Ngày Xuân nói về một 'kỳ nhân' trên đất Hà Thành
Giáo sư, viện sĩ Ngô Xuân Bính hiện sống ở Ecopark là người đa tài trong các lĩnh vực hội họa, thơ, y học, võ thuật, âm nhạc và hiện nắm 2 kỷ lục Việt Nam (thơ, châm cứu).
Nói về tài năng xuất chúng của “kỳ nhân” đất Hà Nội - Viện sĩ Ngô Xuân Bính, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận xét: “Người ta đang gọi Ngô Xuân Bính là kỳ nhân, dị nhân, thậm chí là quái nhân nữa, mà ngẫm cho cùng thì danh nào cũng đúng, nghe ra cũng hợp lý”. Sống trên đời chỉ nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó, cũng đã thấy đáng nể rồi nhưng trong các lĩnh vực kể trên ông đều thể hiện tài năng xuất chúng của mình".
Nguồn năng lượng vô tận
Giáo sư, viện sĩ Ngô Xuân Bính (1957) có năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật từng đi giảng dạy nhạc-họa. Nhưng nói đến Ngô Xuân Bính không thể không nói đến môn phái Nhất Nam (1983) mà ông chính là người sáng lập. Nhất Nam với mọi vật phỏng theo muôn vật, võ sư Ngô Xuân Bính nghiền ngẫm để rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của muôn vật mà chế thành quyền. Đọc kỹ 5 tập sách “Nhất Nam căn bản” mới thấy khối lượng đồ sộ cũng như sự miệt mài lao động, đóng góp cho võ cổ truyền Việt Nam.
Nhất Nam có 32 bài cơ bản, lại thêm 42 bài bổ trợ, mỗi bài quyền chuỗi động tác, có thế công, thế thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, bay bổng nhưng vẫn có những đòn triệt hạ tùy độ thâm hậu của người tập. Các bài Ma quyền, Ảo quyền, Hoa quyền đã kết tinh những kỳ bí của võ thuật Việt Nam, biến hóa khôn lường như triết lý và nhân sinh quan của người Chưởng môn phái.
Nhất Nam bên cạnh những bài quyền chiến đấu, còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và những bài quyền nhập định nhằm tu dưỡng nhân cách con người. Vì thế Đức Pháp vương Nepan Gyalwang Drukpa XII đã chọn các võ sinh Nhất Nam hộ giá trong các chuyến thăm viếng các quốc gia trên thế giới.
Năm 2014, tại TP Hồ Chí Minh người ta đã trao kỉ lục Việt Nam cho bộ sách châm cứu có nhiều trang nhất (1.556 trang) có tựa đề “Cao huyết áp - Các chứng liên đới – Chuyên khoa châm cứu”, tập 1 do Nhà xuất bản Y học Việt Nam ấn hành của tác giả Giáo sư, Võ sư Ngô Xuân Bính. Ông đã thành công trong việc nghiên cứu những vấn đề nền tảng của y học cổ truyền phương Đông một cách dễ hiểu, dựa trên cơ sở tương tác năng lượng “âm - dương” và hệ thống kinh lạc. “4 tập sách quý về châm cứu của ông, người ta phải tính bằng cân”, Tiến sĩ Phạm Đức Bảo- bạn đồng niên của ông chia sẻ.
Làm việc tại Nga 10 năm, tháng 1/2010, Hiệp hội y học dân gian Nga đã phong tặng ông Bính học hàm: “Giáo sư chuyên môn”; Liên hiệp quốc trao tặng ông huân chương cao quý “Nicholai Peregov” vì những đóng góp “lớn lao và đặc biệt” vào nền y tế thế giới, theo đề nghị của Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu. Ông là một trong số 55 người trên thế giới được tặng thưởng huân chương cao quý này. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ông đã từng chữa cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và nhiều nguyên thủ khác.
Tận cùng của võ là văn
Cổ nhân từng nói “tận cùng của võ là văn”, câu nói này đúng với Ngô Xuân Bính, cuối năm 2022 ông đã làm cho giới yêu nghệ thuật hội họa và âm nhạc Hà Nội ngạc nhiên đến tột cùng khi liên tiếp cho ra mắt triển lãm “Ego - Người” và đêm nghệ thuật “Ngọn Thông Linh”. Tưởng như khi đã dồn hết nội lực 261 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 136 tượng điêu khắc với các chất liệu như đồng, đá, gỗ, kết hợp giữa chất liệu truyền thống và đương đại thì nguồn năng lượng trong ông đã cạn.
Khi đã trao tặng cho công chúng Thủ đô những tác phẩm nghệ thuật, đồng thời là thông điệp sống của mình cho cho các không gian đô thị rộng lớn của thời hiện đại thì Viện sĩ Ngô Xuân Bính sẽ khó chuyển tải đề tài nông thôn, bản làng bằng thơ-nhạc một cách độc đáo, sáng tạo nữa.
Không ít người tò mò và có phần lo ngại, sau khi Ngô Xuân Bính đã mở ra xu hướng nghệ thuật đô thị trong thời đại mới, vừa hiện đại, vừa đậm nét truyền thống thì nhân sinh quan của ông về phần còn lại của trái đất, đề tài nông thôn, nông dân có bị bó hẹp lại, lặp lại những điều mà ông đã làm được trên chất liệu tranh sơn mài, sơn dầu cũng như đồng, đá, gỗ.
