Nghệ nhân thêu Hoàng Thị Khương – Những kiệt tác tạo nên từ nghị lực phi thường

Mặc dù khiếm khuyết về thân thể nhưng với nghị lực vượt khó, nghệ nhân Hoàng Thị Khương (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã tạo ra những sản phẩm tranh thêu chinh phục trọn vẹn trái tim mọi người và giúp đỡ cho nhiều người đồng cảnh có công ăn việc làm.

Nghệ nhân tranh thêu Hoàng Thị Khương.

Nghệ nhân tranh thêu Hoàng Thị Khương.

Hành trình vượt lên số phận

Làng nghề thêu truyền thống Quất Động (Hà Nội) có lịch sử từ thế kỷ thứ 17. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề thêu tay có giai đoạn đã mai một dần. Nhưng sự nổi tiếng về nét đẹp qua những bức tranh thêu vẫn được nhiều người mến mộ không quản khoảng cách về tận nơi để thưởng ngoạn.

Vượt qua những cơn gió mùa tăng cường ùa về miền Bắc chúng tôi đến làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Men theo cung đường làng phảng phất hương sen chúng tôi tìm được nhà của nghệ nhân Hoàng Thị Khương ở xóm 1, đội 5, xã Quất Động. Bước chân khập khiễng, cái lưng còng, dáng dấp cô Khương hiện ra phía xa theo lời chỉ đường của những người dân trong xã.

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà khoảng 40 m2 vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi sản xuất và sinh sống, cô Khương chầm chậm ngồi kể lại cho chúng tôi cái duyên đưa đẩy mình đến với nghệ thuật.

Cô Hoàng Thị Khương sinh năm 1966, ngay từ khi 3 tháng tuổi, cơn sốt bại liệt đã lấy đi một bên chân khiến cô không được lành lặn như các bạn cùng trang lứa. Cô kể: “Lúc còn nhỏ mỗi khi chiều xuống, ngồi bên hiên nhà cô lặng lẽ dõi theo các bạn vui đùa chạy nhảy quanh làng mà lòng tủi thân lắm”.

Thế rồi thấu hiểu những nỗi niềm trong ánh mắt xa xăm ấy của con, mẹ của cô Khương (Nghệ nhân Bùi Thị Hạnh - PV) đã động viên và hướng dẫn cô tiếp cận với nghề thêu ngay từ khi lên 8 lên 10 tuổi. Từ bên khung thêu của mẹ, những bông hoa, chiếc áo dài, hình ảnh quê hương đất nước đã theo cô và lớn dần từ đó tới nay.

Bằng nghị lực sống kiên cường, niềm say mê sáng tạo không ngừng nghỉ, cô Khương đã cho ra đời những bức tranh thêu tay đoạt giải cao, vươn tầm thế giới

Bề dày thành tích của nghệ nhân Hoàng Thị Khương.

Bề dày thành tích của nghệ nhân Hoàng Thị Khương.

Chiêm ngưỡng những tác phẩm của cô, không ai có thể ngờ rằng đó là sản phẩm thêu tay của một người khuyết tật. Ngày nhỏ không được đi đó đây, tham quan du lịch như bao người, nhiều tác phẩm của cô được hình thành qua tìm tòi sách báo và trí tưởng tượng, sáng tạo. Chính vì thế, mỗi bức tranh đều mang một hơi thở và sức sống mãnh liệt khiến người xem không thể rời mắt.

Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn

Vốn là người chịu thiệt thòi của số phận, thấu hiểu những khó khăn trước bộn bề cuộc sống, cô Khương đã quyết định mở xưởng dạy nghề miễn phí cho người bị khuyết tật và những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là cách mà cô đã lựa chọn để giữ cho ngọn lửa tâm huyết với nghề truyền thống được tiếp nối.

