Nghề làm giấy dó

Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Mông đã biết tận dụng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên để làm các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày, trong đó có nghề làm giấy dó - sản phẩm luôn gắn với cuộc sống tâm linh của người dân, được bà con lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bà Giàng Thị Chía, bản Cổng Chặp phơi khuôn giấy.

Bà Giàng Thị Chía, bản Cổng Chặp phơi khuôn giấy.

Chúng tôi đến bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, để được trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Giấy dó được bà con làm ra không dùng để viết chữ hay in sách, mà được dùng vào những nghi lễ thờ cúng mang tính tâm linh, tín ngưỡng. Đồng bào Mông quan niệm, nếu lễ, tết, cúng cầu mùa, đám hiếu không có giấy cúng do tự mình làm ra thì tổ tiên sẽ không nhận. Mỗi gia đình dân tộc Mông đều dán một tờ giấy dó được gấp vuông vắn trên bàn thờ để cúng tổ tiên ở giữa nhà, bốn góc giấy được gắn lông gà trống. Hàng năm, vào dịp tết, các gia đình đều thay giấy mới, thể hiện lòng báo hiếu của con cháu đối với tổ tiên, dòng họ. Trong các lễ cúng, phụ nữ dân tộc Mông thường khéo léo cắt giấy thành những hình nhân, hoa lá, cỏ cây dâng lên thần linh, tổ tiên cầu mong cho gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi và thành đạt trong cuộc sống. Khi tết đến, xuân về, mọi người đều được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả, chiều 30 tết, cửa nhà, cột nhà, sà nhà, tất cả các công cụ sản xuất, chuồng nuôi gia súc, gia cầm..., đều được dán lên những tờ giấy dó do chính họ làm ra, có ý nghĩa niêm phong, cũng như là để thông báo với tổ tiên đã kết thúc năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới, với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn cho cả gia đình trong năm mới.

Bà Giàng Thị Chía, bản Cổng Chặp giới thiệu sản phẩm giấy với người dân trong xã.

Bà Giàng Thị Chía, bản Cổng Chặp giới thiệu sản phẩm giấy với người dân trong xã.

Nguyên liệu để làm giấy dó là vỏ cây dướng. Hàng năm, từ tháng 5-7 dương lịch, bà con vào rừng lấy cây dướng về bóc lấy vỏ, sau đó tước lấy lớp vỏ trắng bên trong, rồi cho vào nồi cùng với tro bếp, ninh thật nhừ trong khoảng 10-12 giờ, tro bếp có tác dụng làm cho vỏ dướng nhanh nhừ và làm cho giấy trắng, mịn. Vỏ dướng sau khi ninh, để nguội đem rửa sạch, sau đó dùng cục kê và búa gỗ đập kỹ cho vỏ dướng tơi ra như bông ruốc, đập càng kĩ thì giấy càng mịn. Đập xong cho vào ống tre, đổ nước vào và dùng một cái que được chế một đầu giống hình chữ thập khuấy thật kĩ cho bột dướng tan ra, đặt khuôn xuống bể sao cho nước xâm xấp mặt khuôn và đổ bột dướng lên rồi dùng tay khua nhẹ cho bột dướng dàn đều trên mặt khuôn, dùng tay đập khẽ trên mặt nước để cho bột dướng lắng đều xuống mặt khuôn, làm như vậy khoảng 15 phút là được. Sau đó lấy 2 tay đỡ đầu khuôn nâng nhẹ lên khỏi mặt nước sao cho bột dướng không bị xô rồi mang ra sân phơi, để khuôn nghiêng 45 độ cho mau ráo nước. Thời gian phơi giấy phụ thuộc vào thời tiết, những ngày trời nắng đẹp, giấy được phơi trong 2 giờ là được. Theo kinh nghiệm của bà con, chừng nào tấm vải khuôn khô là giấy khô, khi đó dùng 2 tay tách nhẹ 2 góc trên đầu khuôn rồi từ từ tách giấy ra khỏi khuôn vải. Giấy phơi xong được bà con gấp cất đi, dùng dần.

Bà Giàng Thị Chía, bản Cổng Chặp, người có rất nhiều năm kinh nghiệm làm giấy dó, chia sẻ: Dụng cụ làm giấy dó rất đơn giản, do bà con tự chế ra, cơ bản nhất là 1 cái khuôn hình chữ nhật để tráng giấy, khuôn được làm bằng vải căng trên 1 cái khung bằng gỗ hoặc tre, mặt khuôn bằng vải lanh hoặc vải bông, là 2 loại vải dễ thoát nước trong quá trình phơi, kích cỡ khuôn tùy thuộc vào ý định của gia chủ, thường là 0,8 x 1,4 m. Ngoài ra còn có 1 nồi nấu chất liệu làm giấy, 1 cục kê và búa gỗ để đập vỏ cây dướng, chậu để rửa vỏ cây dướng, ống tre và một cái que được chế một đầu giống hình chữ thập để hòa tan bột giấy.

Người dân bản Cổng Chặp tước vỏ cây dướng để làm giấy dó.

Người dân bản Cổng Chặp tước vỏ cây dướng để làm giấy dó.

Ở bản Cổng Chặp hiện có 183 hộ, nhưng chỉ còn gần chục hộ làm giấy dó. Anh Sùng A Só, Trưởng bản cho biết: Giấy dó thường được bà con làm vào thời gian nông nhàn, mùa nắng để giấy phơi được trắng đẹp, đặc biệt là vào dịp tết bà con làm giấy để cúng năm mới. Giấy dó được làm hoàn toàn bằng thủ công, vì thế đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nên chủ yếu là do phụ nữ đảm nhiệm. Những người biết làm giấy dó chủ yếu là người cao tuổi, trung tuổi, vì thế mà nghề làm giấy dó đang dần bị mai một. Để lưu giữ nghề làm giấy dó, Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc qua các cuộc họp bản, thông qua Chi hội khuyến học của bản và quy ước của các dòng họ, để ông bà, cha mẹ có trách nhiệm truyền dạy, nhắc nhở con cháu bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Thảo

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nghe-lam-giay-do-51778