Nghề kinh doanh đồ cũ ở Trung Quốc 'lên ngôi'
Hoạt động kinh doanh sôi động trong ngành thực phẩm và đồ uống sau đại dịch mang lại lợi ích cho các đại lý đồ cũ ở Trung Quốc.
Feng Xing (34 tuổi) có kế hoạch mở thêm một nhà kho mới rộng hơn tại quận Gia Định ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), để chứa 50 chiếc lò nướng công nghiệp cũ được anh thu mua về và gia công lại sáng bóng.
Để phát triển đại lý kinh doanh trang thiết bị nhà bếp cũ, Feng đã phải thế chấp cả căn nhà của mình. Dù mạo hiểm nhưng người đàn ông tin tưởng rằng động thái này sẽ là một bước mở rộng thành công khác trong hoạt động kinh doanh của anh.
Các đại lý như của Feng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây khi ngành thực phẩm và đồ uống gặp khó khăn. Khi các nhà hàng đóng cửa, chủ sở hữu liên hệ với các đại lý thu mua đồ cũ này để bán lại thiết bị nhà bếp với giá rẻ mạt, nhằm thu hồi được chút vốn đầu tư.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, trong năm 2023 - năm đầu tiên sau khi nước này dỡ bỏ các quy định chống dịch nghiêm ngặt, doanh thu trên thị trường thực phẩm và đồ uống Trung Quốc đạt 5,289 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 20,4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tính đến ngày 21/12, số công ty thực phẩm và đồ uống trong nước đóng cửa vào năm 2023 đã vượt quá 1,265 triệu, cao hơn gấp đôi so với năm 2022.
Hoạt động kinh doanh trang thiết bị nhà bếp cũ của Feng Xing tăng trưởng ổn định kể từ khi ra mắt vào năm 2019, mở rộng từ nhà kho chỉ vài trăm mét vuông đến một khuôn viên lên tới hơn 2.000 mét vuông. Năm vừa qua loại hình này đặc biệt sinh lợi, với khối lượng kinh doanh tăng 50% - 60% so với cùng kỳ năm ngoái, khi ngành thực phẩm và đồ uống của Trung Quốc trở lại hoạt động bình thường sau vài năm bị hạn chế.
“Nửa đầu năm 2023, nhu cầu về thiết bị rất lớn. Nhưng kể từ tháng 7, rất nhiều thiết bị bắt đầu quay trở lại thị trường đồ cũ”, Feng nói.
Hầu hết thiết bị mà Feng thu mua là lò nướng và tủ lạnh công nghiệp, những thứ không thể thiếu với các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, nên không bị mất giá.
Trước khi mua một thiết bị, Feng và nhóm của anh kiểm tra chức năng của nó và đánh giá nhu cầu thị trường, thương hiệu và tình trạng để xác định giá mua hợp lý: thường khoảng 30% đến 40% giá thị trường. Sau đó, thiết bị này được làm sạch, phân loại và bán lại với mức chênh lệch nhỏ. Một số thiết bị cao cấp như máy pha cà phê có thể được bán lại với giá gần 90% giá thị trường.
“Thông thường, chúng tôi bắt đầu làm việc sau khoảng 22h, khi các nhà hàng đóng cửa và chúng tôi thường phải làm việc cả đêm. Có thể mất một tuần để chuyển toàn bộ thiết bị của các nhà hàng lớn; một số thậm chí phải mất cả tháng”, Feng nói.
Trong những năm gần đây, Feng cũng bắt đầu mua thiết bị với số lượng lớn từ các đại lý đồ cũ trên toàn quốc, điều này cho phép họ có được nguồn cung cấp thiết bị chất lượng cao đáng tin cậy hơn.
Thành công từ các đại lý như của Feng thu hút nhiều doanh nhân khác thử sức với ngành đang phát triển này.
Wang Fei (32 tuổi) đã chứng kiến một số dự án kinh doanh của mình thất bại trong thập kỷ qua, bao gồm một nhà hàng và một công ty tự truyền thông. Tháng 3/2023, anh khai trương đại lý chuyên thu mua và cung cấp thiết bị cũ cho các cửa hàng cà phê và đồ uống ở thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc).
Gần đây, Wang nhận thấy nhiều cửa hàng đồ uống đóng cửa hơn. Trong tháng qua, có ngày anh đi thu gom thiết bị cũ của ba cửa hàng trong một ngày.
Theo Qichacha, hơn 3,13 triệu doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống được thành lập ở Trung Quốc vào năm ngoái, so với 2,57 triệu vào năm 2022. Trong đó bao gồm 26.110 doanh nghiệp trà sữa và cà phê mới, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng này đã thúc đẩy các chuỗi đồ uống lớn tung ra các chiến dịch truyền thông lớn, nhanh chóng mở rộng thông qua nhượng quyền và hợp tác để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều rủi ro dẫn đến thua lỗ nặng nề trong ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống.
Wang kể lại một cửa hàng mà anh thu mua máy pha chế vào tháng 11, được mở chỉ vài tháng trước đó bởi một phụ nữ ở độ tuổi 30, người đã xem qua một quảng cáo trực tuyến tìm kiếm nhà nhượng quyền trà sữa. Người phụ nữ này đầu tư 300.000 nhân dân tệ vào cửa hàng nhưng mất hết số tiền do kinh doanh ế ẩm và không được công ty nhượng quyền hỗ trợ đầy đủ.
Những câu chuyện thua lỗ nặng nề cũng quá quen thuộc với Feng. Anh thu mua đồ cũ của một khách hàng đã mất 800.000 nhân dân tệ sau ít tháng khai trương nhà hàng hải sản ở Thượng Hải trong thời kỳ đại dịch.
Có một số ý kiến chỉ trích ngành kinh doanh đồ cũ kiếm lợi từ những thất bại và hoàn cảnh bi thảm của những người khác. Nhưng theo quan điểm của Feng, dịch vụ của anh giúp các doanh nhân thu hồi một số khoản đầu tư của họ, cũng như cung cấp cho các cửa hàng, doanh nghiệp mới một phương thức thành lập hợp lý hơn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nghe-kinh-doanh-do-cu-o-trung-quoc-len-ngoi-ar852132.html