Nghệ An quyết liệt phòng, chống bệnh sởi, không để dịch bùng phát

Sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ở Nghệ An ghi nhận số ca sốt phát ban nghi sởi tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh Nghệ An đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và địa phương tập trung điều trị, cách ly ca bệnh; đồng thời, triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi nhằm sớm kiểm soát, không để dịch bùng phát.

Bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An) khám cho bệnh nhi mắc sởi.

Bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An) khám cho bệnh nhi mắc sởi.

Hiện tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện song hành hai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi cùng chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm vaccine chứa thành phần sởi với quyết tâm: tiêm đúng, tiêm đủ và kịp thời ngay trong tháng 3 này.

Nguy cơ cao

Cháu bé 8 tháng tuổi của gia đình chị Lầu Y Xìa (người H’Mông) ở bản Na Ni, xã Huồi Tụ, huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được đưa xuống cấp cứu tại Khoa Nhiệt đới của bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An trong tình trạng sốt cao, phát ban sởi và có dấu hiệu biến chứng vào phổi. Sau 3 ngày điều trị và cho thở oxy, hiện bệnh tình của cháu đã thuyên giảm.

Chị Lầu Y Xìa cho biết: "Do mải làm nương rẫy, cho nên gia đình không chú ý đến việc tiêm phòng sởi cho cháu. Khi cháu có biểu hiện sốt, gia đình chủ quan, chữa trị sốt thông thường mãi không khỏi, cháu lại có biểu hiện phát ban và khó thở nên gia đình mới đưa xuống Trạm y tế xã để làm giấy xuống Trung tâm Y tế huyện điều trị. Khi đến Trung tâm y tế huyện, mới hay con bị sởi biến chứng khá nặng nên đã chuyển xuống Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An chữa trị".

Các bệnh nhân nhí ở Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An bị mắc sởi, biến chứng nặng, suy hô hấp buộc phải thở oxy.

Các bệnh nhân nhí ở Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An bị mắc sởi, biến chứng nặng, suy hô hấp buộc phải thở oxy.

Trạm trưởng Trạm y tế xã Huồi Tụ cho biết: "Con của chị Lầu Y Xìa là một trong số 128 ca bệnh sởi, nghi sởi trên địa bàn xã Huồi Tụ kể từ Tết Nguyên đán cho đến nay. Phần lớn các ca bệnh từ sáu tháng tuổi đến ba, bốn tuổi. Các cháu được điều trị cách ly ở trạm y tế; một số được đưa xuống Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương; trường hợp nặng mới chuyển về Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An".

Bác sĩ, Chuyên khoa II Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: "Tính từ đầu năm đến ngày 26/3, toàn huyện ghi nhận 764 ca tại 21/21 xã, thị trấn. Nhiều nhất là Na Ngoi với 139 ca, kế đến là Huồi Tụ, lần lượt Nậm Càn 82 ca, Mường Lống 81 ca, Nậm Càn 69 ca. Các ca bệnh xuất hiện nhiều ở những vùng sâu, vùng xa - nơi đi lại cực kỳ khó khăn, có tỷ lệ tiêm chủng thấp và chủ yếu đồng bào dân tộc H’Mông và Khơ Mú cư trú".

Tiến sĩ, Bác sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: "Từ đầu năm đến ngày 26/3, toàn tỉnh ghi nhận 1.628 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có ca tử vong. Nhiều nhất tại huyện Kỳ Sơn, kế đến thành phố Vinh hơn 218 ca, huyện Tương Dương hơn 201 ca. Ngoài ra, số ca nghi mắc sởi còn ghi nhận rải rác tại một số địa phương trong tỉnh. Số ca nghi sởi tăng cao từ cuối tháng hai đến trung tuần tháng ba. Hiện tại số ca mắc sởi hằng ngày ghi nhận đã chững lại và được kiểm soát".

Tổ chức tiêm vaccine sởi cho các cháu học sinh trường mần non thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn.

Tổ chức tiêm vaccine sởi cho các cháu học sinh trường mần non thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn.

Phần lớn các ca bệnh đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa đủ độ tuổi tiêm vaccine. Theo con số điều tra: Số ca sốt phát ban nghi sởi dưới 6 tháng tuổi ghi nhận 35 trường hợp chiếm 2,1%. Số ca mắc từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi chiếm 5,7%. Số ca mắc từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tháng tuổi chiếm 15,3%. Số ca mắc nhiều nhất là từ 18 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi ghi nhận 642 ca, chiếm 39,4%. Số ca mắc từ 5 tuổi đến dưới 10 tuổi chiếm 28% tổng số ca mắc toàn tỉnh.

Dịch sởi bùng phát ở các huyện vùng cao là do đường xá đi lại khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại các địa phương này còn thấp. Nguyên nhân là do nhận thức về công tác tiêm chủng của đồng bào chưa thật đầy đủ, chưa chú trọng đến việc tiêm chủng vaccine.

“Mặc dù y tá thôn bản đã đến tận nhà vận động tiêm chủng, nhưng do hầu hết bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà trông, nên ngại cho các cháu tiêm chủng hay một số cháu mới theo cha mẹ đi làm ăn xa trở về cũng chưa kịp tiêm chủng” - Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng thừa nhận.

