Nghệ An: 'Đau đầu' vì nhiều cơ sở ô nhiễm môi trường chưa được xử lý

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 6 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý, gây bức xúc lớn cho người dân.

"Núi rác" 84.000 tấn bị bỏ lại giữa lòng thành phố

Theo tìm hiểu thực tế của PV Người Đưa Tin, nhiều năm nay, bà con ở xã Hưng Đông, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An thường xuyên bị tra tấn bởi tình trạng ô nhiễm từ bãi rác khổng lồ Đông Vinh nằm sát với khu dân cư.

Anh Lê Văn Hoàng, trú xã Hưng Đông, có nhà cách bãi rác không xa, cho biết: "Hàng ngày, người dân chúng tôi vẫn cứ phải sống chung với bãi rác này, nắng thì mùi hôi, mưa thì nước rỉ rác chảy lênh láng khắp nơi ô nhiễm lắm. Người dân phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý".

Anh Nguyễn Bình thông tin thêm: "Số lượng rác đang nhiều lên, điều này khiến ruồi muỗi ngày càng có cơ hội sinh sôi nảy nở, ảnh hưởng lớn tới khu dân cư khiến mọi người đều ám ảnh. Hy vọng chính quyền sớm vào cuộc để trả lại cho người dân chúng tôi môi trường xanh-sạch-đẹp".

Bãi rác Đông Vinh hiện có khoảng 84.000 tấn rác thải tồn đọng chưa xử lý.

Bãi rác Đông Vinh hiện có khoảng 84.000 tấn rác thải tồn đọng chưa xử lý.

Theo người dân, bãi rác Đông Vinh tồn tại mấy chục năm nay. Qua thời gian, lượng rác thải tập kết về bãi rác này ngày càng nhiều nhưng không được xử lý nên đã nhanh chóng quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Năm 2003, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải Seraphin của Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin (gọi tắt là Công ty Seraphin) với công suất xử lý 200 tấn/ngày, đêm. Thời điểm đó, công nghệ xử lý rác này được đánh giá là thân thiện với môi trường, có thể biến rác thải thành phân vi sinh.

Tháng 5/2005, nhà máy xử lý rác thải Seraphin đi vào hoạt động, xử lý cả rác tươi (rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày) và rác khô (chôn lấp tại bãi rác). Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, do nhà máy xuống cấp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên tháng 1/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu nhà máy xử lý rác thải Seraphin chấm dứt hoạt động.

Sau khi dừng hoạt động, công ty này tiến hành tháo dỡ nhà xưởng, để lại khu vực nhà máy với khoảng 84.000 tấn rác thải tồn đọng chưa xử lý, gồm 30.000 tấn gạch đá, cát, sỏi, thủy tinh, mảnh sành...; 20.000 tấn mùn hữu cơ đã phân loại; 34.000 tấn rác đã phân loại chờ đốt.

Kể từ đó đến nay, tỉnh Nghệ An cũng nhiều lần đốc thúc các sở, ngành liên quan, UBND Tp.Vinh và Công ty Seraphin xử lý dứt điểm rác thải còn tồn đọng tại bãi rác Đông Vinh trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và đúng quy định…

UBND Tp.Vinh đã có công văn báo cáo, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm trên vẫn chưa thể xử lý.

UBND Tp.Vinh đã có công văn báo cáo, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm trên vẫn chưa thể xử lý.

Ngày 16/4/2020, UBND Tp. Vinh đã có Công văn 1885/UBND-TC.KH, báo cáo UBND tỉnh Nghệ An và các Sở TN&MT, Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính về việc xử lý rác thải tồn đọng tại bãi rác Đông Vinh. Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện nay tình trạng trên vẫn chưa được xử lý.

Theo ghi nhận của phóng viên, bãi rác chất cao gần 10m, trên diện tích rộng hàng chục nghìn m2. Do nhiều năm không hoạt động, cỏ dại đã mọc dày đặc trên bãi rác. Trải qua nhiều năm, bãi rác Đông Vinh ngày càng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Nghệ An có 6 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý

Vừa qua, tại cuộc họp báo công bố nội dung chương trình Kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh khóa XVIII, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An thông tin trong 28 chỉ tiêu tại Nghị quyết số 61 của HĐND tỉnh, dự kiến đến hết năm 2024, có 1 chỉ tiêu là tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý khó đạt.

Theo báo cáo, dự kiến đến hết năm 2024, Nghệ An có 1 chỉ tiêu là tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý khó đạt.

Theo báo cáo, dự kiến đến hết năm 2024, Nghệ An có 1 chỉ tiêu là tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý khó đạt.

Cụ thể, đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 36/42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý triệt để.

Tuy nhiên, toàn tỉnh còn 6 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, gồm 5 cơ sở công ích (Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An; Bãi rác thị xã Cửa Lò; Bãi rác huyện Tân Kỳ; Bãi rác Đông Vinh, Tp. Vinh; Bãi rác Diễn Châu) và 1 cơ sở sản xuất kinh doanh (Trang trại lợn Thái Dương, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương - đã dừng hoạt động từ năm 2019).

Theo đánh giá, đây là các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, đã tồn tại nhiều năm, quá trình xử lý gặp khó khăn và tốn kém kinh phí, do đó chưa hoàn thành xử lý trong năm 2024. Vì vậy, năm 2025, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu phấn đấu xử lý 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Phối cảnh dự án nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, với tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua hứa hẹn sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm lâu nay.

Phối cảnh dự án nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, với tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua hứa hẹn sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm lâu nay.

Trước đó, HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề "Việc chấp hành pháp luật bảo môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Sau quá trình giám sát, HĐND tỉnh đã nêu 7 kiến nghị đối với UBND tỉnh nhằm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức, gắn với vận động các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.

Thứ 2, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần sớm xây dựng, ban hành các quyết định quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường.

Thứ 3, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.

Thứ 4, tổ chức tốt việc kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Tập trung xử lý dứt điểm các điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tồn đọng kéo dài như tại bãi rác Đông Vinh, Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 1) và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác…

Thứ 5, tổ chức tốt việc theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường, thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ. Thứ 6, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Cuối cùng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-an-dau-dau-vi-nhieu-co-so-o-nhiem-moi-truong-chua-duoc-xu-ly-204241130112205059.htm