Nghệ An: Gắn sao cho sản phẩm OCOP

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và từng bước tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chứng thư cho sản phẩm

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 303/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019". Theo đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao.

Những sản phẩm của Hợp tác xã Sen quê Bác đã được lựa chọn để gắn sao dịp này

Những sản phẩm của Hợp tác xã Sen quê Bác đã được lựa chọn để gắn sao dịp này

48 sản phẩm được công nhận đạt sao lần này được UBND tỉnh cấp giấy công nhận, được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "OCOP Nghệ An". Theo đó, nhãn hiệu và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo các quy định hiện hành. Kết quả công nhận xếp hạng có giá trị trong 3 năm, kể từ ngày quyết định được ký ban hành.

Với công nghệ sản xuất truyền thống cùng nhiều thiết bị hiện đại, sạch và bền vững, sản phẩm nước mắm hạ thổ truyền thống của công ty Công ty CP Thủy sản Vạn Phần (Diễn Châu) được chọn tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt chuẩn 4 sao. Ông Võ Văn Đại - Giám đốc công ty - cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng để phấn đấu sản phẩm đạt được 5 sao.

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình OCOP, thông qua các hoạt động hỗ trợ, định hướng của tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất OCOP ở Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo độ an toàn, chính xác nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Đưa OCOP thành một "thương hiệu"

Dù đã có kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển các sản phẩm OCOP của Nghệ An vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế; chưa có nhiều sản phẩm địa phương xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm có hàm lượng công nghệ và sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt, "câu chuyện" sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất… Bên cạnh tiềm năng phát triển còn rất lớn, các sản phẩm OCOP cũng đứng trước nguy cơ cạnh tranh từ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng giá rẻ. Trong khi hệ thống giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường chưa đáp ứng yêu cầu…

Hiện nay, việc hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp, đổi mới đa dạng hóa sản phẩm OCOP, đảm bảo quy định theo Bộ tiêu chí OCOP đang được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An chú trọng thực hiện, hướng tới mục tiêu gắn sao. Qua đó, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo để có sản phẩm đạt 5 sao. Đây là xu hướng tốt trong sản xuất hàng hóa sản phẩm đặc thù của địa phương. Muốn vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành phố khác tham gia vào các kênh phân phối của địa phương và ngược lại; quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Tỉnh Nghệ An tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm như: Hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghiệp để lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư…

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-gan-sao-cho-san-pham-ocop-132575.html