Bên cạnh đó, một số địa phương tuy tỷ lệ tiêm chủng đạt cao (95%), nhưng vẫn còn 5% không tiêm phòng, tích lũy mỗi năm sẽ tạo ra khoảng trống miễn dịch. Tỷ lệ tiêm phòng một số địa phương không đạt yêu cầu trên quy mô cấp xã.

Có một số thay đổi trong miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng mở rộng vẫn mắc bệnh, chiếm 15,4%. Nhóm trẻ đã tiêm đủ 2 mũi trong tiêm chủng mở rộng nhưng vẫn mắc bệnh, chiếm 2,4%. Nhóm trẻ từ 5 tuổi trở lên chiếm 38,8%.

Hiện Trung tâm Y tế các huyện và các bệnh viện đang triển khai quyết liệt công tác điều trị cho các bệnh nhân. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An cho biết: "Gần đây, những ca bệnh sốt phát ban nghi sởi biến chứng nặng được chuyển đến bệnh viện khá nhiều. Bệnh viện chia thành hai khu vực, gồm Khoa bệnh Nhiệt đới và Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị cách ly, cho thở oxy đối với bệnh nhân biến chứng nặng. Riêng tại Khoa Bệnh nhiệt đới, số bệnh nhân vào cấp cứu liên quan đến sởi, nghi sởi tăng nhiều; hiện có 63 bệnh nhân nhi đang điều trị tại đây. Do quá tải nên khoa phải bố trí nằm đôi hay nằm ở hành lang. Các bác sĩ ở đây phải rất cố gắng để điều trị cho các cháu. Trong số 490 cháu điều trị từ đầu năm đến nay đều là bệnh nhân nặng, hầu hết có bệnh nền và không tiêm phòng sởi".

Quyết liệt chiến dịch tiêm chủng

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Nghệ An về công tác phòng, chống bệnh sởi, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An thừa nhận kết quả phòng, chống sởi ở Nghệ An chưa đạt như mong muốn, còn một số tồn tại và xác định rõ nguy cơ dịch sởi bùng phát là do tỷ lệ tiêm chủng thấp; đồng thời, xác định chỉ có tiêm chủng mới ngăn ngừa, không để bùng phát thành dịch.

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch sởi, trong đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng vaccine sởi, sởi-rubella. Sở Y tế đã ban hành các Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng sởi cho trẻ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi và chiến dịch tiêm chủng sởi đợt 2 trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó đã rà soát được 1.918 trẻ lứa tuổi từ 6 tháng đến 9 tháng, 34.849 đối tượng là trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi thuộc phạm vi tiêm chiến dịch.

Các địa phương ở Nghệ An đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phòng sởi.

Các địa phương ở Nghệ An đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phòng sởi.

Ngoài việc cung cấp đủ vaccine và các vật tư cần thiết cho các đơn vị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng chống bệnh sởi và tiêm chủng mở rộng, tiêm chiến dịch trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có số ca mắc tăng. Đơn vị đã cử nhiều lượt đoàn công tác đến các điểm nóng của dịch bệnh sởi để giám sát, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc và trực tiếp hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch và triển khai tiêm chủng vaccine.

Ngành Y tế tỉnh Nghệ An đã tranh thủ sự quan tâm vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cùng người có uy tín trên địa bàn và cộng đồng trong hoạt động phòng chống bệnh sởi, nhất là chiến dịch tiêm chủng phòng, chống bệnh sởi. Ngành và các tuyến cơ sở đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông rộng rãi và trọng điểm trên các nhóm nguy cơ cao hoặc các khu vực chưa đạt tiến độ về chiến dịch tiêm chủng phòng, chống dịch sởi bằng tiếng phổ thông, tiếng địa phương. Tiếp tục có giải pháp cụ thể, vận động những người dân có tâm lý lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Ngành Y tế tỉnh Nghệ An sẽ thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, xử lý những đơn vị, cá nhân không thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng…

Với quyết tâm: Tiêm đúng, tiêm đủ và kịp thời, trong những ngày qua, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng phòng sởi. Tính đến 18 giờ ngày 27/3, toàn tỉnh đã tiêm được 86,5% tổng số cần tiêm vaccine sởi.

Đoàn kiểm tra, giám sát Bộ Y tế nắm tình hình bệnh sởi tại Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An.

Đoàn kiểm tra, giám sát Bộ Y tế nắm tình hình bệnh sởi tại Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An.

Mới đây, ngày 28/3, đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng chống sởi của Bộ Y tế đã về kiểm tra giám sát tại Nghệ An. Qua kiểm tra thực tế tại một số đơn vị liên quan, đoàn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Y tế tỉnh Nghệ An trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát số ca bệnh và nỗ lực tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi.

Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế Dương Chí Nam, Trưởng đoàn kiểm tra, giám sát nhận định tình hình diễn biến sởi trong thời gian tới còn rất phức tạp, do đó ngành Y tế tỉnh Nghệ An cần tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời kinh phí cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, phấn đấu đến ngày 31/3 đạt tỷ lệ 95%. Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh Nghệ An cần tiếp tục rà soát các đối tượng chưa tiêm hoặc trì hoãn tiêm để đưa vào danh sách theo dõi. Đặc biệt, cần phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-an-quyet-liet-phong-chong-benh-soi-khong-de-dich-bung-phat-post868773.html