Nghề báo - Đi để yêu

Nếu nói đến một nghề có thể mang đến cho các bạn trẻ ưa xê dịch những trải nghiệm thú vị thì đó chính là nghề báo. Với các bạn phóng viên, chuyến đi luôn là một cơ hội để trưởng thành.

Những chuyến đi không chỉ là “đặc ân” của riêng nghề báo, nhưng với đội ngũ phóng viên, nếu không đi thì không có tác phẩm, đồng nghĩa với không được đắm say với nghề. Trong hành trình ấy sẽ có những bài học được tích lũy, những cơ hội mới được mở ra và trên hết, để thấy mình không bao giờ được phép dừng lại. Bởi nghề báo là nghề của bản lĩnh, đam mê và trách nhiệm.

LẦN ĐẦU ĂN THỬ RẮN MỐI

Nếu hỏi bất kỳ một phóng viên nào về lý do chọn nghề báo, chắc chắn câu trả lời nhận được sẽ là vì được đi đây đi đó. Đó không phải là những chuyến đi du lịch, nghỉ dưỡng, mà ngược lại, là những chuyến đi về với cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có những tác phẩm báo chí gắn liền với cuộc sống. Và mỗi chuyến đi là những dấu ấn đáng nhớ.

Nghề báo cho tôi cơ hội được đi khắp mọi nơi. Tôi đã được đến 62 tỉnh, thành trong cả nước và bây giờ có cơ duyên đến với Bình Phước, hoàn thành ước nguyện được đặt chân đến khắp mọi nơi trên đất nước mình. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, tôi càng thêm yêu đất nước Việt Nam, thêm trân quý những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Tôi tin rằng mình sẽ có nhiều lần nữa đến với Bình Phước.

Nhà báo Trịnh Văn Ánh, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang

Với tôi, người đã có hơn 25 năm làm báo địa phương, tôi vẫn không quên chuyến đi công tác dài ngày đầu tiên của mình vào năm 1999, tại thôn 12, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Không nhiều phóng viên ở Bình Phước hôm nay có thể hình dung ra được xã Thống Nhất của ¼ thế kỷ trước như thế nào. Đường sá lúc đó hoàn toàn là đường đất, không có chợ hay cửa hàng tạp hóa. Trong 3 ngày đó, tôi, bạn quay phim và đoàn công tác của Ban quản lý dự án Bảo vệ rừng và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước ở ké nhà của trưởng thôn người S’tiêng, chủ nhà phụ trách luôn việc nấu ăn cho đoàn. Thức ăn được mua từ “chợ lưu động” - là những chiếc xe máy với hai bên là những chiếc sọt tre chở thực phẩm từ ngoài trung tâm vào bán cho người dân. Thời gian đó đang là cao điểm mùa mưa, đường sá trơn trợt và dĩ nhiên không phải lúc nào cô chủ nhà cũng mua được thức ăn tươi.

Tôi vẫn nhớ 2 ngày liền mình ăn độc một món thịt ba chỉ đầy mỡ kho đậu hũ, rất ngán vì bản thân tôi không ăn được mỡ. Đến trưa ngày thứ 3, chúng tôi được đổi món bởi không mua được thức ăn do mưa tầm tã, “chợ lưu động” không hoạt động. Nhưng với tôi, món ăn này càng đáng sợ hơn nhiều: món rắn mối nướng.

Nếu không ăn thì không còn món gì khác, lại ngại chủ nhà không vui, tôi đánh liều… thử một miếng nhỏ. Sau chuyến đi này, tôi rút kinh nghiệm tự chuẩn bị đồ ăn khô cho mình trong những lần đi công tác nhiều ngày, ở vùng sâu, vùng xa. Tôi cũng ráng “học ăn” thêm nhiều loại thực phẩm mà trước đây mình chưa từng ăn, như thịt vịt, thịt dê… để có thể “nhập gia tùy tục”.

NGHỀ CỦA “ĐI”, “VIẾT” VÀ “HỌC”

Là nghề của đi và viết nên những chuyến đi luôn là một phần tất yếu trong cuộc sống của người làm báo. Nếu không đi sẽ cảm thấy như mình bị “trói tay, trói chân”, thậm chí cảm giác như bị tách rời khỏi hoạt động đầy sôi động bên ngoài tòa soạn.

Với phóng viên Danh Thị Ngọc Thơ, từng là phóng viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, chị không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi trong suốt hơn 30 năm làm nghề. Mỗi chuyến đi khác nhau đều mang đến cho chị những trải nghiệm về cuộc sống. Chị vui với sự thay đổi của vùng nông thôn, buồn với những cảnh đời lam lũ của người dân hay những lần nông sản rớt giá khi vào chính vụ thu hoạch. Những con chữ trong bản thảo dù reo vui hay nặng trĩu nỗi niềm, với chị cũng đều là những ký ức đáng nhớ. “Mỗi chuyến đi, mỗi bài viết là một trải nghiệm đầy thú vị và mới mẻ, chẳng lần nào giống lần nào và kết quả nhận được cũng không giống nhau. Có khi là niềm vui trọn vẹn nhưng lắm lúc là nỗi đau, là nhiều đêm mất ngủ, là nỗi trăn trở triền miên, thậm chí là những bản thảo viết dở không bao giờ đăng…” - phóng viên Danh Thị Ngọc Thơ chia sẻ về nghề nghiệp của mình.

