Nghệ An dùng drone phun thuốc diệt châu chấu
Dịch châu chấu tàn phá hàng trăm ha rừng mét cùng hoa màu, buộc chính quyền huyện Tân Kỳ (Nghệ An) sử dụng drone phun thuốc diệt.
Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) dịch châu chấu đang hoành hành, phá hoại rừng mét, các cây trồng của người dân. Châu chấu xuất hiện dày đặc tại các cánh rừng mét ở xóm 7, xã Nghĩa Bình từ giữa tháng 4 đến nay.
Tại xóm 7 đang có 150ha mét thì khoảng 100ha bị châu chấu cắn phá, trơ trọi lá. Ngoài ra, nhiều vườn ngô, vườn cỏ sữa, mía của người dân cũng đang bị châu chấu ăn trụi.
Theo người dân địa phương, từ tháng 3/2023, khi phát quang các gốc cây mét thì phát hiện nhiều ổ châu chấu non nên chính quyền địa phương đã tiến hành phun thuốc diệt trừ trên diện tích 66ha mét.
Từ đầu tháng 5, châu chấu từ các rừng cây giang nứa bắt đầu tràn về bay cao trên các cây mét nên khó xử lý. Thời điểm này, người dân đã rủ nhau dùng vợt tìm bắt ngày đêm nhưng không hiệu quả. Số lượng châu chấu rất nhiều không chỉ ở trên cây trồng còn đậu kín cả hàng rào, bờ tường.
Ông Nguyễn Văn Trình - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết, một tuần qua UBND huyện đã cấp gần 140 triệu đồng để thuê thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc phòng ngừa.
Theo ông Trình, châu chấu ăn theo đàn, phải phun theo kiểu bao vây để ngăn chúng di chuyển ra khu dân cư và vùng cây công nghiệp. Bước đầu, việc dùng drone cho thấy hiệu quả, đã giữ được một số cánh rừng mét. Đến nay, khoảng 450ha rừng bị châu chấu phá đã được khống chế.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại hạn chế, do địa hình phức tạp, ở trên rừng thì việc phun thuốc không thể đều như trên ruộng đồng bằng, khi đứng từ xa điều khiển drone có thể bỏ sót một số điểm.
Đây là lần thứ hai huyện Tân Kỳ dùng drone phun thuốc diệt châu chấu, sau lần đầu vào năm 2021. Toàn huyện có gần 200 ha mét, với những diện tích còn lại, sắp tới cơ quan chuyên môn sẽ họp bàn để tiếp tục phun thuốc bằng drone.
Các cây hoa màu, chính quyền không tổ chức phun thuốc tập trung, khuyến khích bà con diệt trừ theo hướng thủ công hoặc máy phun cá nhân.
Ông Trình cho biết, người dân trồng mét chủ yếu để lấy măng bán, ngoài ra thân cây này có thể sử dụng hoặc bán làm vật liệu xây dựng. Cây mét bị châu chấu ăn không chết, nhưng trụi lá, khiến năng suất măng giảm, ảnh hưởng đến thu nhập.
Ngành nông nghiệp huyện Tân Kỳ đánh giá, năm nay địa bàn ghi nhận tình trạng châu chấu xuất hiện nhiều trứng nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân là nguồn trứng năm ngoái nhiều, thời tiết nắng nóng kéo dài thích hợp cho loài côn trùng này sinh trưởng.
"Châu chấu sinh sôi theo đàn, khi nở dưới đất có hàng nghìn con trên một mét vuông, sau đó lột xác to dần. Khoảng hai tháng nữa chúng trưởng thành, đẻ trứng rồi chết, đến tháng 8 thì hết hẳn", ông Trình cho hay.
Hiện, UBND huyện Tân Kỳ đang giao UBND xã Nghĩa Bình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ tiếp tục kiểm soát châu chấu di cư sang các vùng lân cận.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-an-dung-drone-phun-thuoc-diet-chau-chau-post642148.html