Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải:Hơn nửa thế kỷ 'giữ lửa' quan họ

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với quan họ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Cải, nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, đã tạo dựng một 'thương hiệu' trong lòng những người yêu dân ca…

Cái duyên quan họ của bà không chỉ toát lên qua giọng hát ngọt ngào mà còn hiện diện trong giọng nói, nụ cười, ánh mắt và dáng đi... Như Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng (Hai Tráng) từng khẳng định: “Quan họ sinh ra để dành cho Thúy Cải, như bông hoa nguyên chất không cần cấy ghép”.

1. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi về thăm căn nhà của NSND Thúy Cải dưới chân núi Bất Lự (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), tôi cảm nhận được hơi ấm của mùa xuân như đã sớm về. Căn nhà nhỏ xuống cấp ngày trước đã được thay bằng một ngôi nhà khang trang, bề thế. Sau những năm sống xa quê, được trở về giữa tình làng nghĩa xóm ấm áp, bà như trẻ lại, như tìm thấy bóng dáng của cô bé Cải ngày nào lẽo đẽo theo các cô, các bác, anh, chị học hát quan họ. Trò chuyện với bà, tôi càng thấm thía ý nghĩa của câu hát: “Người Bắc Ninh vốn trọng như tình” và nhận ra quan họ không chỉ đẹp trong câu hát, lời ca mà còn ở tình người, ở cách đối nhân xử thế.

Nhiều lần về thăm Bắc Ninh và có cơ hội được gặp gỡ nhiều văn nghệ sĩ xứ Kinh Bắc, tôi nhận thấy, mỗi khi nhắc đến nghệ sĩ Thúy Cải, họ đều có chung nhận định: Bà sinh ra là để dành cho quan họ. Nhận định ấy không chỉ vì bà là người đầu tiên được phong danh hiệu NSND trong lĩnh vực dân ca quan họ mà còn bởi nét duyên thầm sâu sắc bà dành cho loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Nét duyên ấy bắt nguồn từ chính câu chuyện thời thơ ấu, khi mẹ của bà nhất quyết chọn bà theo học lớp quan họ do nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu - người sau này trở thành Trưởng đoàn đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc - tuyển chọn, thay vì để cô chị lớn tham gia. Chính sự lựa chọn ấy đã mở ra con đường đến với nghệ thuật và tạo dựng cho bà một sự nghiệp thành công. Từ cô bé yêu thích quan họ, bà đã trở thành Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh và là một trong hai nữ nghệ sĩ (cùng NSND Huyền Phin) vinh dự trở thành Đại biểu Quốc hội khóa IX.

Bà kể lại: “Vào tháng 5-1969, nghệ nhân Nguyễn Đức Siêu có ý định chọn chị Canh, chị gái tôi, vào Đội ca hát quan họ (lúc ấy chưa thành lập Đoàn) vì nhan sắc của chị có phần trội hơn. Tuy nhiên, mẹ tôi đã từ chối và kiên quyết cho tôi đi, bởi bà quan niệm rằng “nhất thanh, nhì sắc” (ngày đó tôi đen nhẻm, không trắng trẻo hay xinh đẹp như chị Canh). Thế là bước ngoặt cuộc đời tôi đã đến. Tôi là người thứ 9 được tuyển vào Đội ca hát quan họ với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu dân ca quan họ. Nhiệm vụ mới vừa vinh dự lại vừa đầy thách thức. Trước đây, tôi chỉ học mót được vài bài quan họ cơ bản, nay được học bài bản không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Chúng tôi “nhập cuộc” với bài hát “La rằng” (bài lề lối): “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà/ Hôm nay họp mặt giao hòa/ Nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên”. Lời chỉ có vậy mà tôi học gần một tháng bẻ câu vẫn chưa thành”.

2. NSND Thúy Cải không thể nhớ hết mình đã cùng các nghệ sĩ thực hiện bao nhiêu buổi biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta ở nước ngoài. Những buổi biểu diễn trong chiến trường biên giới phía Bắc, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết mong manh, vẫn in sâu trong ký ức bà. Dẫu hiểm nguy rình rập, bà chưa từng lùi bước, mà luôn hết mình say đắm trong từng câu hát, mang đến sự lạc quan và niềm tin chiến thắng cho các chiến sĩ giữa những ngày mưa bom bão đạn.

Sau này, khi biểu diễn ở nước ngoài, nghệ sĩ Thúy Cải không ngừng nỗ lực truyền tải trọn vẹn tinh hoa của dân ca quan họ đến bạn bè quốc tế. Không chỉ qua lời ca, bà còn khéo léo giới thiệu qua trang phục và cách giao tiếp chân tình. Từ sự lạ lẫm ban đầu, khán giả quốc tế dần bị cuốn hút bởi nét độc đáo của dân ca quan họ. Họ ấn tượng mạnh khi nhìn thấy tà áo mớ ba, mớ bảy và chiếc khăn chít mỏ quạ, để rồi bất ngờ thốt lên những lời tán thưởng: “Phụ nữ Việt Nam thật tuyệt vời!”.

