Nghệ An 'nóng' vấn đề hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn

Tại Kỳ họp 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII giai đoạn 2021-2026, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn. Các đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đồng thời mong muốn giải quyết tâm lý lo lắng của người dân trong vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Công Văn bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái trên địa bàn gây tâm lý bất an cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Công Văn bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái trên địa bàn gây tâm lý bất an cho người dân.

Hàng giả, hàng nhái tràn lan gây tâm lý bất an

Theo đại biểu Nguyễn Công Văn, thời gian vừa qua tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn trên địa bàn rất phức tạp, gây tâm lý bất an, bức xúc trong Nhân dân. Đại biểu Văn yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan tổ chức, cá nhân, nhất là của Sở Công thương. Đồng thời, đề nghị Giám đốc Sở Công thương đánh giá về mức độ kiểm soát hàng giả trong giai đoạn hiện nay để trấn an lòng dân. Những giải pháp quan trọng và chủ yếu để phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn hiệu quả nhất.

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái trên địa bàn cả nước và tỉnh Nghệ An diễn ra rất nhiều dù ngành chức năng đã mạnh tay xử lý. Có 3 nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này đó là do cầu, cung và trình độ kiểm soát của thị trường. Tình trạng dùng hàng giả, hành nhái không phải chỉ có người thu nhập thấp mà người có thu nhập trung bình vẫn có thị hiếu dùng vì hàng giả, hàng nhái rẻ và đẹp. Bởi vậy, trong cuộc chiến chống hàng giả, bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, thì người tiêu dùng cần tỉnh táo và thông thái trong lựa chọn sản phẩm.

Đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc cho rằng, hiện nay nhãn mác giả rất tinh vi, nhìn như thật, người tiêu dùng rất khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, ngành Công thương cần có hướng dẫn cụ thể cách nhận biết sản phẩm thật giả, để người dân có thể là người tiêu dùng thông minh.

Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, không chỉ nhãn mác sản phẩm giả được làm như thật, mà trên thực tế, có tình trạng “nhãn thật nhưng ruột giả”. Bởi vậy, cần làm rõ nhãn thật ở đâu để sử dụng, dán cho hàng giả, hay đăng ký nhãn thật nhưng lại sản xuất hàng giả. Xử lý tình trạng này, ngoài trách nhiệm của ngành Công thương, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Công an và ngành Khoa học công nghệ (đơn vị cấp phép nhãn mác), cùng với đó hình sự hóa đối với hành vi này.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng

Từ đầu năm 2024 đến ngày 31-5, trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử phạt 8.339 vụ, khởi tố 1.378 vụ/1.857 đối tượng với tổng giá trị thu phạt 393 tỷ đồng. Riêng triển khai đợt cao điểm, trong vòng 2 tháng xử phạt 345 vụ, khởi tố hình sự 2 vụ với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa trả lời chất vấn tại Kỳ họp.

Theo Giám đốc Sở Công thương, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả trên cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều phức tạp, xuất hiện ở nhiều phân khúc của thị trường, nhiều địa bàn nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Hiệu quả việc đấu tranh chưa cao, công tác tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh chưa có chiều sâu và hiệu quả lan rộng trong cộng đồng vẫn còn thấp. Tổ chức phối hợp trong quản lý, kiểm tra, thanh tra, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các lực lượng vẫn chưa đồng bộ, còn tình trạng bỏ sót, có khoảng trống. Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh rộng, đường biên giới dài, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh…

Cùng với đó, trách nhiệm chỉ đạo của chính quyền cơ sở chưa đồng bộ, chưa quyết liệt. Công tác tuyên truyền lâu nay chưa sâu, chưa rộng, chưa hiệu quả. Các cấp các ngành đều có báo cáo công tác tuyên truyền nhưng đang còn đơn lẻ, chưa tạo ra “dàn hợp xướng”, chưa hiệu quả và phát huy được sức mạnh của toàn dân.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa, để ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, hàng giả, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ sản xuất an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân cần triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ giải pháp sau: Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, huy động cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc. Đấu tranh thường xuyên, không ngừng nghỉ với quyết tâm không có vùng cấm, không có ngoại lệ trên tinh thần thượng tôn pháp luật, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 cấp tỉnh, thành lập các BCĐ cấp xã, xây dựng quy chế phối kết hợp, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các cơ quan các trong công tác đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại, phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp. Cùng đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến vận động Nhân dân đồng hành trong đấu tranh, phát động phong trào “mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến, đồng thời là một người tiêu dùng thông minh trên thị trường”. Tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh, không sản xuất, không kinh doanh, không tiếp tay cho buôn lậu hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn…

Cũng theo Giám đốc Sở Công thương, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái dàn trải giống như cuốc cỏ dại trong vườn, cuốc đến cuối vườn thì đầu vườn cỏ đã mọc um tùm. Vì vậy, phải đấu tranh có trọng tâm trọng điểm, trước mắt là thuốc giả và thực phẩm chức năng giả.

Dương Hóa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nghe-an-nong-van-de-hang-gia-hang-nhai-thuc-pham-ban-post315911.html