Nghề 'ăn cơm đứng' ở Minh Quân

Người xưa có câu: 'Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng' - ý nói nghề trồng dâu nuôi tằm rất là vất vả, bận rộn. Nhưng câu chuyện ấy nay đã xưa rồi với một minh chứng sống động từ Minh Quân - vùng dâu mới gia nhập 'tập đoàn dâu tằm tơ' hùng hậu của huyện Trấn Yên.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dâu đầu tiên tại xã Minh Quân.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dâu đầu tiên tại xã Minh Quân.

Chúng tôi về thôn Linh Đức - một vùng soi bãi của xã Minh Quân, Trấn Yên. Chùa Linh Thông vẫn thâm nghiêm đứng đó từ trăm năm trước; đồng đất vẫn tốt tươi bốn mùa; lúa mùa chín rộ và người dân đang tập trung thu hoạch; đường làng Linh Đức đã bê tông hóa; nhà cửa, cổng ngõ khang trang, sạch đẹp...

Chỉ có một điều tươi mới hơn ở Linh Đức, đó là biêng biếc ruộng dâu - một đối tượng cây trồng mới, mang lại ngành nghề mới và tạo cơ hội cho dân Linh Đức nói riêng và xã Minh Quân nói chung vươn lên làm giàu một cách bền vững ngay trên mảnh đất quê mình.

Tôi nhớ chị Linh Trang - một doanh nhân thành đạt trên lĩnh vưc kinh doanh thời trang - người sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã nói: "Cái khăn quàng cổ của chị em làm bằng sợi tổng hợp giá 200.000 - 300.000 đồng; nếu làm bằng chất liệu tơ tằm, giá đã tăng lên gấp 4 - 5 lần. Ngoài kiểu dáng, thương hiệu, chất liệu thời trang là yếu tố quan trọng, trong đó, chất liệu tơ tằm luôn được đánh giá rất cao và là xu hướng của người tiêu dùng toàn cầu”.

Câu chuyện của chị Trang cho ta hiểu rằng, thị trường tơ tằm còn rất rộng lớn, cơ hội còn rất nhiều cho cả người trồng dâu nuôi tằm đến người ươm tơ, dệt vải và thiết kế, kinh doanh thời trang. Dưới con mắt của người làm thời trang là như vậy, còn lãnh đạo, quản lý tại địa phương thì nhìn ở góc khác.

Còn nhớ, anh Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lúc đó là Bí thư Huyện ủy Trấn Yên đã tâm sự với chúng tôi: "Trấn Yên lựa chọn cây dâu tằm là cây cho thu nhập khá, không phải lo chuyện nước tưới, dân có việc làm và đặc biệt khỏi phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, hết ô nhiễm, giảm bệnh tật và người nông dân bớt cơ cực”.

"Người xưa có câu: "Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng" - ý nói nghề trồng dâu nuôi tằm rất là vất vả, bận rộn. Nhưng câu chuyện ấy nay đã xưa rồi... Bây giờ, nhờ khoa học và công nghệ, chúng ta đã có giống dâu năng suất cao, giống tằm khỏe mạnh, chất lượng kén tốt. Đặc biệt là làm ăn theo chuỗi liên kết nên nghề trồng dâu, nuôi tằm là một lựa chọn đúng đắn, bởi thu nhập cao, ổn định mà không hề vất vả” - Bí thư Đảng ủy xã Minh Quân, huyện Trấn Yên Đào Trọng Hai minh chứng thêm lần nữa đánh giá của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh .

Vì thế, Trấn Yên đã đẩy mạnh mở rộng diện tích dâu tằm từ Việt Thành, Đào Thịnh, Tân Đồng, Báo Đáp sang Quy Mông, Y Can, Hưng Khánh, Hưng Thịnh.., đâu đâu cũng bát ngát dâu xanh.

Trở lại với dự án trồng dâu nuôi tằm ở Minh Quân. Có thể nói, người Minh Quân khá tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật, thích tìm tòi cái mới và đặc biệt là chăm chỉ lao động... Hiện, năng suất lúa đã cao, ổn định theo hướng sản xuất lúa hàng hóa; đồi rừng đã phủ kín cây nguyên liệu; ao hồ, ruộng thấp đều đã được cải tạo để nuôi thả cá; chăn nuôi gà, lợn cũng khá phát triển; nhiều ngành nghề phụ cũng đã được người dân phát huy. Nhờ thế, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 47 triệu đồng/năm; mục tiêu xóa đói, giảm nghèo thu được những kết quả rất tốt.

