'Nghệ sĩ - công chức': Mâu thuẫn riêng - chung
Có một thực tế kéo dài quá nhiều thập niên qua là ở Việt Nam vẫn luôn có những công chức, thậm chí là quan chức quản lý ngành văn hóa xuất thân từ nghệ sĩ.
Thực tế này bên ngoài nghe có vẻ hợp lý bởi khó có ai hiểu đặc thù ngành nghề bằng người có chuyên môn. Nó cũng giống y như việc là Giám đốc một bệnh viện thì phải là một bác sĩ trước đã hoặc một quan chức thể thao từng là vận động viên chuyên nghiệp trước đây. Song, khi đã bước vào quản lý, chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn lợi ích chung - riêng nếu như bên cạnh công việc quản trị bộ máy, nhà quản lý ấy vẫn còn một đời sống nghệ thuật đang tồn tại song hành.
Hãy nhìn vào câu chuyện của một nhạc sĩ và một diễn viên điện ảnh mới đây dính đến lùm xùm trong chuyến đi châu Âu của mình, chúng ta sẽ càng hiểu hơn. Chỉ khi vỡ chuyện, công chúng mới được biết rằng diễn viên kia vẫn nằm trong biên chế của một đơn vị biểu diễn của nhà nước và lãnh đạo đơn vị chủ quản cho biết rằng anh đi nước ngoài mà chưa hề xin phép theo đúng thủ tục.
Trong khi đó, người nhạc sĩ cùng trong vụ bê bối ấy lại đang là giảng viên (biên chế) của Nhạc viện Hà Nội và câu hỏi được nhiều người đặt ra là “nhạc sĩ đó có hoàn thành nhiệm vụ của một giảng viên biên chế Nhạc viện Hà Nội hay không khi anh sinh sống, kiếm tiền hoàn toàn ở TP Hồ Chí Minh?”. Như vậy, chắc chắn phải có một sự “nhắm mắt làm ngơ” cho họ “có điều kiện chạy chân trong chân ngoài” như vậy và khi có biến cố, họ mới được đưa trở lại đúng quỹ đạo của một công chức.
Nhưng dù gì đi nữa, đó cũng chỉ là những công chức bình thường trong ngành văn hóa. Với những nghệ sĩ kiêm quan chức quản lý văn hóa, câu chuyện sẽ phức tạp hơn. Điều gì sẽ xảy ra với một nghệ sĩ đương thời nếu nghệ sĩ ấy được giao vị trí quyền sinh quyền sát liên quan đến lựa chọn các gói thầu văn hóa như lễ hội; các chương trình lớn của ngành hoặc địa phương? Chắc chắn sẽ có những khó khăn thực sự để con người quan chức thoát ra khỏi tâm thế con người nghệ sĩ và cầm cân nảy mực một cách công chính nhất.
Đặc biệt, trong giới nghệ thuật, giải trí, văn hóa…, nghệ sĩ vẫn thường làm việc theo nhóm (equipe) quen thuộc và ưa thích của mình. Thoát ra khỏi vùng tiện lợi ấy đã khó, dám dũng cảm gạt bỏ nhóm của mình để lựa chọn nhóm cạnh tranh khi nhận thấy nhóm cạnh tranh có ưu thế hơn còn khó khăn hơn nữa. Điển hình, gần đây giới sân khấu vẫn râm ran dị nghị việc một nghệ sĩ đương đại được bổ nhiệm vào một vị trí quản lý cấp cao trong ngành. Đa số ý kiến đều cho rằng “chắc chắn, nhiều chương trình lớn, lễ hội lớn sẽ khó thoát khỏi tay nhóm làm việc của nghệ sĩ - quan chức đó”.
Kể cả việc dám dũng cảm vượt qua dư luận để nhận phần việc ấy về cho nhóm của mình và minh chứng bằng kết quả cực tốt đi nữa, người nghệ sĩ - quan chức sẽ khó thoát khỏi một nguy cơ là tạo ra sự nhàm chán trong đời sống văn hóa đại chúng. Rõ ràng, mỗi nghệ sĩ đều có thủ pháp riêng, trường phái riêng, phong cách riêng nhưng nếu cứ chỉ khư khư một phong cách xuyên suốt từ chương trình này qua chương trình khác, tính đa dạng văn hóa đã không còn. Như vậy, điều đòi hỏi lớn nhất ở đây chính là tính minh bạch, lòng dũng cảm dám hy sinh chính lợi ích nghệ sĩ của mình để phụng sự lợi ích chung. Chỉ có điều đó mới có thể tạo ra một nghệ sĩ - quan chức chân chính và liêm chính.
Tuy nhiên, vẫn có giải pháp khác. Đó chính là giao nhiệm vụ quản lý cho những người am hiểu đặc thù ngành nghề mà không phải là nghệ sĩ hoặc là nghệ sĩ nhưng đã không còn hoạt động nghệ thuật nữa. Giải pháp này đòi hỏi sự tỉnh táo trong bổ nhiệm và nó cũng sẽ chấm dứt một thời kỳ dài nghệ sĩ không chỉ phấn đấu cho nghệ thuật mà còn phấn đấu vì sự thăng tiến trong bộ máy quản lý văn hóa, tập quán vốn dĩ đã khiến nhiều nghệ sĩ mất đi chính nghệ sĩ tính của mình.