Nghe người cao tuổi kể chuyện Tết xưa

Tết với thế hệ trẻ bây giờ có lẽ đơn giản chỉ là dịp để nghỉ ngơi, ăn, chơi nhưng đối với những người cao tuổi thì tết luôn là hoài niệm. Những câu chuyện về tết xưa qua lời kể dựa trên những ký ức gần như đã phủ một lớp bụi của thời gian, nhưng vẫn mang một sức hút lạ kỳ về những cái tết ấm áp.

Dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi được hỏi về chuyện tết xưa, cụ Nguyễn Thị Thìn (84 tuổi), phường Tân Giang (Thành phố) vẫn nhớ như in về những cái tết thời bao cấp.

Cụ Thìn kể, thời ấy, hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, cái gì cũng chỉ có phân và phát chứ không được mua bán tự do trên thị trường. Đồ đạc, thực phẩm người dân tự làm ra được nhưng không được đem đi nơi khác tiêu thụ nên đồ đạc, thức ăn khan hiếm lắm, những loại rau mà ngày nay ngoài chợ bán có vài nghìn đến vài chục nghìn như cải bắp, khoai tây, su hào…, ngày xưa được coi là những thứ xa xỉ rồi. Hàng hóa, thực phẩm,… tất cả đều được bán ở các cửa hàng mậu dịch, khi đi mua hàng đều phải mua bằng sổ và tem phiếu, định mức theo đầu người chẳng được bao nhiêu.

Ánh mắt xa xăm, cụ hồi tưởng lại: Tết ngày xưa khó khăn lắm, thiếu thốn đủ đường. Nhớ có năm đi mua gạo về gói bánh chưng, mua trúng bao gạo đã mốc gần hết, tôi phải đem vo, đãi muối, rửa lại đến mấy lần nước rồi mới đem gói bánh được. 2 người con của tôi khi đó đứa cấp 3, đứa cấp 2, đi mua gạo tết, 2 chị em đạp xe từ khu dược (phường Tân Giang) lên tận khu dã hương (Hòa An), xếp hàng để đợi lấy phiếu, được phiếu rồi lại đạp xe quay về, cách đó mấy km, gửi xe, đi bộ vào Hồng Nam xếp hàng, chờ ở đó đến 5 giờ chiều. Cuối cùng kho báo hết gạo, 2 chị em lại lủi thủi quay về, đến nhà thì cũng nửa đêm rồi.

Những nếp nhăn quanh khóe mắt chứa đựng bao kỷ niệm qua thời gian, cụ Thìn say sưa kể tiếp: Những mâm cỗ tết ngày ấy cũng không được đủ đầy như thời nay, khó khăn lắm, có gì cúng nấy, có chiếc bánh chưng, con gà, đĩa giò thủ đã là đủ đầy lắm rồi.

Cùng câu chuyện về thời bao cấp, cụ Trần Hữu Ái (87 tuổi), phường Ngọc Xuân (Thành phố) cho biết: Ngày xưa lấy đâu ra nồi luộc bánh, cả xóm may ra có 1 - 2 nhà khá giả hơn thì có nồi nên cứ đến tết, gia đình nào gói bánh lại phải thay phiên nhau mượn nồi làm sao để tránh trùng ngày và phải trả về cho gia chủ trước ngày 30 tết. Thậm chí trước đây, nhiều nhà còn chung nhau luộc bánh chưng tập thể vì không có nồi. Cứ chục hộ gia đình, mỗi nhà vài cái, đánh dấu lại rồi bỏ vào luộc chung trong chiếc nồi to. Cụ bảo gia đình cụ khi đó cũng khó khăn lắm, chỉ gói được có 2 cái bánh chưng, phải đem luộc nhờ ở nhà hàng xóm, 1 cái thì để thắp hương ở nhà mình, còn 1 cái để dành để đi lễ ở nhà ngoại.

Bà Hồng Vân (66 tuổi), phường Tân Giang (Thành phố) chia sẻ: Tôi nhớ năm đó là năm 1978, đang làm giáo viên, gia đình tôi khi đó ở trong huyện Thông Nông cũ, học sinh ở các xã biên giới khi ấy chỉ vẻn vẹn có bơ gạo nếp, không có đỗ cũng chẳng có thịt gì nên các em lấy khoai lang và bí đỏ về làm nhân thay cho đỗ với thịt. Tết đến, mọi người dọn dẹp nhà cửa mừng năm mới, trong huyện chỉ có nhà tranh vách đất, tường thì thủng lỗ chỗ, người dân phải đem gạo xay bằng cối xay đá, hòa với chút nước đun lên làm hồ rồi trộn với bẹ chuối đập dập đem trét vào những chỗ hổng trên tường rồi dán 1 lớp báo lên, chúng tôi vẫn hài hước gọi đó là “vá nhà”.

Những câu chuyện về tết xưa thường được các bậc cao niên kể lại cho con cháu trong gia đình mỗi dịp tết đến, xuân về.

Những câu chuyện về tết xưa thường được các bậc cao niên kể lại cho con cháu trong gia đình mỗi dịp tết đến, xuân về.

Tết xưa dù thiếu thốn nhưng vui và ý nghĩa lắm, những ngày ấy thân thương và ấm áp đến lạ; bao kỷ niệm ngày nào dường như còn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người. Nhà nào nuôi lợn thì chung nhau khoảng 4 - 5 nhà thịt 1 con lợn, rồi chia đều để làm bánh chưng, giò thủ ăn Tết; làng trên rồi xóm dưới, các bà, các mẹ đua nhau rửa lá dong, đãi đỗ, đãi gạo dọc 2 bờ sông Bằng Giang để chuẩn bị gói bánh chưng. Đêm giao thừa, cả mấy thế hệ trong gia đình cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng thâu đêm đến sáng, đôi ba mẩu sắn vùi vào bên cạnh đống tro bếp hồng rực thơm lừng lan tỏa trong không gian. Đám trẻ con cứ quấn quýt với mấy dây pháo tép, đì đùng tiếng pháo hòa lẫn với tiếng đùa nghịch nhau vang khắp xóm.

