Nghề đan võng ngô đồng ở Cù lao Chàm

Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng của người dân xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) đã được tôn vinh tại Festival 'Cù lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ' 2024 và đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 6/8.

Bà Lê Thị Kề (thôn Bãi Làng, đảo Cù Lao Chàm) đan võng ngô đồng. Ảnh: C.Đại.

Bà Lê Thị Kề (thôn Bãi Làng, đảo Cù Lao Chàm) đan võng ngô đồng. Ảnh: C.Đại.

Người dân Cù lao Chàm từ bao đời nay gần gũi với cây ngô đồng. Từ xa xưa, bà con đã biết cách lấy vỏ cây ngô đồng về chế tác, kết thành sợi để đan những chiếc võng vừa bền chắc để sử dụng hàng ngày. Cứ thế, đời này qua đời khác, đan võng từ vỏ cây ngô đồng trở thành nghề thủ công truyền thống độc đáo của cư dân Cù lao Chàm.

Cây ngô đồng mọc nhiều trên những triền núi gần bãi biển ở đảo Cù Lao Chàm. Từ tháng 4 đến tháng 7 là mùa cây ngô đồng có hoa nở rộ. Đây cũng là thời điểm người dân trên đảo đi chọn vỏ những cây ngô đồng làm nguyên liệu đan võng. Người dân sau khi chọn được cây vừa ưng ý, họ chỉ chặt ngang mặt gốc để cây còn nứt chồi lên phát triển sinh sống trở lại. Cây sau đó mang về, đập tước phần vỏ, ngâm và chần đá cẩn thận ở các khe nước. Mùa hè thì ngâm nửa tháng, mùa đông hơn 20 ngày. Khi ngâm, không được để vỏ cây nổi lên sẽ bị thâm...

Sau khi ngâm khoảng thời gian hơn 1 tháng sẽ vớt vỏ cây ngô đồng đã ngâm đem về tách chọn lớp vỏ bên trong có màu trắng đục. Lớp vỏ bên trong được gọi là mảnh sợi ngô đồng, sau đó tiếp tục tước từng sợi nhỏ, phơi khô cho đến khi có màu trắng tinh thì mới có thể bắt tay vào đan võng. Sợi càng mỏng thì đan võng càng chặt. Mỗi chiếc võng ngô đồng đan ít nhất hơn 2 tháng, hoàn toàn bằng thủ công.

Hiện nay ở xã Tân Hiệp có nhiều cơ sở đan võng ngô đồng. Chính quyền địa phương cũng đã mở những lớp học đan võng, mỗi lớp học có khoảng 7 người tham gia để truyền nghề, đồng thời đa dạng sản phẩm thủ công và tạo không gian cho du khách trải nghiệm khi đến đảo Cù lao Chàm.

Hợp tác xã Du lịch làng nghề truyền thống Cù lao Chàm cũng đã khai trương Điểm trải nghiệm đan võng ngô đồng tại chợ xã Tân Hiệp, là nơi Hợp tác xã giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước một sản phẩm riêng, mang giá trị sáng tạo, nghệ thuật của các nghệ nhân trên đảo, cũng là nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, vào tháng 11/2014, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công nhận 3 loài cây ở Cù lao Chàm là cây Di sản Việt Nam, trong đó có một cây ngô đồng đỏ ở Hòn Lao với tuổi đời trên 100 năm. Đến tháng 4/2015, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã gắn bia công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 3 cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng, có tuổi đời từ 155 - 250 năm.

Ông Lanh cho biết thêm, “Cù lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ” là một sự kiện văn hóa, du lịch trọng điểm của chương trình “Hội An - Cảm xúc mùa hè - 2024”, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8/2024, gắn liền với kỷ niệm 15 năm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An.

Năm nay, Festival thêm phần vinh dự và tự hào khi nghề đan võng ngô đồng Cù lao Chàm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề đan võng ngô đồng là sự ghi nhận và tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của người dân địa phương trong việc gìn giữ, lưu truyền và phát triển nghề. Điều này còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh lòng hiếu khách của cư dân vùng biển đảo.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-dan-vong-ngo-dong-o-cu-lao-cham-10287587.html