Nghe lính Trường Sa kể chuyện đón Xuân

Được đón Xuân ở Trường Sa nằm cách đất liền hàng trăm hải lý là một trải nghiệm đặc biệt, ý nghĩa không thể quên trong đời mỗi cán bộ, chiến sĩ. Những ngày Xuân ở nơi đầu sóng ngọn gió không kém phần ấm áp, bởi luôn đong đầy tình đồng chí, đồng đội, thiêng liêng hơn cả là trách nhiệm với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các cán bộ của tỉnh Đồng Nai hỏi thăm, động viên binh nhì Ngô Quốc Trưởng, một thanh niên đến từ huyện Xuân Lộc công tác trên đảo Sinh Tồn.

Các cán bộ của tỉnh Đồng Nai hỏi thăm, động viên binh nhì Ngô Quốc Trưởng, một thanh niên đến từ huyện Xuân Lộc công tác trên đảo Sinh Tồn.

Anh Ngô Quốc Trưởng, là một thanh niên của tỉnh Đồng Nai đang làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn (thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), xúc động kể: “Xuân Giáp Thìn 2024 lần đầu tiên tôi đón Tết xa gia đình và bạn bè thân thiết. Đó cũng là cái Tết rất đặc biệt trong cuộc đời, bởi nơi tôi đón Tết chính là đảo Sinh Tồn nằm rất xa đất liền”.

Đón Xuân nơi đầu sóng ngọn gió

Cán bộ, chiến sĩ đón Tết ở đảo xa nhưng không kém phần đủ đầy, ấm áp, bởi trước mỗi dịp Tết thường có rất nhiều tình cảm của đất liền được gửi ra các đảo qua những chuyến tàu của lực lượng hải quân. Đó là những nhu, yếu phẩm không thể thiếu trong ngày Tết như: Gạo nếp, lá dong, thịt heo, thịt gà, bánh kẹo, hạt dưa… Đặc biệt ngày Tết ở đảo xa nhưng một số đảo còn có cả hoa mai, một loài hoa đặc trưng của mùa Xuân phương Nam, góp phần làm cho không khí xuân thêm rực rỡ và gần gũi hơn với đất liền.

Trước Tết Ất Tỵ 2025, nhiều chuyến tàu mang theo các nhu yếu phẩm và quà Tết từ đất liền đã được các đơn vị của Quân chủng Hải quân mang ra các đảo và nhà giàn.

Anh Ngô Quốc Trưởng cho biết, trước Tết khoảng nửa tháng là đã có những chuyến tàu chở hàng Tết ra đảo. Khi nghe thấy tiếng còi tàu từ ngoài khơi vang lên, báo hiệu tàu Tết sắp cập đảo, mang theo hàng và quà Tết là thấy mùa Xuân đã đến rất gần với mỗi cán bộ, chiến sĩ. Những ngày Tết trên đảo Sinh Tồn thường có rất nhiều hoạt động như gói bánh chưng, trang trí bàn thờ Bác Hồ, họp mặt quân và dân trên đảo, giao lưu văn hóa thể thao… Đặc biệt vào sáng mùng 1 Tết, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo sẽ cùng dự lễ chào cờ đầu năm, sau đó nghe thủ trưởng chúc Tết.

Từng hai lần đón Tết trên đảo Sinh Tồn, đại úy Nguyễn Văn Thành, một người con của Đồng Nai kể, trước Tết khoảng nửa tháng anh được cha mẹ gửi một thùng quà ra đảo theo tàu của vùng với hạt điều, hạt tiêu là đặc sản của quê hương Xuân Lộc nơi anh sinh ra và lớn lên. Quà được anh chia ra nhiều phần nhỏ, gửi tặng nhà bếp của đơn vị và mang đến biếu một số gia đình sinh sống trên đảo để những ngày Tết thêm đượm vị đất liền.

