Nghệ An: Giá lợn hơi giảm do dịch tả lợn châu Phi, sức mua èo uột
Ảnh hưởng từ dịch bệnh tả lợn châu Phi khiến người tiêu dùng lo lắng về chất lượng thịt lợn trên thị trường. Nhiều gia đình chấp nhận đổi sang dùng các loại thực phẩm tươi sống khác khiến sức tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể.
Dịch bùng phát, giá lợn hơi giảm
Theo Báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến hết tháng 10, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố. Hơn 18.000 con lợn đã phải tiêu hủy. Dù ngành chăn nuôi các địa phương này đã nỗ lực khống chế dịch bệnh, nhưng đến nay số lợn chết vẫn chưa giảm.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, những ngày gần đây, giá lợn hơi trên cả nước diễn biến thất thường. Tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi giảm rải rác ở một vài địa phương, dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi tại miền Trung - Tây nguyên và miền Nam cũng ghi nhận giảm theo xu hướng chung tại nhiều địa phương, hiện thu mua trong khoảng 48.000 - 53.000 đồng/kg.
Riêng tại Nghệ An, giá thu mua thịt lợn dao động khoảng 48.000 đồng-49.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia, giá thịt lợn hơi vẫn sẽ tiếp diễn đà giảm mạnh, lượng lợn bán chạy dịch tràn lan khắp thị trường khiến mức giá chung khó đảo chiều.
Hiện, tỉnh này đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi gồm có huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Đô Lương và thành phố Vinh.
Toàn tỉnh Nghệ An có tổng đàn lợn là hơn 981 nghìn con. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều phương án để khống chế dịch bệnh.
Thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đang phối hợp với các Đoàn liên ngành, các cơ quan chức năng của các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn.
Người tiêu dùng e ngại mua thịt lợn
Ngày 15/11, theo ghi nhận của PV tại nhiều chợ truyền thống ở Nghệ An, lượng thịt từ các huyện đổ về chợ giảm mạnh so với trước. Lượng thịt bán ra của các thương lái ở đây nhìn chung vẫn èo uột.
Dù giá thịt lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn thành phẩm bán ra vẫn giữ ổn định, dao động từ 100.000 đồng-130.000 đồng/kg tùy loại.
Hơn 11 giờ trưa, quầy thịt của chị Thái Thị Nga (chợ Quán Lau) vẫn còn dư nhiều hàng. Dù liên tục đon đả chào mời nhưng chỉ lác đác vài người ghé qua.
“Mấy ngày này thịt lợn rất khó bán, người tiêu dùng lo sợ bệnh dịch nên hạn chế mua khiến lượng thịt bán ra giảm hẳn. Trước khi chưa có dịch tả lợn thì mỗi ngày bán hơn nửa tạ thịt, còn nay chỉ bán được 20-30kg” - chị Nga chia sẻ.
Cùng chung tình cảnh ế ẩm, chị Nhung, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Si Nam (Diễn Châu) cho biết, dịch bùng phát khiến thị trường thịt lợn rất ảm đạm. Không bán được hàng, số lượng thịt cũng nhập hạn chế hơn.
Trước đây, sạp thịt của chị Nhung tiêu thụ trung bình được 2 con lợn thì giờ chỉ dám nhập về 1, thậm chí nửa con nhưng cuối ngày vẫn còn sạp thịt chưa tiêu thụ hết. Đây là tình cảnh chung của rất nhiều tiểu thương bán thịt tại chợ Si Nam.
“Tâm lý người dân rất lo lắng và e ngại khi bệnh dịch xuất hiện, thậm chí nhiều người còn quay lưng lại với thịt lợn dù rằng dịch tả lợn châu Phi không thể lây sang người. Tôi rất sốt ruột nếu tình trạng ế ẩm kéo dài, nếu bị lỗ nặng tôi buộc phải nghỉ bán tạm thời để chờ dịch lắng xuống” - chị Nhung chia sẻ.
Thay vì sử dụng thịt lợn thường xuyên như trước đây, chị Thu Hằng (32 tuổi, Diễn Châu, Nghệ An) chuyển hướng sử dụng các loại thực phẩm khác như thịt bò, gà, cá, tôm… do lo sợ thịt lợn nhiễm dịch.
“Thịt lợn vẫn xuất hiện trong thực đơn gia đình tôi nhưng rất hạn chế, thường chỉ một 1-2 bữa/tuần vì thực tế đây vẫn là thực phẩm khó thay thế. Tôi đã phải đổi sang các thực phẩm tươi sống khác để chế biến, đặc biệt là loại bỏ luôn món thịt lợn xiên khoái khẩu của các con tôi được bán ở vỉa hè” - chị Hằng chia sẻ.
Bài và ảnh: Nguyễn Linh