Nghệ An xây dựng bảng giá đất mới

Bảng giá đất hiện hành của tỉnh Nghệ An được xây dựng từ năm 2019 theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, nhiều nội dung trong bảng giá đất cũ không còn phù hợp với thực tiễn và không đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Luật mới yêu cầu xây dựng Bảng giá đất có tính tiếp cận sát với giá thị trường...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chiều 9/7, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 31 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiều vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm đã được lãnh đạo các sở, ngành giải trình cụ thể. Trong đó, hai nội dung nổi bật liên quan đến việc xây dựng bảng giá đất mới và tiến độ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt, đã có phần trao đổi cụ thể tại hội trường, giải thích những nguyên tắc xây dựng Bảng giá đất mới, vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.

Theo ông Việt, bảng giá đất hiện hành của tỉnh Nghệ An được xây dựng từ năm 2019 theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, kể từ ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, nhiều nội dung trong bảng giá đất cũ không còn phù hợp với thực tiễn và không đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Luật mới yêu cầu xây dựng Bảng giá đất có tính tiếp cận sát với giá thị trường.

Dẫn Điều 257 của Luật Đất đai năm 2024, ông Việt cho biết, từ nay đến hết ngày 31/12/2025, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền điều chỉnh Bảng giá đất khi xét thấy cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An Hoàng Quốc Việt trả lời tại phiên thảo luận

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An Hoàng Quốc Việt trả lời tại phiên thảo luận

Việc xây dựng bảng giá mới có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây sẽ là căn cứ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá thuê đất hàng năm, giao đất tái định cư, hay giao đất không thu tiền sử dụng đất. Cơ quan tham mưu cũng đã cân nhắc kỹ mức tăng giá thuê đất nhằm hạn chế tối đa tác động tới doanh nghiệp, với đề xuất tăng từ 10 – 20%.

Liên quan đến ảnh hưởng của bảng giá đất đối với người dân, ông Việt nêu rõ: Trước đây, theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP, khi người dân chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn, ao gắn với thửa đất ở sang đất ở thì chỉ phải nộp 50% chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 103/2024/NĐ-CP, mức nộp tăng lên 100%. Điều này gây áp lực tài chính lớn cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An cùng nhiều địa phương khác đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh lại quy định này. Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình tham mưu sửa đổi nghị định, theo hướng quay trở lại áp dụng mức 50% như trước đây.

Bên cạnh bảng giá đất, nội dung về chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh cũng được đưa ra thảo luận. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An thông tin, Chính phủ đã cấp bổ sung 1.275 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An.

Tuyến đường có tổng chiều dài 73,8 km, đi qua địa bàn 5 huyện, thị, thành gồm: thị xã Hoàng Mai (14 km), huyện Quỳnh Lưu (12,25 km), huyện Diễn Châu (28,05 km), huyện Nghi Lộc (13,96 km) và thành phố Vinh (5,54 km). Dù tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và liên tục đôn đốc, nhưng tiến độ giải ngân và chi trả vẫn còn chậm, nhiều lần được cử tri kiến nghị tại các kỳ họp trước.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Tính đến hết ngày 30/6/2025, các địa phương đã phê duyệt hơn 676 tỷ đồng tiền bồi thường, trong đó: thị xã Hoàng Mai 153,8 tỷ đồng; Quỳnh Lưu hơn 180 tỷ đồng; Diễn Châu hơn 331 tỷ đồng; thành phố Vinh hơn 10,7 tỷ đồng. Số tiền đã chi trả đạt hơn 616 tỷ đồng, còn lại khoảng 59 tỷ đồng chưa giải ngân.

Hiện nay, nhiệm vụ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng được giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các xã, phường để giải quyết đơn thư và phê duyệt phương án chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Hoàng Quốc Việt kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các xã, phường có tuyến Quốc lộ 1A đi qua khẩn trương thành lập Tổ rà soát, giải quyết đơn thư khiếu nại, đồng thời lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng để xem xét, phê duyệt các trường hợp đủ điều kiện và kịp thời giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các Sở ngành trong việc tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền cấp xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghe-an-xay-dung-bang-gia-dat-moi.htm