“Đón Tết ở đảo xa tuy thiếu tình cảm gia đình nhưng lại đậm tình đồng chí, đồng đội và nhân dân sinh sống trên đảo nên không buồn. Ngược lại đón Tết ở đảo xa còn là một trải nghiệm rất ý nghĩa trong đời, tôi sẽ nhớ mãi”- anh Thành kể.

Còn ở đảo đá Tây C, một đảo nổi giữa Trường Sa mênh mông sóng nước, ngày Xuân với mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo không khí rất ấm cúng và thiêng liêng. Binh nhì Lê Quang Sơn cho hay: “Dù đảo xa nhưng Tết ở đảo không buồn, vì những bài hát về Đảng, Bác Hồ, mùa xuân đất nước luôn vang lên khắp đảo, làm không khí xuân thêm rộn ràng, tâm thế cán bộ, chiến sĩ càng thêm tự hào về đất nước mình”.

Tiếng quốc ca cất lên từ đảo vào sáng đầu tiên của năm mới luôn chứa đựng niềm tự hào khó diễn tả bằng lời.

Tự hào mùa Xuân lính đảo

Với những cán bộ, chiến sĩ từng đón Xuân trên đảo Cô Lin thì mùa Xuân càng trở thiêng liêng và tự hào hơn bao giờ hết. Binh nhì Đậu Văn Hiếu, một người lính trẻ trên đảo Cô Lin cho hay: “Trước Tết Giáp Thìn 2024 tôi nhận lệnh cùng các đồng đội ra đảo Cô Lin làm nhiệm vụ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có cơ hội được trải nghiệm không khí đón Tết ở trên đảo. Những ngày Tết ở trên đảo tất nhiên thiếu đi tình cảm gia đình nhưng lại được thay bằng tình đồng đội. Ngày Tết dù vui nhưng ai nấy đều ghi nhớ khẩu hiệu “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”.

Chiến sĩ công tác trên đảo Cô Lin hướng dẫn cho xuồng chở đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai lên thăm đảo. Ảnh: Công Nghĩa

Chiến sĩ công tác trên đảo Cô Lin hướng dẫn cho xuồng chở đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai lên thăm đảo. Ảnh: Công Nghĩa

Nói về kỷ niệm sâu sắc nhất trong lần đầu đón Tết trên đảo Cô Lin, binh nhì Đậu Văn Hiếu xúc động kể: “Tôi luôn tự hào khi nhớ lại khoảng khắc đêm giao thừa Giáp Thìn 2024 được đứng trước bàn thờ Tổ quốc của đảo thắp nén nhang thơm tưởng nhớ Bác Hồ. Tôi đã rưng rưng nước mắt khi nghe trưởng đảo kể, ở vị trí đảo này đã có những liệt sĩ anh dũng hy sinh, quyết tâm bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng, một số chiến sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt”.

So với những đảo nhỏ khác của Trường Sa, điều kiện của cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo Trường Sa Lớn có nhiều thuận lợi hơn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo cho hay, Tết ở Trường Sa Lớn vui chẳng kém gì ở đất liền, bởi ở đây ngoài cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thì còn có nhân dân cùng sinh sống trên đảo. Những ngày Tết một số ngư dân bám biển đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa cũng ghé âu tàu của đảo để chúc Tết, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ.

Đại úy Lê Văn Hùng, cán bộ một đơn vị từ đất liền được cử ra làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn, có “thâm niên” đón Tết tại đảo cho biết: “Mỗi năm đón Tết ở Trường Sa Lớn là một kỷ niệm đẹp. Thú vị nhất vẫn là gói bánh chưng lá ngoài là lá dong, còn bên trong là lá bàng vuông. Sự kết hợp của lá dong và lá bàng vuông cho bánh chưng vị thơm của đất liền và vị mặn của biển cả. Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông khó hơn nhiều so với lá dong, vì vậy muốn biết ai từng đón Tết ở Trường Sa Lớn nhiều lần hay chưa, thì có thể nhìn cách gói bánh chưng của họ”...

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/nghe-linh-truong-sa-ke-chuyen-don-xuan-6274966/