Nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ở thôn Ông Hảo

Nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ở thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) phát triển mạnh vào những năm 1960. Khi công nghiệp, dịch vụ phát triển cùng với sự cạnh tranh của nhiều loại đồ chơi hiện đại khiến đồ chơi truyền thống bị mai một. Tuy nhiên, với tình yêu, sự đam mê, gắn bó với những sản phẩm đồ chơi truyền thống, một số gia đình làm nghề ở địa phương đã duy trì và đang có những hướng đi phù hợp nhằm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.

Tạo hình thân trống đồ chơi ở hộ gia đình ông Vũ Văn Hởi, thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ)

Tạo hình thân trống đồ chơi ở hộ gia đình ông Vũ Văn Hởi, thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá (Yên Mỹ)

Xã Liêu Xá hiện nay có 12 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm đồ chơi truyền thống, với các sản phẩm đồ chơi chủ yếu như: Trống, mặt nạ giấy bồi, đầu lân, đầu sư tử, đèn ông sao. Hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm nhưng vào những ngày giáp tết Trung thu, không khí sản xuất ở thôn Ông Hảo nhộn nhịp hơn, bởi đây là mùa sản xuất chính trong năm.

Ông Vũ Văn Hởi gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống từ khi còn bé. Giờ đây tuổi đã cao nhưng ông Hởi vẫn duy trì cơ sở sản xuất trống của gia đình với gần 10 nghìn sản phẩm/năm. Từ những khúc gỗ sần sùi, qua đôi bàn tay tài hoa của ông đã dần lên khuôn, lên hình và trở thành món đồ chơi hấp dẫn đối với trẻ em qua nhiều thế hệ. Với mỗi sản phẩm, ông đều dành toàn bộ tâm trí, sức lực để nắn nót, hoàn thiện sao cho sản phẩm khi hoàn thành được ưng ý nhất cả về mẫu mã và chất lượng. Ông Hởi chia sẻ: Gắn bó với nghề từ khi còn bé nên nó như một phần máu thịt của tôi vậy. Còn sức khỏe tôi còn làm nghề. Làm trống có nhiều công đoạn và các công đoạn đều đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, nếu không yêu nghề thì khó mà gắn bó lâu dài với nghề được. Giờ đây, nhiều loại máy đã được đưa vào sản xuất đồ chơi như: Máy bào, máy cắt, máy tiện… nên công việc cũng nhẹ nhàng hơn và năng suất, chất lượng được nâng lên.

Cũng giống như ông Hởi, ông Vũ Huy Đông đã có trên 40 năm gắn bó với nghề. Để có thể cạnh tranh được với đồ chơi hiện đại có mẫu mã, tính năng đa dạng, phong phú, ông Đông không ngừng mày mò, cải tiến để các sản phẩm đồ chơi truyền thống sản xuất ra hấp dẫn hơn. Những chiếc trống được sản xuất với nhiều kích thước khác nhau, được sơn màu bóng đẹp, bắt mắt và trang trí hoa văn trên mặt trống, thân trống. Mặt nạ giấy bồi cũng có hình dáng, mẫu mã đa dạng hơn. Ngoài mặt nạ truyền thống với hình: Tôn Ngộ Không, chú Tễu, Chí Phèo, ông sản xuất mẫu mặt nạ 12 con giáp, các nhân vật hoạt hình, đồng thời thường xuyên cập nhật các thiết kế mặt nạ mới được ưa chuộng trên internet nhằm đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Ông Đông cho biết: Mỗi năm gia đình tôi sản xuất trên 20 nghìn sản phẩm đồ chơi trung thu, trong đó có trên 10 nghìn chiếc mặt nạ các loại. Làm mặt nạ giấy bồi hoàn toàn thủ công với các công đoạn chính như: Tạo khuôn, bồi thô, sơn và vẽ hoàn thiện. Để phục vụ sản xuất dịp giáp Tết Trung thu tôi thuê thêm 7- 8 lao động là người địa phương. Công đoạn hoàn thiện các sản phẩm (vẽ tạo hình khuôn mặt các nhân vật trên mặt nạ giấy bồi) là công đoạn quan trọng nhất đòi hỏi sự khéo léo và con mắt thẩm mỹ của người thợ. Người thợ giỏi sẽ vẽ ra mặt con vật tương ứng với tính cách. Ví dụ như: Vẽ hổ thì phải dữ tợn, vẽ cáo phải gian manh và vẽ thỏ phải hiền lành…

Không chỉ tập trung phát triển sản xuất, một số cơ sở sản xuất đồ chơi truyền thống ở thôn Ông Hảo đã nhạy bén khi kết hợp sản xuất với hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh, du khách. Hằng năm, đặc biệt là dịp gần đến Tết Trung thu, thôn Ông Hảo thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm. Tại đây, du khách được giới thiệu về làng nghề; tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm đồ chơi trung thu; trải nghiệm vẽ mặt nạ, làm trống... Du khách có thể tham gia vào công đoạn xoa hồ bột vào giấy rồi cho vào khuôn để tạo hình mặt nạ; tự vẽ, sáng tạo mặt nạ; gắn râu, trang trí cho đầu lân... Những người khéo tay hơn có thể học cách căng da trống, sơn màu cho tang trống…

Sự tâm huyết, say nghề của những người như ông Hởi, ông Đông không chỉ góp phần duy trì hoạt động của làng nghề vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn đưa làng nghề phát triển đi lên khi biết kết hợp giữa sản xuất với du lịch trải nghiệm. Đồng chí Nguyễn Đình Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêu Xá cho biết: Số hộ làm nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ở địa phương không còn nhiều nhưng hoạt động của làng nghề đang hồi phục và phát triển khi ngày càng có nhiều người tìm về với những nét đẹp bình dị của đồ chơi truyền thống. Những người còn giữ nghề đang ngày càng mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số thanh niên trẻ sau một thời gian lao động tại doanh nghiệp đã quay về tham gia sản xuất đồ chơi truyền thống cùng gia đình. Đây là sự tiếp nối quan trọng để làng nghề duy trì và phát triển. Một số cơ sở sản xuất chủ động kết hợp sản xuất với du lịch trải nghiệm mở ra hướng đi đầy triển vọng hứa hẹn tương lai phát triển của nghề truyền thống ở địa phương…

Mai Nhung

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nghe-san-xuat-do-choi-truyen-thong-o-thon-ong-hao-3175168.html