Nghệ An: Đặt mục tiêu đến 2030, ngành du lịch đóng góp từ 9-10% GRDP
UBND tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%.
Theo đó, nhiều giải pháp được tỉnh Nghệ An đề ra, cụ thể: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành du lịch; tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, bốn mùa, sản phẩm du lịch, dịch vụ trên cơ sở thế mạnh của tỉnh; quy hoạch phát triển một số khu du lịch quốc gia; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch và công tác quản lý nhà nước về ngành du lịch...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy nhanh quy hoạch, huy động nguồn lực từng bước xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Kim Liên, huyện Nam Đàn thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tầm quốc gia với giá trị văn hóa lịch sử nổi bật, độc đáo và dấu ấn riêng của xứ Nghệ.
Đối với công tác quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh xác định hành lang kinh tế ven biển gồm: các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu; thị xã Hoàng Mai và TP. Vinh sẽ tập trung phát triển du lịch biển, các sản phẩm kinh tế địa phương gắn với du lịch biển. Tiếp đó, hành lang đường Hồ Chí Minh gồm thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông; hành lang kinh tế Quốc lộ 7 gồm các huyện Thanh Chương, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng.
Năm 2023, tỉnh Nghệ An đón khoảng 8,36 triệu lượt khách du lịch, bằng 127% so với năm 2019; doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 170% so với năm 2019. Sản phẩm du lịch tại tỉnh Nghệ An ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên; thị trường khách du lịch đang từng bước được mở rộng; hệ thống giao thông kết nối các điểm đến trong tỉnh phục vụ cho phát triển du lịch đang dần được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện...
Tuy nhiên, tại Nghệ An việc phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, trong đó chi mua sắm và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng thấp khi đến địa phương; chất lượng tăng trưởng khách thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp. Tại một số địa phương trong tỉnh, sản phẩm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng chưa tạo được bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng.