Nghệ An nâng tầm trái cây, làm giàu từ các mô hình kinh tế hợp tác

Xác định tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An đã nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác để liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước nâng cao thu nhập.

Đặc biệt, từ các mô hình tổ hợp tác và HTX đã góp phần đưa Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết chuỗi giá trị cây chè, cam, bưởi,... giai đoạn 2023 – 2025, định hướng năm 2030 từng bước đạt được hiệu quả đáng ghi nhận.

Thu “trái ngọt” nhờ đổi mới trong nông nghiệp

HTX công nghệ cao Nông Thịnh (xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa) được thành lập với phương châm "xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng”. Những năm qua, nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên.

Trong chuỗi phát triển sản phẩm sạch trong nhà màng như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly, hoa cúc…, "đứa con tinh thần" đầu tiên của HTX Nông Thịnh là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.

Mô hình trồng nho sạch hiệu quả tại tỉnh Nghệ An.

Mô hình trồng nho sạch hiệu quả tại tỉnh Nghệ An.

Ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc HTX Nông Thịnh cho hay, tính ưu việt của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là không dùng thuốc kích thích hay phân hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, thân thiện môi trường đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, tất cả đều theo quy trình tự động.

Nhờ sản xuất ổn định, 100% thành viên của HTX đang có mức thu nhập cao. Người lao động có thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/tháng.

Tương tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Lưu Sơn (xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương) những năm gần đây đã và đang phát triển hiệu quả mô hình trồng dưa lưới, rau quả trong nhà màng trên diện tích gần 3 ha.

Bà Nguyễn Thị Hồng, thành viên HTX cho hay, nhờ đầu tư bài bản, quy trình sản xuất khép kín và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX không chỉ được tiêu thụ mạnh ở TP Vinh, Hà Nội mà còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan…

“Trước đây, tôi chỉ làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia HTX, được tập huấn kỹ thuật, làm theo quy trình, thu nhập ổn định hơn rất nhiều. Có vụ tôi thu về gần 100 triệu đồng từ trồng dưa lưới” – bà Hồng kể.

Cũng tại huyện Đô Lương, nhờ tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây ăn quả, HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Hùng Mạnh (xã Bài Sơn) đã mạnh dạn đầu tư gần 15 ha trồng các loại cây lâu năm như cam Xã Đoài, bưởi da xanh, quýt đường theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, từng bước giúp người dân thu được "trái ngọt".

Nhờ đầu tư bài bản, HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động thường xuyên, phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Vào mùa cao điểm, HTX còn huy động thêm hàng chục lao động thời vụ phục vụ khâu chăm sóc, thu hái và đón tiếp khách du lịch.

Phát triển đặc sản địa phương

Đặc biệt, tại Nghệ An, nhiều địa phương đã phát triển hiệu quả các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần thay đổi tư duy sản xuất giúp giảm nghèo bền vững.

Ông Lô Văn Phú - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) cho biết, do địa phương có địa hình núi cao nên người dân nghèo khó, gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Mận được thu mua tại HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống (huyện Kỳ Sơn).

Mận được thu mua tại HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống (huyện Kỳ Sơn).

Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, như cây ăn quả, cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm,... những năm qua, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống từng bước trở thành đầu mối thu mua sản phẩm nông sản từ các hộ gia đình với giá ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập, tránh bị tiểu thương ép giá.

Ông Hờ Pà Chù ở bản Mường Lống 2 (xã Mường Lống) là thành viên có 3 ha rừng xen canh, trồng mận, trồng cây dược liệu. Ngày trước, cứ đến mùa mận, năng suất rất cao nhưng giá bán thấp, chỉ 10 nghìn đồng/kg. Vụ mùa vừa qua, trên diện tích đó, ông Chù tiếp tục chăm sóc vườn mận, kết quả thu hoạch được hơn 3 tấn mận, giá lại cao hơn, đạt 15 đến 20 nghìn đồng/kg bán tại vườn, khiến gia đình ông rất vui mừng.

"Không chỉ gia đình tôi bán được giá cao, các hộ nông dân còn được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Là thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, tôi rất may mắn được HTX thu mua, hỗ trợ tiêu thụ. Cuộc sống gia đình tôi khấm khá lên nhờ có HTX", ông Hờ Pà Chù cho hay.

Có thể nói trong những năm qua, mô hình HTX tại các địa phương đã khẳng định vai trò kết nối, tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, đặc biệt là tạo việc làm cho thành viên thuộc hộ nghèo và lao động thường xuyên ở khu sản xuất của HTX.

Cũng nhờ tham gia vào HTX, các thành viên có cơ hội được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các thông tin, kiến thức về thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm.

Nhân rộng mô hình kinh tế tập thể

Với những nỗ lực không ngừng, Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX tại từng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng một nền kinh tế nông thôn hiện đại, bền vững và thịnh vượng.

Đặc biệt, các HTX tại các huyện miền núi đã góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, tiêu thụ nông sản cho đồng bào dân tộc các xã vùng cao của tỉnh, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi của địa phương. Những mô hình khởi nghiệp này đã lan tỏa, thu hút nhiều thanh niên dân tộc thiểu số mạnh dạn làm giàu từ mô hình kinh tế HTX, như HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường (Quỳ Hợp), HTX Chè Hoa Vàng Quế Phong, HTX Chè Shan tuyết Kỳ Sơn, HTX Trà Lân (Con Cuông), HTX Phúc Thịnh Phát (Quỳ Châu), HTX DVNN Hủa Na (Quế Phong)…

Trong năm 2024, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hoạt động theo hướng liên kết chuỗi, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn trên các lĩnh vực thương mại, sản xuất chế biến nông sản, đặc sản, hải sản, dược liệu... giúp nâng cao giá trị nông sản.

Năm 2024 có 545 HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, chiếm 61,4% tổng số HTX đang hoạt động và tăng 8,2% so với năm 2023. Trong năm đã có 3 HTX trên địa bàn tỉnh được Liên minh HTX Việt Nam bình chọn, tôn vinh trong top 100 HTX tiêu biểu của toàn quốc và trao giải thưởng Ngôi sao HTX Việt Nam 2024 “Coopstar Awarads năm 2024”.

Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An có 30 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh là 925 HTX, trong đó số HTX hoạt động thường xuyên là 888 HTX (704 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, 125 HTX hoạt động trên các lĩnh vực phi nông nghiệp và 59 Quỹ tín dụng nhân dân).

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nghe-an-nang-tam-trai-cay-lam-giau-tu-cac-mo-hinh-kinh-te-hop-tac-1106488.html