Trong ký ức của nghệ sĩ Quý Thăng, một người cùng thế hệ với nghệ sĩ Thúy Cải, bà luôn là người hết lòng vì mọi người và đồng nghiệp, đặc biệt trong thời gian đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh. Ông chia sẻ: “Thúy Cải chẳng bao giờ so đo thiệt hơn, luôn thương yêu anh em nghệ sĩ trong Nhà hát và nhận được sự kính trọng, nể phục từ mọi người. Bà luôn tạo điều kiện, giúp đỡ để anh em nghệ sĩ có thêm cơ hội biểu diễn, cải thiện thu nhập”. Nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng khẳng định: “Thúy Cải là nghệ sĩ hiếm có của quan họ. Bà lúc nào cũng nhẹ nhàng, tình cảm và gần như không làm mất lòng ai. Niềm vinh hạnh lớn nhất mà Thúy Cải có được chính là sự mặc định trong tâm trí mọi người, hễ nhắc đến dân ca quan họ, người ta nhớ ngay đến bà”.

3. Như con tằm rút ruột nhả tơ, NSND Thúy Cải vẫn ngày ngày miệt mài với tâm huyết vun trồng những “mầm non quan họ”. Bà tận tình hướng dẫn không chỉ các em nhỏ mà cả các bà, các chị lớn tuổi trong làng, trong xã, đồng thời tham gia giảng dạy tại các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Với bà, niềm hạnh phúc lớn nhất là truyền cảm hứng và động viên con gái cả nối nghiệp âm nhạc. Nhạc sĩ Ngọc Lương, con gái nghệ sĩ Thúy Cải, hiện là một trong những hội viên trẻ nhất của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh. Chị giữ vai trò Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh và được coi là gương mặt tiêu biểu của âm nhạc Bắc Ninh. Ngọc Lương còn sáng tác nhiều ca khúc mang đậm âm hưởng quan họ, được công chúng yêu mến như “Về Kinh Bắc”, “Người ơi thương nhớ”, “Trẩy hội xuân”… Những tác phẩm ấy không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà còn góp phần lan tỏa vẻ đẹp của dân ca quan họ đến với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mùa xuân là mùa của lễ hội, của những hội làng, nơi câu quan họ ngân vang khắp các nẻo đường quê hương Bắc Bộ, đặc biệt là trên mảnh đất Kinh Bắc. Hồi tưởng về những mùa xuân xưa, NSND Thúy Cải chia sẻ: “Khi còn đương chức, mùa xuân là thời gian tôi bận rộn nhất. Một ngày phải đi diễn ở nhiều nơi, mà ngày ấy đâu có phương tiện hiện đại như bây giờ. Thương vợ vất vả, chồng tôi thường đạp xe chở tôi đi diễn. Ông ấy không chỉ là người đồng hành cùng tôi trên những chuyến đi mà còn gắn bó với tôi từ sân khấu đến mâm cơm gia đình. Công việc của ông ấy - phụ trách âm thanh, ánh sáng tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh - thầm lặng như chính con người ông ấy vậy”.

Bao mùa xuân đã qua, xuân này, nghệ sĩ Thúy Cải bước vào tuổi 72. Bắt đầu theo thầy học quan họ từ khi mới 16 tuổi, đến nay bà đã gắn bó hơn nửa thế kỷ với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Quan họ đã trở thành dòng chảy xuyên suốt trong cuộc đời bà, đồng hành cùng bà qua mọi niềm vui, nỗi buồn và dẫn lối bà đến vinh quang. Với nghệ sĩ Thúy Cải, quan họ không chỉ là nghề mà còn là một phần không thể thiếu trong tâm hồn, như người bạn tri kỷ, “liều thuốc tinh thần” giúp bà vượt qua nỗi lo về thời gian và tuổi tác. Những câu quan họ đã và sẽ tiếp tục là nguồn động lực để bà sống trọn vẹn với đam mê, giữ lửa tình yêu nghệ thuật và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

NSND Thúy Cải sinh năm 1953 tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bà nguyên là Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và là một trong hai nghệ sĩ được phong danh hiệu NSND trong lĩnh vực dân ca quan họ (nghệ sĩ còn lại là NSND Thúy Hường). Bà đã thể hiện rất nhiều bài hát quan họ làm say đắm lòng người như “Xe chỉ luồn kim”, “Vào chùa”, “Đêm qua giã bạn”, “Ngồi tựa sông đào”…

Bảo Nam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghe-si-nhan-dan-thuy-cai-hon-nua-the-ky-giu-lua-quan-ho-692720.html