Nghề bán khống cổ phiếu có nguy cơ biến mất ở Mỹ

Các nhà bán khống cổ phiếu phải đối mặt với mối đe dọa từ đủ phía, từ các cuộc điều tra của cơ quan quản lý cho đến lực lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thế bất lợi của hoạt động bán khống cổ phiếu

Một loạt nhà bán khống cổ phiếu nổi tiếng thế giới đang rút khỏi thị trường chứng khoán. Ông Jim Chanos, người trở thành huyền thoại sau khi dự đoán chính xác sự sụp đổ của tập đoàn năng lượng hùng mạnh Enron, phải chuyển đổi quỹ thành văn phòng gia đình sau khi không huy động được vốn.

Doanh nghiệp của ông Carson Block mở quỹ chuyên mua chứng khoán tại Việt Nam. Muddy Waters Research của ông nổi tiếng nhờ vạch trần thủ đoạn thổi phồng doanh thu của Luckin Coffee trước khi công ty Trung Quốc này bị hủy niêm yết khỏi sàn Nasdaq.

Thế bất lợi của hoạt động bán khống cổ phiếu

Andrew Left gọi bản thân và các đồng nghiệp là “giống loài đang chết dần”. Công ty Citron Research của ông từng công bố bài phân tích cáo buộc Evergrande gian lận kế toán 9 năm trước khi tập đoàn bất động sản này vỡ nợ vào 2021.

Giới bán khống cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Phố Wall đang trải qua quãng thời gian tồi tệ. Họ đối mặt với sự đe dọa từ các quy định pháp lý, đà tăng kéo dài của giá cổ phiếu và quân đoàn nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tùy hứng kéo giá cổ phiếu lên.

Tỷ lệ bán khống đối với một cổ phiếu thông thường trong S&P 500 đang dao động ở mức thấp nhất trong hơn 20 năm, theo Goldman Sachs. Dữ liệu của nền tảng HFR cho thấy tài sản của các quỹ có khuynh hướng bán khống đã giảm từ mức 7,8 tỷ USD trong năm 2008 xuống 4,6 tỷ USD. Trong khoảng thời gian đó, quy mô của các quỹ đầu cơ cổ phiếu tăng gần gấp ba.

Với bối cảnh như vậy, các cá nhân, tổ chức đầu tư lừng danh buộc phải giảm hoạt động bán khống cổ phiếu hoặc từ bỏ sự nghiệp.

Người bán khống mượn cổ phiếu để bán ra, sau đó chờ giá cổ phiếu giảm để mua vào và trả lại. Nếu giá cổ phiếu giảm như dự kiến thì người bán khống lãi. Nhưng trong thị trường dường như chỉ biết tiến chứ không biết lùi như hiện nay, khả năng họ lỗ nhiều hơn là lời.

Vốn hóa của các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đã vọt tăng khoảng 30.000 tỷ USD trong thập kỷ qua, ban đầu nhờ chi phí đi vay siêu thấp và tiếp đến là cơn sốt trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan Chase chỉ ra rằng sự mở rộng của thị trường chứng khoán khiến việc duy trì vị thế bán khống trở nên khó khăn hơn gấp bội.

Nhận định của các nhà bán khống chưa chắc đã sai, nhưng đà tăng chung của thị trường khiến vị thế của họ cần nhiều thời gian hơn hẳn để phát huy tác dụng. Trong lúc chờ đợi, những người bán khống vẫn phải trả phí vay cho số cổ phiếu mà họ đã bán.

Nhưng đà tăng của thị trường chỉ là một trong nhiều thách thức mà phe bán khống phải đối mặt. Năm 2021, nhiều nhà bán khống chủ động trở thành đối tượng điều tra của Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) vì nghi vấn thao túng thị trường, tờ Bloomberg cho hay.

Xu hướng chung trên thế giới là thắt chặt việc kiểm soát hoạt động bán khống. Cả Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đều áp dụng các biện pháp để hạn chế bán khống.

Andrew Left, nhà sáng lập Citron Research, cũng bị cuốn vào cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ. Ông than thở: “Bán khống là nghề tồi tệ. Người bán khống tự đẩy bản thân vào vụ kiện của doanh nghiệp và có thể là từ chính phủ nữa. Có lúc tôi tự hỏi sao tôi lại làm công việc này?”.

Ông Left tuyên bố ông không phạm luật, nhưng hiện tại cuộc điều tra chưa đi đến kết luận.

Áp lực từ cộng đồng nhà đầu tư nhỏ lẻ

Cộng đồng đầu tư có hai luồng ý kiến chia rẽ về phe bán khống. Một số ngưỡng mộ vì họ lột trần các vụ bê bối doanh nghiệp như trường hợp ở Enron và Wirecard. Số khác coi người bán khống là kẻ làm hại nhà đầu tư và khiến thị trường càng thêm hỗn loạn.

Trong đại dịch, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tập hợp lại trên mạng để kéo giá các cổ phiếu như GameStop và AMC lên cao, khiến phe bán khống lỗ nặng. Dẫu vậy, người bán khống vẫn bị mô tả là kẻ xấu. Ông Chanos có ý kiến cực kỳ gay gắt về sự việc này.

“Thật điên rồ khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua các cổ phiếu vô giá trị rồi đổ lỗi cho người bán khống vì rắc rối của họ. Chính các nhà bán khống mới là đối tượng chịu thiệt hại vì hiện tượng GameStop”, Chanos phân tích.

Như Hằng/Bloomberg

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nghe-ban-khong-co-phieu-co-nguy-co-bien-mat-o-my-d49241.html