"Thành công bước đầu rất đáng khích lệ, nhưng không được thỏa mãn! Tại sao nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển mạnh mẽ, nhiều địa phương trong huyện đã làm và làm tốt như vậy mà Minh Quân vẫn lặng thinh? Đặc biệt, Minh Quân có rất nhiều đất soi bãi và các lợi thế khác để phát triển ngành nghề này? Câu hỏi này đã được đặt ra tại các buổi họp của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã. Để rồi, một nghị quyết về trồng dâu nuôi tằm đã ra đời, hàng loạt các quyết định cũng đã được ban hành và được cả Đảng bộ, các ban, ngành, đoàn thể cùng chung sức triển khai thực hiện” - Bí thư Đảng ủy xã Đào Trọng Hai đã nói với chúng tôi như vậy khi rẽ vào thăm một ruộng dâu xanh mướt phía bên Nhà văn hóa thôn Linh Đức.

Niềm vui của người dân thôn Linh Đức, xã Minh Quân thu hoạch lứa kén đầu tiên.

Niềm vui của người dân thôn Linh Đức, xã Minh Quân thu hoạch lứa kén đầu tiên.

Bí thư Đào Trọng Hai cho biết thêm: "Mới trồng tháng 3 mà cây dâu đã lớn và cho nhiều lá thế này đây, các bác ạ! Đất Minh Quân màu mỡ, dân Minh Quân làm đúng quy trình kỹ thuật mà”. Nhìn ruộng dâu xanh tốt, thấy phong cách cán bộ xã hăng hái, nhiệt tình, năng nổ, cộng với cơ hội và tiềm năng nghề dâu tằm như đã nói trên, chúng tôi hiểu chương trình dâu tằm ở Minh Quân sẽ thành công, người dân trong xã có thêm một nghề, mở ra cơ hội vươn lên.

Được biết, ngay từ những ngày đầu của năm 2023, UBND xã Minh Quân đã ban hành Kế hoạch số 02 về triển khai chương trình phát triển trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn xã; trong đó, năm 2023 thực hiện trồng mới 5 ha (thôn Hòa Quân 2 ha, Gò Bông 2 ha, Tiền Phong 1 ha). Tuy nhiên, do vướng phải đất quy hoạch khu công nghiệp nên UBND xã đã điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào các thôn: Đức Quân, Linh Đức và Tiền Phong.

Để chương trình trồng dâu được tổ chức bài bản, có sự đồng thuận cao, đảm bảo thành công, nhiều cuộc họp từ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, người dân đã được tổ chức và sôi nổi thảo luận. Xã còn mời cả cán bộ kỹ thuật của Viện Dâu tằm tơ quốc gia về hỗ trợ nông dân; thành lập 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm với 15 thành viên tham gia; tổ hợp tác đã thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi với Hợp tác xã Trồng dâu nuôi tằm xã Đào Thịnh.

Đặc biệt, xã còn tổ chức các chuyến học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm cho bà con tại các xã: Việt Thành, Báo Đáp và tham quan Nhà máy Chế biến dâu tằm tơ Yên Bái... Chương trình trồng dâu, nuôi tằm của Minh Quân đã được huyện chấp thuận và triển khai các chính sách hỗ trợ như: kỹ thuật, giống dâu, nhà tằm...

Với cách làm như vậy, hàng chục hộ ở Minh Quân đã hăng hái đăng ký tham gia chương trình và để bảo đảm sự thành công, UBND xã đã lựa chọn 5 hộ có điều kiện, khả năng làm trước, sau đó mới triển khai tới các hộ còn lại.