Nghề báo đã cho tôi được thỏa chí phiêu du đây đó, được tìm tòi khám phá để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống cho mình; để thấy đất nước mình dài rộng, cảm nhận sự sâu lắng, ân tình của người dân ở những nơi tôi từng đặt chân đến… dẫu rằng những chuyến đi ấy luôn thấm đẫm sự nhọc nhằn.

Phóng viên Danh Thị Ngọc Thơ

Nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Người nào tìm sự nhàn hạ trong nghề nghiệp thì xin đừng làm báo. Nếu tìm đến với nghề báo vì thích nổi tiếng hay để kiếm được nhiều tiền thì bạn không có cơ hội trở thành nhà báo thực sự. Bạn sẽ bị đào thải”.

Nghề báo nằm trong số những nghề rất dễ bị đào thải nếu nhà báo không tích lũy cho mình vốn kiến thức, tự nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp và sáng tạo không ngừng. Chính vì vậy mà quá trình làm nghề không chỉ có đi - viết mà còn phải học. Với phóng viên Lê Hưng Cát, chính việc chú trọng vốn ngoại ngữ đã giúp anh nhiều lần biến “nguy” thành “cơ”.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhà báo Lê Hưng Cát trong gần 30 năm làm báo được anh tự “bình chọn” là chuyến công tác tại Malaysia, phục vụ đưa tin kỳ SEA Games 2017 cùng đồng nghiệp phóng viên Nguyễn Tấn.

Nhà báo Hưng Cát kể lại: “Do đăng ký muộn, chúng tôi không có thẻ tác nghiệp để ra, vào các khu vực thi đấu. Chúng tôi liên hệ các tình nguyện viên, hỏi xin số điện thoại của người phụ trách Media - Ủy ban Olympic Malaysia. Người này không có thẩm quyền quyết định, lại giới thiệu chúng tôi đến tận Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia. Thông thường, các bộ, ngành cấp Trung ương khi tiếp các đoàn công tác từ nước ngoài đến phải có kế hoạch, có lịch làm việc với nội dung cụ thể và phải qua con đường ngoại giao. Chúng tôi biết rõ điều này nên việc đột ngột đến gặp họ không phải là giải pháp khả thi! Sau khi có thông tin, tôi vào mạng xã hội, tìm được Facebook ngài Bộ trưởng Khairy Jamaluddin. Tôi nhắn tin, trình bày mọi việc với ngài bộ trưởng và mong được giúp đỡ. Thật bất ngờ, chỉ 30 phút sau khi gửi tin nhắn, ngài bộ trưởng đã trả lời. Ông tỏ ra rất thông cảm và đề nghị chúng tôi đến Ủy ban Olympic Malaysia để làm thủ tục cấp thẻ. Thật bất ngờ khi chúng tôi đến, ngài bộ trưởng cũng có mặt, ân cần chào hỏi và đưa chúng tôi vào tận quầy làm thủ tục cấp thẻ. Chu đáo hơn, ông còn đề nghị cấp trước một giấy giới thiệu để chúng tôi có thể tác nghiệp ngay, nhất là vào khu vực trung tâm báo chí để được sử dụng thiết bị công nghệ thông tin tốt nhất”.

Chuyến đi ấy khởi đầu nan, nhưng rồi đã kết thúc có hậu với 2 phóng viên của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) bằng vốn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống và đặc biệt là vốn ngoại ngữ.

“LỢI NHUẬN” CỦA NGƯỜI LÀM BÁO

Mỗi nghề nghiệp sẽ mang đến những khoản “lợi nhuận” khác nhau. Với nghề báo, lợi nhuận mà nhà báo nhận được lớn hơn gấp bội...

“Tôi hiểu, làm báo vất vả nhưng vui và ý nghĩa, bởi sau những khó khăn, mệt mỏi, bản thân lại được tích lũy thêm những kiến thức mới và thông tin “nóng hổi” từ chính công chúng. Đó là nguồn động lực to lớn, tiếp sức cho những người làm báo chúng tôi tiếp tục lên đường, đi và viết…”, phóng viên Ngọc Thơ chia sẻ.

Nhà báo Hưng Cát (bìa trái) cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại SEA Games 30 - Philippines năm 2019

Nhà báo Hưng Cát (bìa trái) cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại SEA Games 30 - Philippines năm 2019

Nhà báo Hưng Cát: Đối mặt với nhiều áp lực, nhưng nghề báo cũng cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đó là những lúc được vinh danh trong những kỳ liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc. Đó là những lúc thực hiện được phóng sự liên quan đến đời sống của người dân và những vấn đề mà công chúng quan tâm. Càng tuyệt vời hơn khi những vấn đề chúng tôi phản ánh đã được lãnh đạo, chính quyền địa phương tiếp nhận, chỉ đạo khắc phục và thậm chí có những quyết sách thay đổi hợp lý hơn sau những gì báo chí phản ánh...

Khi công tác trong môi trường quốc tế, ngoại ngữ rất quan trọng. Nếu chúng ta không đủ năng lực ngoại ngữ để có thể trình bày những vấn đề rắc rối, hoặc gặp gỡ các nhân vật quan trọng cần thiết cho việc sản xuất tin, bài của mình, chắc chắn phóng viên sẽ gặp khó khăn.

Nhà báo Lê Hưng Cát

99 năm - một chặng đường đầy hào hùng, vinh quang và những thách thức của nghề báo còn đang ở phía trước. Những người làm báo không chùn bước, tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh của mình - sứ mệnh của một nền báo chí kiến tạo.

Đó không chỉ là lời hứa. Đó còn là giá trị và văn hóa của người làm báo!

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/159035/nghe-bao-di-de-yeu