Nghề làm chậu kiểng vào mùa

Những ngày cận tết, nhiều hộ làm chậu kiểng trên địa bàn tỉnh đang tất bật công việc để cho ra 'lò' những sản phẩm với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau phục vụ nhu cầu cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tất bật với nghề

Anh Trần Vu - thị trấn Châu Thành (Châu Thành) chăm chút cho sản phẩm của mình. Ảnh:THI RE

Hòa mình vào thời tiết se lạnh trước thềm xuân, anh Trần Vu, ngụ ấp Trà Quýt, thị trấn Châu Thành (Châu Thành) đang tất bật, miệt mài với công việc của mình theo từng công đoạn khác nhau. Đang chăm chú sơn vẽ đường nét hoa văn trên chậu kiểng loại cỡ 70cm, anh Trần Vu chia sẻ: “Em cũng mới làm nghề này cách nay khoảng hơn 1 năm. Là nhân viên của Nhà nước, tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào buổi chiều tối, em bắt đầu lên khuôn, trộn cát, ximăng đổ vào. Để làm ra những bộ sản phẩm bắt mắt, có kích cỡ khác nhau, em phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian để hồ khô cứng lại. Những chậu nào trước đó đã cứng thì đến công đoạn sơn, vẽ, mài dũa và đòi hỏi phải làm cẩn thận, tỉ mỉ mới có được sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp mắt để khách hàng ưa chuộng”.

Được tận mắt chứng kiến bàn tay điêu luyện của anh, mới thấy được sự tinh tế, kỹ thuật như bao nghề khác. Mồ hôi ướt đẫm, đưa đôi bàn tay khô ráp xoa nhẹ mép chậu, anh Vu liên tục xoay chuyển đổ ximăng trộn sẵn. Chỉ tay cho tôi xem chậu lục giác độ cứng mất 48 tiếng đồng hồ, anh tháo khuôn ngoài, quét thêm một lớp mỏng ximăng mài dũa nhẹ cho mịn. Anh Vu tâm sự: “Đây là một trong những công đoạn quan trọng, người làm chậu phải có sự kiên trì, nhẫn nại thì cách pha tráng màu phải chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không tróc, ố và đôi khi còn hợp với phong thủy nhà cửa của khách hàng. Nhờ vậy mà nhiều phụ huynh học sinh, một số nhà chùa trong và ngoài huyện tìm đến đặt ủng hộ, em làm không kịp giao cho khách”.

Đa dạng kiểu dáng

Theo chia sẻ của nhiều người làm chậu kiểng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua thị trường chậu kiểng khá trầm lắng, lượng khách mua giảm mạnh. Tuy nhiên, khoảng gần 2 tháng nay thị trường đã bắt đầu sôi động trở lại do gần đến Tết Nguyên đán, sức hút, nhu cầu sử dụng chậu kiểng tăng cao.

Anh Lâm Quách Tha - xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) đang tăng tốc sản xuất chậu kiểng. Ảnh: THI RE

Tại gia đình anh Lâm Quách Tha, người làm chậu kiểng tại ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) không khí lao động khẩn trương. Sân trước và kế nhà là khu đất trống, những chậu hoa đã thành phẩm được xếp thành hàng. Màu xám, đỏ, xanh của chậu hòa cùng màu xanh cây cảnh, cây bông giấy, bonsai nghệ thuật tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Anh Lâm Quách Tha phấn khởi cho biết: “Em vừa mới giao cho khách hơn 20 chậu, loại 40cm. Trước kia, cha của em đã làm nghề này, nhưng vài năm trở lại đây ông lại đam mê với nghệ thuật trồng hoa cảnh, bonsai thì truyền nghề này cho em. Để làm ra một chiếc chậu hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi thợ đều nắm rõ quy trình làm chậu từ cách pha trộn nguyên liệu, quay chậu theo khuôn, đổ khuôn đến trang trí họa tiết cho chậu. Nếu chậu kiểng thường một ngày, một người thợ quay được khoảng 20 cái (chưa tính phần sơn phết). Giá cả bán ra dao động từ 50.000 - 600.000 đồng/chậu, tùy theo kích cỡ chậu lớn nhỏ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và ngày công lao động, người làm nghề này cũng có lời, giúp gia đình có thu nhập ổn định mà không cần đi làm thuê làm mướn”.

Những chiếc chậu kiểng lớn nhỏ, nhiều kiểu dáng khác nhau, xinh xắn, chất lượng được đặt trước sân nhà, công viên, khuôn viên chùa chiền hay trường học đã qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ. Những sản phẩm này phục vụ cho nhu cầu trồng hoa, cây kiểng của người dân, góp phần tô đẹp không gian sống, nhất là mỗi khi xuân về tết đến.

THI RE

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nghe-lam-chau-kieng-vao-mua-45227.html