Nhưng những người gần ông thì tin, “Ngọn Thông Linh” sẽ thành công bởi chặng đường thi ca của người đàn ông xứ Nghệ sau những tháng năm bôn ba đất khách quê người và dừng chân ở đất Thăng Long kỳ kỳ rất đồ sộ, được tính bằng cân. Đó là “"Du" và "Niệm", là hàng trăm bài thơ chứa nhiều ẩn ý gửi gắm tới cộng đồng, ca ngợi tính nhân văn của con người với con người, ca ngợi tình yêu thiên nhiên, đất nước.
Khoan hãy bàn đến thơ hay/không hay mà cho đến giờ Ngô Xuân Bính đã hình thành được trường phái thơ riêng của mình bởi cả khối lượng đồ sộ của hơn 10 tập thơ đã xuất bản cũng với thông điệp xuyên suốt các sáng tác.
Nhiều vấn đề lớn của nhân loại, qua góc nhìn của ông nó đơn giản, đơn giản một cách tự nhiên nằm gọn trong một bài thơ, thậm chỉ chỉ một câu thơ hay! Chỉ có thế người đọc mới nhớ đến Ngô Xuân Bính- thi sĩ. Thơ với tôi là sự bộc bạch, trải lòng về chiêm nghiệm hay những điều chắt lọc ra từ cuộc sống đã có sẵn tính nhạc và chứa đựng bao khát khao. Đọc kỹ các tập thơ “Sấp ngửa bàn tay”, “Giao hòa lắng nghe”, “Cánh đồng tiềm thức”, “Cánh đồng thao thức”, “Cánh đồng tri ân”… người ta sẽ nhận thấy sự vươn tới cái khởi đầu thánh thiện của vũ trụ. Chỉ có Ngô Xuân Bính, thi sĩ xứ Nghệ đang sống trên đất Hà Thành mới viết:
Tôi tiêu tốn một mình tôi
Tôi tiêu tốn cả một đời mẹ cha
Cái nhìn, chính xác hơn là nhân sinh quan vũ trụ trong ông thống nhất cả trong tranh, tượng và thơ để đi vào nhạc.
Bản ngã không từ trời rơi xuống
Nhân tâm đâu từ kẻ lạc loài
Có thế, các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Phú Quang, Huy Thông, Xuân Phương, Đức Trịnh, Phú Cử, Trọng Tuấn, Tuấn Phương, Kim Quang, Quang Vinh mới bắt được “cái thần” trong thơ ông để có đêm nhạc “Ân khúc - Giao hòa” (2015) và “Ngọn Thông Linh” (2023). Thực tế, “Ngọn Thông Linh” đã đi một bước khá xa so với chương trình “Ân khúc - Giao hòa” cách đây 7 năm cả về nội dung lẫn hình thức, được công chúng yêu nhạc Hà Nội đánh giá cao.
Thông điệp cuộc sống
Thực tình để hiểu hết nội hàm trong nghệ thuật mà Ngô Xuân Bính muốn chuyển tải không hề dễ. Trong bài “Ngọn Chung linh” mà ông tâm đắc lấy đặt tên cho đêm nghệ thuật mới đây tại Nhà hát Âu cơ (Hà Nội), trong âm thanh vang dội của trống võ, của những đoàn quân ra trận, người xem chỉ kịp cảm nhận bằng mắt, bằng tai sự hoành tráng của sân khấu hơn là hiểu sâu về thông điệp của tác giả.
Chung! Chung! Chung! Chung! Ta nhớ Mi
Nhớ bài “ Trường xà” ngẩng “Đầu xà ”
Gồng thân ngẩng đỉnh thanh cao quý
Ngã gối đầu mây mặt nở hoa
Thái ngự trên trăm ngàn nương rẫy
Dao mộc chém ngang đạp lũng đà
Để cho công chúng yêu quý tác giả có thể tiếp cận và thấu hiểu thông điệp của sống của Giáo sư, viện sĩ Ngô Xuân Bính, một trong những người đi tiên phong nghệ thuật đang sống tại Ecopak (Hà Nội) có lẽ ông phải tổ chức thêm nhiều chương trình nghệ thuật nữa.
Nói về khối lượng các tác phẩm nghệ thuật tranh, tượng, thơ của Giáo sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính một đồng nghiệp của tôi đã thốt lên: “Không hiểu ông lấy đâu ra thời gian và sức lực để làm một lúc từng ấy việc? ”. Nhưng với tôi, vẫn phải đặt thêm câu hỏi: “Không biết ông ấy lấy đâu ra tiền tỷ để tổ chức những đêm nghệ thuật hoành tráng như thế, cả về địa điểm, âm thanh, ánh sáng, chỉ đạo dàn dựng và đội ngũ nghệ sĩ tham gia đều chuẩn mực để tôn nội dung lên một tầm cao nghệ thuật”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngay-xuan-noi-ve-mot-ky-nhan-tren-dat-ha-thanh.html