Mỗi khi nhắc đến con dấu gỗ truyền thống, người dân phố cổ Hà Nội lại nhắc ngay đến ông Phạm Ngọc Toàn - nghệ nhân dành hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công trên phố Hàng Quạt.
Giữa nhịp sống hối hả, nhộn nhịp của phố cổ Hà Nội, hàng ngày, từ 8h sáng đến 5h chiều, nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn ngồi cặm cụi với nghề khắc dấu gỗ thủ công.
Nghệ nhân Toàn chia sẻ, trước khi gắn bó với con dấu gỗ, ông từng có thời gian làm thầy giáo dạy môn toán ở Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội). Những năm 90 của thế kỷ trước, thu nhập từ nghề giáo không đủ sống, ông quyết định về nối nghiệp gia đình.
Hình ảnh người đàn ông mặc chiếc áo phông, chiếc quần Pijama giản dị cần mẫn ngồi khắc hàng trăm con dấu gỗ với đủ các mẫu mã, hình thù đã trở nên quen thuộc với nhiều người yêu nghệ thuật trong nước và nước ngoài.
Sự hồn hậu, cởi mở, thân thiện của ông khiến tiệm khắc gỗ rộng chưa đầy 15m2 lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói giữa ông và khách hàng.
Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn cho biết, để tạo ra một con dấu gỗ khắc thủ công, người nghệ nhân phải trải qua nhiều bước, đó là: chọn gỗ, mài phôi, vẽ phác họa, chạm khắc.
Bộ đồ nghề để làm dấu thủ công gồm bút, thước để kẻ, vẽ viền, dao, đục và một vài tờ giấy trắng để phác thảo ý tưởng của khách hàng.
Phôi gỗ dùng để làm dấu là gỗ thị hoặc gỗ lồng mức. 2 loại gỗ này rất thích hợp để làm con dấu vì có đặc tính nhẹ, mịn và thấm mực đều.
Theo nghệ nhân Toàn, công đoạn khó nhất của nghề là chạm khắc. Khâu này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo, sử dụng dao, đục, dũa nhỏ khắc lên các cục gỗ vô tri những họa tiết tinh xảo, có chủ đề ý nghĩa.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ngoài những họa tiết truyền thống như tranh dân gian, 12 con giáp, các loài hoa, ông Toàn luôn sáng tạo ra mẫu mã mới để khắc lên những con dấu.
Ông luôn làm và phỏng theo ý tưởng của khách hàng với những mẫu khắc mới như bác đạp xích lô, cậu bé cưỡi trâu, thổi sáo, cô thôn nữ gánh lúa hoặc hoa sen có họa tiết cầu kỳ.
Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, những con dấu gỗ với thiết kế độc lạ, ấn tượng dần được hình thành và hoàn thiện.
“Những dấu gỗ khắc nhỏ, họa tiết đơn giản chỉ mất khoảng 15-20 phút là hoàn thiện, còn những dấu gỗ kích thước lớn, họa tiết cầu kỳ hơn thì phải mất khoảng 4-5 ngày, thậm chí có sản phẩm phải mất nửa tháng hoặc cả tháng mới có thể hoàn thành", nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn cho hay.
“Máu yêu nghề” đã ăn sâu vào tâm thức của ông nên gần 70 tuổi, từ ngày này qua ngày khác, ông vẫn cứ say mê, miệt mài bên những con dấu gỗ.
Ông Toàn cho hay, ông đã dành gần trọn cuộc đời mình để nối nghiệp gia đình, bởi ông xem cái nghề này vừa là nghề, vừa là nghiệp.
Em Như Ngọc, một khách hàng cho biết, em rất thích nghệ thuật nói chung cũng như những đồ handmade. Em biết đến nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn qua nền tảng mạng xã hội nên đã rủ bạn ra chọn và khắc dấu.
“Đến đây em sẽ mua 3-4 con dấu gỗ về làm quà tặng và dùng in lên đồ vật để tạo dấu ấn của em. Các hình vẽ trên các con dấu gỗ rất tinh xảo, hấp dẫn và em rất thích”, Như Ngọc cho hay.
Theo dòng chảy của thời gian, nghề khắc dấu gỗ thủ công đang dần bị mai một, nhưng vì yêu nghề, vì say nghề nên nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn vẫn ngồi đó, cố gắng gìn giữ nghề truyền thống của gia đình cũng như tìm người nối nghiệp. Ở tuổi 68, niềm vui và động lực lớn nhất để ông gắn bó với nghề là mỗi thành phẩm do bàn tay mình chế tác được khách hàng đón nhận, nâng niu và trân trọng.
Thủy Hà/VOV.VN