Nghệ có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Nghệ là nguyên liệu tự nhiên được sử dụng trong đời sống. Tuy nhiên, không chỉ dùng để chế biến món ăn, loại củ này còn có những công dụng hỗ trợ sức khỏe.
Nghệ còn cung cấp khá nhiều vitamin, khoáng chất như: Vitamin C, K, E, Kali, canxi, sắt… và còn nhiều chất chống oxy hóa, kháng viêm.
Trong nghệ rất giàu chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp kiểm soát cholesterol xấu trong máu. Nó còn chứa nhiều loại vitamin thiết yếu nhóm B như vitamin B6, B3, B9, B2. Những hợp chất này giúp hỗ trợ điều trị thiếu máu, giúp da hồng hào, ngăn chặn các bệnh do bức xạ, bệnh viêm da, nám da, tàn nhang.
Trong nghệ vàng có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là curcuminoids, trong đó hoạt chất nhiều nhất là curcumin. Curcumin là một polyphenol chịu trách nhiệm tạo ra màu vàng tươi của nghệ. Curcumin có hoạt tính như một kháng sinh có tác dụng chống viêm rất mạnh.
Một số nghiên cứu cho thấy chất curcumin trong nghệ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm cả việc chống lại các tế bào gây ra những bệnh ung thư nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư vú.
Tuy nhiên, hiện nay không có đủ bằng chứng và nghiên cứu chuẩn xác về việc sử dụng chất curcumin từ nghệ để ngăn ngừa và điều trị ung thư. Tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung thảo dược nào, bao gồm cả curcumin. Bởi nó có thể tác động đến hiệu quả điều trị của một số loại thuốc, trong đó có cả các loại thuốc hóa trị ung thư.
Nghệ vàng từ lâu đã được Đông y coi là một vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, làm tan máu và giảm đau. Gia vị này đã được chứng minh là có tác dụng ngăn tiểu cầu kết tập, giúp giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Nghiên cứu cho thấy nghệ có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch.
Chất curcumin có trong củ này có thể ngăn ngừa bệnh tim, giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, hồi phục chức năng tim và giảm việc hình thành sẹo. Ngoài ra, curcumins còn tác dụng trực tiếp lên tế bào bằng cách ngăn ngừa việc sản sinh quá nhiều protein bất thường, chống lão hóa hiệu quả và giảm được cholesterol trong máu.
Không chỉ chống ung thư và tiểu đường, curcumin có trong củ nghệ còn giúp điều chỉnh chuyển hóa lipid ở người bệnh tiểu đường. Chúng hoạt động bằng cách thay đổi hoạt động của các enzym tham gia vào quá trình trao đổi chất để giảm mức triglyceride và cholesterol trong máu.
Những công dụng này đều hỗ trợ cực tốt cho việc điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên cần biết cách sử dụng đúng liều lượng để tránh những tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, nghệ cũng không còn là loại gia vị lạ lẫm trong việc điều trị mụn viêm, các vết thâm, sẹo hay vết thương. Với tính kháng viêm tốt, hỗ trợ cơ thể hồi phục nhanh các vết chưa lành, nghệ đã được sử dụng phổ biến trong cả đông và tây y. Có rất nhiều loại thuốc bôi trên thị trường được chiết xuất từ loại củ này.
Nghệ có khả năng kháng khuẩn rất tốt nên khả năng làm lành vết thương của nghệ cực kỳ hiệu quả. Nếu bị thương hoặc bỏng có thể bôi nghệ lên khu vực đó để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, giúp tái tạo vùng da, ngăn ngừa sẹo.
Nghệ có tính nóng, cay, có tác dụng bảo vệ dạ dày, tiêu diệt các vi khuẩn có hại, từ đó làm giảm tình trạng đau dạ dày hiệu quả. Sử dụng nghệ đúng cách có thể giúp điều trị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, ợ chua, khó tiêu thường gặp.
Cũng giống như các loại củ khác, dùng cái gì quá nhiều cũng sẽ gây nên những tác dụng ngược. Nếu sử dụng quá nhiều nghệ trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị vàng da, tiêu chảy và buồn nôn. Có không ít các trường hợp bệnh viện phải chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân tắc ruột, dị ứng, thậm chí bị khó thở, lở loét toàn thân, suy đa phủ tạng nguy hiểm tới tính mạng vì cơ địa dị ứng với nghệ.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi áp dụng bất kì loại thuốc nào. Không nên sử dụng nghệ khi gặp các vấn đề về túi mật. Có thể kết hợp nghệ với mật ong để phát huy tối đa tác dụng điều trị bệnh.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-co-tac-dung-gi-doi-voi-suc-khoe-286513.html