Nghệ An loay hoay giải ngân hơn 1.200 tỷ

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phân bổ nguồn vốn về cho các địa phương để thực hiện việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, tuy nhiên đến nay việc thực hiện tại các địa phương vẫn ì ạch....

Quốc lộ 1A đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Tiến Đông

Quốc lộ 1A đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Tiến Đông

Cuối năm 2023, Chính phủ đã bổ sung 1.275 tỷ đồng dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho tỉnh Nghệ An để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán.

Dù UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo chi trả số tiền 1.275 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, đến nay việc chi trả vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức buổi làm việc để bàn phương án tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, phê duyệt phương án bồi thường, đẩy nhanh tiến độ chi trả và giải ngân nguồn kinh phí bổ sung giải quyết đơn thư các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A.

Theo thông tin tại tại buổi làm việc, trên cơ sở đăng kí ban đầu, hiện HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết và UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định phân bổ nguồn vốn về cho các địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Cụ thể, thành phố Vinh gần 22 tỷ; Diễn Châu 512 tỷ; Quỳnh Lưu gần 123 tỷ; thị xã Hoàng Mai 618 tỷ. Mặc dù vậy, theo tổng hợp của Sở Tài Nguyên và Môi trường Nghệ An việc phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương đến thời điểm hiện nay là quá chậm. Do một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Như thị xã Hoàng Mai đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 42,82 tỷ đồng, huyện Quỳnh Lưu hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 70,615 tỷ đồng, huyện Diễn Châu chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng; thành phố Vinh qua kiểm tra, rà soát không có đối tượng đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Hoàng Mai, hiện nay địa phương này còn vướng mắc về trích lục trích đo của các hộ dân phường Quỳnh Xuân; đề nghị có phương án chỉ đạo, hướng dẫn xử lý vướng mắc trích đo tại phường Quỳnh Xuân để UBND thị xã Hoàng Mai có cơ sở căn cứ ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại cho công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với huyện Quỳnh Lưu, các thửa đất tại thị trấn Cầu Giát hồ sơ địa chính qua các thời kỳ đã trừ phần đất nằm trong phạm vi 13,5m, theo kết luận rà soát của các tổ công tác thì các trường hợp trên không đủ điều kiện đền bù.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An Phạm Văn Toàn báo cáo kết quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An Phạm Văn Toàn báo cáo kết quả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng

Tuy nhiên, theo ý kiến của địa phương, các hộ gia đình sử dụng đất có nguồn gốc đất trước năm 1980 sử dụng ra tận chân đường, hồ sơ đền bù tài sản PMU1 năm 1995 đến 1998 có thể hiện phần tài sản nằm trong phạm vi 13,5m, trích đo phục vụ giải phóng mặt bằng đo ranh giới thửa đất ra tận chân đường. Dự báo, các hộ dân tại thị trấn Cầu Giát sẽ có đơn thư, khiếu nại nếu không được xem xét đền bù, hỗ trợ phần diện tích trong phạm vi 13,5m.

Đối với huyện Diễn Châu, quá trình rà soát, xác nhận lại nguồn gốc sử dụng đất, diện tích các hộ bị ảnh hưởng, có nhiều trường hợp đã chuyển nhượng nhiều lần (phần diện tích đất đã chuyển nhượng không bao gồm diện tích đất trong chỉ giới PMU1), nhiều trường hợp đất, người có đất không có mặt tại địa phương để phối hợp,… Do đó các xã đang gặp khó khăn trong quá trình xác minh nguồn gốc đất, lập, công khai phương án bồi thường để tránh sai sót…

Về các vụ việc công dân khởi kiện ra Tòa án nhân dân về bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A tại tỉnh này, từ năm 2018 đến năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã thụ lý sơ thẩm 73 vụ; đã xét xử sơ thẩm 71 vụ. Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý 59 vụ án kháng cáo án sơ thẩm từ năm 2019 đến nay; hiện đã xét xử 58 vụ, y án sơ thẩm, bác đơn kháng cáo của công dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh lưu ý, thời gian còn lại không còn nhiều, hiện nay văn bản chỉ đạo hướng dẫn đã đầy đủ, kinh phí đã chuyển về các địa phương, vì vậy đề nghị các địa phương căn cứ hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các Sở, ngành để thực hiện. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát lại các hồ sơ đã chi trả để thực hiện chi trả bổ sung nếu đủ điều kiện bồi thường.

Các địa phương xây dựng kế hoạch chi trả chi tiết đối với nguồn vốn đã được phân bổ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hoàn thành việc chi trả đối với các hộ đã có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường mặt bằng trước ngày 30/9/2024; hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường mặt bằng đối với các hộ còn lại trước ngày 30/10/2024; hoàn thành việc chi trả trước ngày 30/11/2024.

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghe-an-loay-hoay-giai-ngan-hon-1-200-ty.htm