Hiện toàn xã Minh Quân có 5,49 ha dâu, đạt 109,8% so với kế hoạch năm. Trong đó, diện tích trồng mới vụ xuân 2 ha (1 ha trồng bằng hom, 1 ha trồng bằng cây con); trồng mới vụ hè thu 3,49 ha (toàn bộ được trồng bằng cây con), diện tích dâu đã trồng bảo đảm mật độ tỷ lệ sống phát triển rất tốt đã thu hoạch lá đảm bảo nuôi tằm; nhiều hộ ở Minh Quân chờ thu hoạch xong lúa, ngô là làm đất, trồng dâu. Vì vậy, diện thích dâu sẽ còn tăng mạnh từ nay đến cuối năm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình Dâu tằm huyện Trấn Yên, quá trình triển khai thực hiện dâu, tằm, tơ đã theo chuỗi (có đơn vị ấp nở và nuôi tằm con; người dân chỉ việc mua về để chăm sóc, cho ăn và thu kén; có đơn vị thu mua, sản xuất ngay tại địa bàn huyện; các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ, triển khai các chính sách hỗ trợ...).

Với cách làm trên, 2 hộ đầu tiên nuôi tằm ở Minh Quân đã nhận giống tằm Hợp tác xã Hạnh Lê, xã Việt Thành với số lượng nuôi là 7 vòng tằm chia làm 2 đợt nuôi (đợt 1 thời điểm 29/8/2023, đợt 2 thời điểm 16/9/2023).

Trong quá trình nuôi, 2 hộ được cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, phòng chuyên môn của huyện trực tiếp hướng dẫn và thực hiện quá trình nuôi tằm. Hướng dẫn kỹ thuật hái lá dâu, cho tằm ăn, cách thay lá, nhận biết tằm ngủ, tằm dậy... Tằm vào kén đúng ngày theo đúng quy trình kỹ thuật, sản lượng kén đạt 85 kg với giá bán từ 190.000 - 200.000 đồng/kg, đạt gần 17 triệu đồng.

Chưa có đối tượng vật nuôi nào mà chỉ 15 ngày đã bán và thu tiền như con tằm; cây dâu thì quá dễ trồng, dễ sống, không phải chăm sóc nhiều và cho năng suất lá cao (nếu không muốn nuôi tằm thì bán lá). Theo tính toán, mỗi héc - ta dâu một năm cho thu lãi trên 150 triệu đồng (đã có hộ ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên thu lãi 300 triệu đồng), mỗi sào cho thu lãi 5,7 triệu đồng (sau khi trừ kinh phí và cả nhân công lao động với giá 200.000 đồng/ngày công)...

Kết quả ban đầu đã thúc đẩy người dân Minh Quân theo nghề "ăn cơm đứng". Những hộ như ông Công, ông Trực, bà Lương ở thôn Tiền Phong; ông Trung, thôn Gò Bông; bà Thoa, thôn Hòa Quân, ông Đính, thôn Linh Đức... đang phấn khởi mở rộng thêm diện tích dâu và trở thành mô hình học tập của bà con trong thôn, ngoài xã. Như vậy, con số 50 đến 70 ha dâu là con số mà Minh Quân hoàn toàn có thể đạt được trong tương lai không xa.

Cùng với cán bộ xã đến thăm các mô hình trồng dâu, chúng tôi chia sẻ niềm vui và cả niềm tin với cấp ủy, chính quyền, người dân xã Minh Quân. Dù vậy, chương trình kinh tế của xã cũng còn những vấn đề đáng bàn như: diện tích đất có thể trồng dâu trên địa bàn xã không còn nhiều (do quy hoạch khu công nghiệp), do có quá nhiều ao hồ nên muốn mở rộng diện tích cần có kế hoạch cải tạo đất, có hệ thống mương thoát nước tốt; đặc biệt, phải có vùng dâu tập trung, không trồng xen canh giữa dâu với các cây rau màu khác, bởi con tằm đặc biệt mẫn cảm với hóa chất, nhất là thuốc trừ sâu nên rất nhiều hộ đã mất sạch lứa tằm bởi tằm ăn lá dâu nhiễm độc.

Chia tay Minh Quân trong một buổi chiều đẹp nắng. Thóc lúa đang từ đồng về nhà. Nhiều bãi màu đã được cày ải, lên luống chờ xuống giống dâu mới cho kịp vụ tằm xuân (tháng 3/2024). Hẹn gặp lại những người miệng nói, tay làm và xin được chia vui cùng bà con trong xã!

Lê Phiên

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/302913/nghe-an-com-dung-o-minh-quan.aspx