Những cái Tết của 5 - 6 chục năm về trước không có bánh, mứt, kẹo ngon như bây giờ. Nghe các ông bà kể lại, nhà đông con, cứ mỗi dịp Tết về, anh chị em trong nhà lại lấy túi bột mì nhỏ đã cất kỹ chỉ tết mới dám dùng, bỏ thêm ít đường trắng lấy vị ngọt, hết trộn lại nhào và đem ra cán mỏng. Sau đó lấy mấy miếng sắt tây về tự chế thành khuôn, cứ thế đem ấn xuống tạo hình thù cho bánh rồi mang đi nướng nhờ chiếc lò đất của bác hàng xóm. Mà thời ấy đâu có than như bây giờ, phải đun củi cháy hết rồi chờ lấy than để nướng bánh. Có mẻ bánh ít ỏi mà cứ 3 - 4 đứa trẻ đứng canh, tranh nhau hít hà mùi bánh trong lò, mặt mũi lem khói nhưng mà háo hức lắm. Món nước siro tự chế cũng đầy hấp dẫn. Với chút phẩm màu, pha thêm chút đường, lắc đều trong “chai 65” nữa là thành thứ thức uống xa xỉ, mà thời đó đứa trẻ nào cũng mê mẩn. Bánh kẹo thì điển hình với mấy loại đã ăn sâu vào tiềm thức, như kẹo ngó sen sắc màu, kẹo nu - ga sữa của xưởng bánh kẹo khu mỏ muối sản xuất. Bánh thời đó chỉ là bột mì trộn đường kính nướng lên, nhiều cái cháy xém, nhưng cũng là “mĩ vị” mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Đó là những ký ức ngọt ngào của ông Ngọc Sơn (61 tuổi), phường Hợp Giang (Thành phố).

Các cụ, các bác kể ngày xưa người ta mong đến Tết lắm, đặc biệt là trẻ con thời ấy bởi sẽ được ông bà, cha mẹ mua cho quần áo mới, được người lớn lì xì. Quần áo may bằng vải phin thô, nhà nào khá giả hơn chút thì con gái sẽ được may bằng lụa trơn, con trai thì may bằng vải kaki. Một bộ quần áo “xanh-si-lâm” hay chiếc áo bông bằng vải “pô-pô-lin” hồi đó như vậy là sang chảnh nhất làng.

Bà Trần Thị Phương (65 tuổi), phường Hòa Chung (Thành phố) chia sẻ thêm: Đám thanh niên chúng tôi ngày ấy tiếc của lắm, đâu dám mặc lâu, cứ cho vào túi nilon, mang lên tận Phố Thầu, vào nhà người quen mới dám thay rồi diện để ra vườn hoa chơi. Còn mấy đứa trẻ con mong đến tết để được bố mẹ, ông bà, họ hàng thân thiết lì xì mừng tuổi. 2 xu, 5 xu đều mang đút ống tiết kiệm, tích dần để sau mua quần áo, giày dép, sách vở, thỉnh thoảng lại mang cái ống ra lắc lắc và coi đó như một niềm vui.

Hoài niệm về những mùa Tết đã qua, những bậc cao niên không khỏi tiếc nuối khi giờ đây dường như tết đang mất đi hương vị vốn có. Có lẽ do cuộc sống ngày càng đủ đầy, được ăn ngon mặc đẹp, một phần cũng do không gian đô thị ngày càng sầm uất, nhịp sống xã hội ngày càng nhanh nên những áp lực vô hình về kinh tế lẫn tâm lý khiến mọi người giờ không còn mặn mà với tết nữa. Ông Nông Văn Tuyến, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) tâm sự: Tết xưa, dù có khó khăn thiếu thốn nhưng thật sự ấm áp. Người dân trong làng cứ qua giao thừa là rủ nhau đến chúc tết các nhà trong xóm, trong làng, đi suốt cả ngày cả đêm, tình làng nghĩa xóm thời đó khăng khít lắm. Không như bây giờ nhiều nhà chọn đi du lịch nghỉ dưỡng thay vì chúc Tết họ hàng, bạn bè, có nhà lại cho rằng tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả nên không đi đâu...

Lắng nghe câu chuyện từ những người thuộc thế hệ trước, những bậc cao niên lưng đã còng, tóc đã bạc trắng đầu, mắt mờ đục theo thời gian, nhưng dư âm tết xưa thật sự đáng nhớ và đáng trân trọng đến nhường nào. Trong thiếu thốn, khó khăn ấy những mùa tết xưa thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn.

Những câu chuyện Tết xưa không chỉ để kể lại cho con cháu, đó cũng như là bài học, là lời răn dạy của thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ ngày nay hãy lưu giữ và phát huy những nét văn hóa, những phong tục đẹp của dân tộc Việt, không vì cuộc sống đủ đầy, phát triển và hội nhập mà đánh mất giá trị thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền.

Tết giờ đây đối với những người trẻ khác xưa rất nhiều. Đêm 30 Tết, người dân náo nức ra đường hân hoan đón chào năm mới.

Tết giờ đây đối với những người trẻ khác xưa rất nhiều. Đêm 30 Tết, người dân náo nức ra đường hân hoan đón chào năm mới.

Thùy Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nghe-nguoi-cao-tuoi-ke-chuyen-tet-xua-3167358.html