Cô Khương chia sẻ: “Tiếp cận nghệ thuật đối với người bình thường đã khó, học được nó lại càng khó hơn, còn với người khuyết tật những điều đó càng gian nan gấp bội phần”. Dạy nghề cho những người khiếm khuyết từng đường kim, mũi chỉ phải thật nhẹ nhàng, cẩn trọng. Nhưng hơn hết phải kiên trì, đồng hành cùng với họ. Chỉ khi nào đồng cảm trong trái tim mới hi vọng đồng điệu trong sản phẩm. Với suy nghĩ và cách làm ấy tính đến nay, cô đã dạy nghề cho gần 500 người trong thôn và trẻ em, người khuyết tật ở các nơi như Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…

Những danh hiệu cao quý của nghệ nhân Hoàng Thị Khương.

Những danh hiệu cao quý của nghệ nhân Hoàng Thị Khương.

Ghi nhận những hoạt động cống hiến cho xã hội và lưu giữ giá trị truyền thống của cha ông, năm 2015 cô Khương đã vinh dự được Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân, năm 2017 được Chủ Tịch UBND Thành phố trao tặng danh hiệu “ Người tốt, việc tốt”. Năm 2022 đang hứa hẹn với cô danh hiệu mới: Nghệ nhân Ưu tú.

Những kiệt tác vô giá

Trải qua hơn 40 năm làm nghề, không chỉ đạt những giải thưởng trong nước và được công nhận là nghệ nhân quốc gia, tranh của cô Khương còn được nhiều khách quốc tế biết đến.

Dắt chúng tôi đi một vòng xưởng tranh để tham quan sản phẩm, trong đó có những bức tranh được trả giá rất cao nhưng cô Khương vẫn chưa thể “đành lòng” bán. Cô chia sẻ: “ Cuộc đời cô từ khi 3 tháng tuổi đã mang bệnh có anh chị em trong gia đình chia sẻ, chăm lo đối với cô đó là điều may mắn. Lớn lên rồi, theo nghề thêu những tác phẩm nghệ thuật do mình làm ra chính là đứa con tinh thần quý giá. Cô muốn chúng sẽ theo cô trong những tháng năm cuộc đời.”

Tác phẩm thêu Sơn thủy hữu tình của nghệ nhân Hoàng Thị Khương.

Tác phẩm thêu Sơn thủy hữu tình của nghệ nhân Hoàng Thị Khương.

Hồi tưởng lại năm 2010, triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long bức tranh “sơn thủy hữu tình” của cô được trả giá cả trăm triệu đồng. Nhưng với suy nghĩ muốn gìn giữ để minh chứng cho thế hệ tiếp nối ngọn lửa hồn dân tộc, cô quyết tâm giữ lại.

Những năm trở lại đây, dưới tác động của đại dịch Covid-19, xưởng thêu của cô Khương cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Gần 2 năm qua, nguồn tranh bán ra không nhiều. Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín và chính quyền địa phương chưa có định hướng cụ thể cho việc duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống. Hộ gia đình khó khăn đi tìm lời giải cho việc tiêu thụ. Những sản phẩm thêu tay phải làm trong thời gian cả năm trời với nhiều vốn liếng, tâm sức nhưng chưa được trân trọng. Lúc này, người nghệ nhân đầy tâm tư chỉ mong mình vẫn có thể cống hiến cho cộng đồng, mang lại niềm vui cho chính mình và trả ơn nghề bằng những việc làm có ích.

Chia tay xưởng thêu của nghệ nhân Hoàng Thị Khương với những bức tranh sống động, chúng tôi thầm cảm phục ý chí và nghị lực của người phụ nữ này. Những cống hiến của cô đã góp phần tiếp nối, gìn giữ để tôn vinh nghề thêu truyền thống của làng thêu Quất Động và hiến dâng cho đời với trái tim cao quý. Giá trị đọng lại là những tâm tình, là những tâm hồn cao đẹp được tôn vinh trong bức tranh vượt qua hoàn cảnh của những số phận.

Trung Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/nghe-nhan-theu-hoang-thi-khuong--nhung-kiet-tac-tao-nen-tu-nghi-luc-phi-thuong-i307171/