Nghề chế biến bột sắn dây ở thành phố Hưng Yên

Bột sắn làm từ củ sắn dây là một trong những đặc sản Phố Hiến được ưa chuộng cả trong và ngoài tỉnh. Vào mùa xuân, khi hoa bưởi, hoa cam nở thơm ngát, cũng là lúc nhiều gia đình ở thành phố Hưng Yên vào vụ sản xuất bột sắn dây.

Chế biến bột sắn dây ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên)

Nghề làm bột sắn đã xuất hiện phổ biến ở thành phố Hưng Yên từ nhiều năm nay, nhất là ở các phường, xã như: Phương Chiểu, Hồng Nam, Hồng Châu... Những năm gần đây, sản phẩm được ưa chuộng, nghề chế biến bột sắn dây mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ làm nghề và kinh doanh ở thành phố Hưng Yên.

Xã Phương Chiểu là một trong những địa phương có nghề truyền thống chế biến bột sắn dây ở thành phố Hưng Yên. Đồng chí Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu cho biết, xã hiện có trên 20 hộ chuyên làm nghề chế biến bột sắn. Nghề giúp nhiều hộ dân trong xã làm kinh tế hiệu quả và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, tạo ra món ăn bổ dưỡng cung cấp cho thị trường. Nghề sản xuất này hầu như không có chất thải, phụ phẩm như: Xơ, bã... được tận dụng toàn bộ để chăn nuôi gia súc hoặc bón cho cây trồng.

Gia đình bà Mai Thị Anh ở thôn Phương Thượng (xã Phương Chiểu) làm nghề chế biến bột sắn dây đã hơn 20 năm. Gia đình bà thường sản xuất bột sắn sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bà Anh chia sẻ: Gia đình tôi có 3 lao động tham gia làm nghề. Việc chuẩn bị máy móc, vật dụng, lò sấy.... được tiến hành từ trong năm, khi có nguyên liệu dồi dào là bắt tay vào sản xuất. Mỗi vụ tôi thường chế biến khoảng 20 tấn củ sắn tươi, sản phẩm bột sắn sản xuất đến đâu được xuất bán hết đến đấy, nhiều thương lái đặt mua để phục vụ xuất khẩu.

Trung bình mỗi gia đình chế biến bột sắn có sản lượng lớn ở thành phố Hưng Yên thường sản xuất được từ 2 đến 5 tấn bột sắn thành phẩm mỗi vụ, thu lãi khoảng 40 đến 80 triệu đồng.

Trước kia, các công đoạn từ sơ chế đến chế biến bột sắn như: Rửa củ sắn tươi, xay bột, vắt bột, khuấy bột… đều làm thủ công nên mất nhiều thời gian và cần nhiều lao động. Đến nay, hầu hết các hộ làm nghề đã đầu tư mua các loại máy như: Máy rửa, máy nghiền, lò sấy bột… giúp cơ giới hóa nhiều công đoạn, năng suất, chất lượng sản phẩm đều được nâng cao.

Mỗi mẻ bột cần qua 3 lần lọc, sau đó vớt bột cho vào lò sấy. Sản phẩm đạt yêu cầu là bột khô, màu trắng, có mùi thơm đặc trưng. Nhờ có kinh nghiệm sản xuất, sản phẩm thơm ngon, tốt cho sức khỏe nên sản phẩm chế biến ra đến đâu được các cửa hàng đến thu mua luôn đến đó. Theo kinh nghiệm của người chế biến bột sắn, củ sắn dây có hàm lượng tinh bột cao là những củ mỏng vỏ, đều, thu hoạch vào tháng Chạp hoặc tháng Giêng. Bà Đỗ Thị Thanh, hộ làm nghề chế biến và kinh doanh bột sắn ở phường Hồng Châu cho biết: “Chế biến bột sắn không khó, không quá cầu kỳ nhưng mỗi gia đình lại có bí quyết riêng để bảo đảm chất lượng và hương vị. Tôi luôn cẩn trọng từ việc chọn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến, đến nguồn nước. Bột sắn phải được sấy đủ 48 giờ, đều nhiệt thì mới thơm, khi pha hoặc nấu dễ tan, không bị vón. Tôi cũng thường dùng hoa bưởi, hoa nhài để ướp cho bột thêm thơm ngon.

Các cửa hàng kinh doanh bột sắn ở thành phố Hưng Yên cũng tấp nập người mua. Nhiều người mua về sử dụng, nhiều khách mua làm quà... sản phẩm chế biến đầu vụ bao giờ cũng có chất lượng tốt nhất, tươi ngon nhất. Bột sắn chế biến tốt, chỉ cần để trong hộp kín cũng có thể giữ được cả năm mà không mốc hỏng.

Theo đánh giá của các hộ chế biến bột sắn, năm nay, nguyên liệu để chế biến bột sắn khá dồi dào, song giá cao hơn, mỗi kg sắn tươi có giá 17 nghìn đồng. Giá bán bột sắn thành phẩm cũng cao hơn năm trước, mức giá bán lẻ khoảng 120 nghìn đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ổn định, thu hút khách hàng, nghề chế biến bột sắn dây đang là hướng làm kinh tế hiệu quả của nhiều hộ gia đình ở thành phố Hưng Yên.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202302/nghe-che-bien-bot-san-day-o-thanh-pho-hung-yen-aa1111a/