Nghệ An nâng tầm giá trị sản phẩm vùng miền trên nền tảng thương mại số

Tận dụng các lợi thế mà nền tảng công nghệ số, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Nghệ An đã tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền; phiên chợ quê trên nền tảng mạng xã hội, các hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương tổ chức.

 Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Nghệ An áp dụng bán hàng livestream trên các nền tảng số. Ảnh: Quang An

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Nghệ An áp dụng bán hàng livestream trên các nền tảng số. Ảnh: Quang An

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về Phát triển thương mại điện tử Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nghệ An, năm 2024, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh… giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng số. Đồng thời, phối hợp với các huyện, thành, thị đẩy mạnh đăng tải sản phẩm địa phương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cung cấp thông tin và đưa các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm tiêu biểu như OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương lên sàn thương mại điện tử 37nghean.com. Hiện tại, hơn 470 doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn đã tham gia, với tổng cộng 7.653 sản phẩm được đưa lên sàn, thu hút hơn 9,2 triệu lượt truy cập. Hiện, Nghệ An đứng thứ 5 trong cả nước về số lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn được giới thiệu trên sàn giao dịch điện tử.

Hội viên, phụ nữ tích cực quảng bá sản phẩm trên môi trường số

Theo nghề chế biến hải sản hơn 30 năm, chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Sơn Huyền (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), đã phát triển được nhiều dòng sản phẩm từ các loại đặc sản vùng biển như chả mực đặc biệt, tôm tẩm bột, nem hải sản…

Chị Huyền cho biết, bên cạnh việc mặt nâng chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư, nâng cấp, trang bị hệ thống máy cấp đông, máy bảo quản, máy xay thực phẩm và máy chiên tách dầu để kiểm soát chất lượng từ sơ chế nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm; chị đã đầu tư vào việc mở rộng thị trường. Bên cạnh hình thức bán hàng theo kênh truyền thống, công ty đa dạng cách thức bán hàng qua các nền tảng xã hội Facebook, Zalo… Nhờ đó, khách hàng được mở rộng tới nhiều địa phương, doanh số ngày càng tăng.

Đặc sản miền biển được chị Nguyễn Thị Huyền giới thiệu tới khách hàng qua các nền tảng xã hội Facebook, Zalo. Ảnh: TH

Đặc sản miền biển được chị Nguyễn Thị Huyền giới thiệu tới khách hàng qua các nền tảng xã hội Facebook, Zalo. Ảnh: TH

Chị Bùi Thị Hiền Lương, Công ty Biển Quỳnh (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), đã đầu tư đưa sản phẩm "Chả cá trích" giàu chất dinh dưỡng đến từng bữa ăn của mỗi gia đình. Chị Hiền Lương chia sẻ: Cá trích có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt rất tốt cho bà bầu và trẻ em, tuy nhiên, loài cá này lại có nhiều xương nên giá trị kinh tế chưa cao và đối tượng sử dụng bị hạn chế, nhất là trẻ em. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, vì vậy, Công ty Cổ phần Biển Quỳnh đã đầu tư bóc tách loại bỏ hoàn toàn xương và tạo ra sản phẩm "Chả cá trích" tiếp cận mọi đối tượng sử dụng với tiêu chí: Dinh dưỡng - Tiện lợi - An toàn - Giá thành hợp lý.

Sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn từ việc thu mua nguyên liệu đầu vào tươi ngon, bảo quản tốt, quá trình chế biến chả cá luôn chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sao cho chất lượng sản phẩm đạt được giá trị dinh dưỡng cao và ngon nhất. Hiện sản phẩm chả cá trích đã được chứng nhận OCOP 4 sao.

Tuy nhiên, làm ra được sản phẩm đã khó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm càng khó khăn hơn, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra, chị Lương đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An quảng bá sản phẩm trên môi trường số nhằm tìm đầu ra ổn định ngay tại địa phương và các huyện lân cận. Đến nay, sản phẩm đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm đến để đặt hàng. Công ty cũng tạo việc làm ổn định cho hơn 30 phụ nữ tại địa phương, với mức thu nhập 4-10 triệu đồng/tháng và đưa đặc sản của quê hương đi mọi miền Tổ quốc.

Chị Hiền Lương đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An quảng bá sản phẩm trên môi trường số nhằm tìm đầu ra ổn định ngay tại địa phương và các huyện lân cận.

Chị Hiền Lương đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An quảng bá sản phẩm trên môi trường số nhằm tìm đầu ra ổn định ngay tại địa phương và các huyện lân cận.

Tiếp tục số hóa sản xuất, kinh doanh

Với thông điệp "Nâng tầm giá trị nông sản Việt qua nền tảng thương mại số", UBND tỉnh Nghệ An, các sở ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo truyền thông hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tận dụng các lợi thế mà nền tảng công nghệ số có được, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền; phiên chợ quê trên nền tảng Tiktok, các hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức…

Song song với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng gian hàng và website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; triển khai hỗ trợ xây dựng phim ngắn quảng cáo doanh nghiệp, quảng cáo sản phẩm trên truyền hình, website, mạng xã hội, các sàn giao dịch... cho các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành của Sở Công Thương, bên cạnh việc tham gia sàn thương mại điện tử hay sử dụng website của mình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều đơn đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nghe-an-nang-tam-gia-tri-san-pham-vung-mien-tren-nen-tang-thuong-mai-so-20241126145806203.htm