Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VH-TT&DL đã đưa Nghề thủ công truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia (Bình Định) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 9-4, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là nghề thủ công truyền thống được người dân thôn Phú Gia, xã Cát Tường gìn giữ gần 200 năm nay. Sản phẩm nón ngựa Phú Gia mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của miền đất võ Bình Định.
Ngoài thôn Phú Gia, những thôn lân cận của xã Cát Tường như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm các công đoạn liên quan đến nghề chằm nón, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở thôn Phú Gia.
Để làm nên một chiếc nón ngựa, đòi hỏi các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện nhiều công đoạn, từ lúc chuẩn bị nguyên liệu, vật dụng, đến làm mê, làm sườn, lợp lá, chằm chỉ, thêu hoa văn, làm vành, làm quai, chóp nón… Chiếc nón ngựa Phú Gia là mặt hàng được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi đến Bình Định.
Đến nay, Phú Gia có gần 300 hộ làm nón. Nhiều hộ gia đình làm nghề chằm nón trên 200 năm và được truyền đời này sang đời khác. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống.
Thông tin với PLO, ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định cho biết đây là niềm vui với người dân ở Phú Gia. Từ đây, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia được quan tâm, đầu tư và phát huy tốt hơn giá trị của di sản.
THU DỊU