chung tay đóng góp vào công cuộc vượt qua Covid-19 của cả cộng đồng”, vị phó tổng giám đốc này chia sẻ.

Bàn về chuyện đạo đức kinh doanh dưới thời đại dịch cũng không thể không nhắc tới “văn hóa hợp tác” của doanh nghiệp. Có câu chuyện như thế này, trong lúc đại dịch cao trào, một doanh nghiệp trong ngành tài chính nhận thấy rằng họ cần tăng cường sự hợp tác trong nội bộ.

Cho nên hàng ngày họ tổ chức các cuộc họp trực tuyến (online) giữa lãnh đạo và các quản lý cấp cao. Sau một thời gian thì tự dưng họ nhận ra là tốc độ gia tăng quyết định cũng như giải quyết vấn đề trở nên nhanh hẳn.

Đó là vì thông tin của doanh nghiệp được thông suốt. Và quan trọng hơn khi gặp nhau hàng ngày, dù đó là gặp nhau online, thì dần dần mọi người có kết nối với nhau và tín nhiệm với nhau rất nhiều. Và tín nhiệm đó từ lãnh đạo cấp cao, sau đó lan tỏa dần xuống các phòng ban, và lan tỏa một cách tự nhiên.

Từ đó, doanh nghiệp này hay những công ty khác với cách làm tương tự như vậy, đã tạo ra được văn hóa hợp tác rất hiệu quả giữa các bộ phận với nhau. Kết quả là họ ra quyết định cực kỳ tinh gọn, hoạt động cũng cực kỳ nhanh gọn, mọi thứ được triển khai với tốc độ rất cao.

Chữ “Tín” còn quan trọng hơn tiền bạc

Chính những khó khăn của đại dịch đã giúp các doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối, hợp tác với nhau một cách hiệu quả. Một cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây của công ty kiểm toán và tư vấn Deloitte cho thấy, với 60% doanh nghiệp trả lời rằng việc xóa bỏ tâm lý cục bộ (một trong những thói xấu khi bàn về đạo đức kinh doanh - PV) đã giúp họ vượt qua được những biến cố do Covid-19 gây ra trong năm 2021 một cách rất vững chãi.

Lo cho sức khỏe của người lao động giữa đại dịch cũng chính là lo cho “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, với đạo đức kinh doanh, trong hoàn cảnh khốn khó do đại dịch gây ra, chữ “Tín” thường được mọi người nhắc đến rất nhiều và được coi như là chìa khóa quyết định số phận của họ. Nhất là đối với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng, chủ thể kinh doanh phải giữ chữ “Tín” trong kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp, doanh nhân phải giữ chữ tín trong quan hệ, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết.

Nhân nói về chữ “Tín”, trong một bức thư gửi cháu trai của mình, ông Zebulon, cụ cố của Warren Buffett đã viết rằng: “Cháu đừng mong có thể kiếm được nhiều tiền ở đâu đó, ông chỉ hy vọng công việc kinh doanh của cháu sẽ tốt đẹp hơn vào mùa Xuân. Nhưng nếu cháu không thể làm được điều đó, hãy từ bỏ kịp thời để thanh toán hết nợ nần và giữ lại chữ “Tín” cho mình, bởi vì nó còn quan trọng hơn cả tiền bạc”.

Có lẽ nhờ học được giữ gìn chữ “Tín”, hiểu được câu “chữ Tín còn quan trọng hơn tiền bạc” của cụ cố của mình mà sau này Warren Buffett đã trở thành tỷ phú Mỹ giàu nhất, nhì thế giới.

Trở lại với thời Covid-19 như hiện tại, chữ “Tín” lại càng cần được đề cao hơn bao giờ hết. Những đánh giá qua các cuộc khảo sát đều cho thấy những doanh nghiệp nào ưu tiên đảm bảo an toàn cho nhân viên và cho khách hàng, sẽ xây dựng được “Tín nhiệm” cao hơn.

Như chia sẻ của ông Phan Vũ Hoàng, “Tín nhiệm” này bao gồm cả thể chất và cảm xúc. Tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp của họ vượt qua biến cố trong đại dịch khá hiệu quả khi giữa thể chất an toàn cho nhân viên (chiếm 76% kết quả khảo sát), giữ an toàn về thể chất cho khách hàng (chiếm tỷ lệ 73%), duy trì tín nhiệm giữa lãnh đạo và nhân viên (chiếm 65%), duy trì tinh thần tích cực cho nhân viên (chiếm 63%), cung cấp nguồn lực hỗ trợ về tinh thần cho nhân viên (chiếm 59%).

Có đến 2/3 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã làm tốt việc giữ an toàn cho nhân viên và khách hàng thì đồng thời cũng vượt qua biến cố một cách hiệu quả.

Không những vậy, với thời đại chuyển đổi số “sống chung” với đại dịch như hiện nay thì việc “Tín nhiệm” trong không gian số của các doanh nghiệp cũng ngày được đề cao. Theo khảo sát của Deloitte, 69% doanh nghiệp tham gia cho biết, giám đốc trải nghiệm khách hàng (CXO) của họ làm tốt việc phát hiện, khắc phục và ngăn chặn nguy cơ an ninh mạng thì cũng đồng thời vượt qua các biến cố một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, 78% cho biết doanh nghiệp của họ triển khai tốt các công nghệ một cách có đạo đức, đồng thời cho biết, doanh nghiệp của họ thích nghi và xoay sở tốt với các biến cố, gián đoạn trong thời gian qua.

Ngoài chữ “Tín nhiệm” thì cần bàn thêm về chữ “Trách nhiệm” giữa đại dịch. Đạo đức kinh doanh chính là sức mạnh trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vì tính liêm chính và sự tuân thủ đạo đức của các doanh nghiệp phải vượt xa cả sự tuân thủ các luật lệ và quy định.

Trong chữ “Trách nhiệm”, để vượt qua khó khăn giữa thời điểm này, nên hiểu rằng các quyết định của quản lý doanh nghiệp không chỉ ở việc xác định các giá trị, lợi ích cần được tôn trọng, mà còn cân đối, hài hòa và chấp nhận hy sinh một phần lợi ích riêng hoặc lợi nhuận của chính doanh nghiệp đó.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ngay-xuan-ngam-ve-dao-duc-kinh-doanh-thoi-covid-19-1083001.html