Nghệ nhân đúc tượng truyền thần của làng Lộng Thượng

Làng Lộng Thượng, hay còn gọi là làng Rồng, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30-35 km về phía Đông Nam. Nơi đây nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống có lịch sử hơn 200 năm. Các sản phẩm bằng đồng như tượng, chuông, đỉnh, hạc, chân nến, đèn trang trí, mâm bổng, lọ hoa, lư hương,…đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. Đời nối đời, lớp nghệ nhân của làng không chỉ gìn giữ được nét truyền thống trong mỗi sản phẩm mà còn sáng tạo, nâng cao kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm tinh xảo, độc lạ hơn. Nổi bật là cơ sở đồ đồng Tập Yên do nghệ nhân Dương Văn Tập làm chủ là hộ duy nhất trong gần 200 hộ sản xuất, kinh doanh của làng nghề đúc đồng Lộng Thượng gìn giữ và phát triển nghề đúc tượng truyền thần.

Nghệ nhân Dương Văn Tập tạc mẫu theo ảnh

Nghệ nhân Dương Văn Tập tạc mẫu theo ảnh

Trước đây theo truyền thống của gia đình, cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Dương Văn Tập chuyên làm các sản phẩm đồ thờ cúng bằng đồng, tượng đồng, chuông đồng, khánh đồng, đồ lưu niệm và phong thủy. Tuy nhiên, cách đây 15 năm, anh Tập nhận thấy để tạo dựng được thương hiệu phải có sự khác biệt trong sản phẩm. Nghĩ đi đôi với làm, anh bắt tay vào học cách làm tượng truyền thần. Đây là công việc đòi hỏi sự tinh tế, tay nghề cao và con mắt nghệ thuật sắc sảo mới có thể tái hiện chân thực diện mạo, thần thái và hồn cốt của nhân vật qua từng khối tượng.

Theo nghệ nhân Dương Văn Tập, công đoạn khó nhất khi làm tượng truyền thần là tạc mẫu theo ảnh. Đầu tiên khách hàng sẽ cung cấp một tấm ảnh chân dung, nhiệm vụ của người nghệ nhân là phác thảo, nặn mẫu tượng bằng đất sét hoặc sáp, sau đó chỉnh sửa. Công đoạn hoàn toàn thủ công này đòi hỏi khả năng quan sát và cảm thụ. Bởi theo nghệ nhân Tập, tượng truyền thần không đơn thuần là giống khuôn mặt mà quan trọng nhất là diễn tả được thần thái, khí chất, phong cách sống của nhân vật. Đây là lý do nghệ nhân gọi là “truyền thần” tức là truyền cái “hồn” của người thật vào bức tượng. Sau đó là các bước tạo khuôn đúc, nấu và rót đồng, làm nguội, xử lý bề mặt và hoàn thiện trang trí.

Nghề đúc tượng truyền thần là một minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Để hoàn thiện một bức tượng truyền thần, nghệ nhân Dương Văn Tập phải làm trong khoảng thời từ 1 - 2 tháng, thậm chí còn phải kéo dài thời gian hơn nếu tượng có kích thước lớn. Trung bình mỗi năm cơ sở của nghệ nhân Dương Văn Tập cung cấp ra thị trường khoảng 500 bức tượng truyền thần. Có hai phong cách hoàn thiện phổ biến trong nghệ thuật đúc tượng truyền thần là tượng dát vàng và tượng màu giả cổ. Trung bình mỗi bức tượng truyền thần có giá bán từ 20 đến 30 triệu đồng.

Sản phẩm tượng truyền thần đã hoàn thiện

Sản phẩm tượng truyền thần đã hoàn thiện

Do đáp ứng được yêu cầu, chất lượng của sản phẩm nên khách hàng dù ở gần hay xa vẫn tìm về cơ sở đồ đồng Tập Yên tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng như một địa chỉ thân quen, uy tín để tham quan, đặt hàng. Ông Nguyễn Văn Đắc, một khách hàng tại tỉnh Hải Dương từng đặt hàng tại đây nhận xét: các sản phẩm do anh Tập làm ra rất độc đáo, kỹ thuật chế tác, độ tinh xảo cao. Ban đầu gia đình chỉ có ý định đặt một bức tượng truyền thần, nhưng sau khi nhận sản phẩm hoàn thiện, gia đình ông tiếp tục đặt thêm 2 tượng chân dung khác.

Theo Nghệ nhân Dương Việt Bách, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng cho biết: Nghề đúc tượng truyền thần đang dần trở thành xu hướng, phục vụ thị hiếu ngày càng cao của khách hàng bởi ngoài việc tưởng niệm các danh nhân, anh hùng dân tộc, ngày nay nhiều gia đình muốn lưu giữ hình ảnh người thân nên nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn. Tuy nhiên đây là nghề rất “kén thợ” nên trong thời gian tới, Hiệp hội Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng sẽ chú trọng đến việc đào tạo, dạy nghề cho các thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống tại địa phương.

Giữa dòng chảy hiện đại, khi công nghệ hóa làng nghề đang tạo ra hàng loạt các sản phẩm đại trà thì nghệ thuật đúc tượng truyền thần vẫn vững vàng phát triển tạo ra những sản phẩm thủ công mang dấu ấn riêng, khác biệt. Đây không chỉ là một quy trình sản xuất, mà là sự kết hợp tinh tế giữa tay nghề thủ công, óc thẩm mỹ, kỹ thuật luyện kim và hơn hết là cái tâm, cái hồn của người nghệ nhân thổi hồn vào mỗi sản phẩm truyền thống của quê hương.

Thu Trang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nghe-nhan-duc-tuong-truyen-than-cua-lang-long-thuong-3181319.html