Để sản phẩm làng nghề ngày một vươn xa
Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc, đặc biệt là các làng nghề và nghề truyền thống. Nhiều năm qua, từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời, vượt qua thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Khẳng định được vị thế
Tiêu biểu là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm cách đây hơn 500 năm, các nghệ nhân gốm với bề dày kinh nghiệm, sự sáng tạo đã khôi phục các mẫu gốm từ thời xa xưa như thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc…
![Công đoạn dệt lụa ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Việt Long](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_592_51435961/574005153e5bd7058e4a.jpg)
Công đoạn dệt lụa ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Việt Long
Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác đã mang đến sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, là nơi giao thoa nghề gốm truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Những sản phẩm gốm sứ không chỉ tinh tế về hình thức, mà còn đa dạng về mẫu mã, từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đã có 4 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao cấp Quốc gia của công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh. Đó là Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen.
Làng nghề Bát Tràng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó, có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Việc Bát Tràng có nhiều sản phẩm OCOP cũng góp phần giúp làng nghề có thêm doanh thu từ hoạt động du lịch. Từ nhiều năm nay, cùng với phát triển sản xuất, Bát Tràng đã trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, bình quân mỗi năm đón khoảng 2.000 đoàn với hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan.
Với khát vọng của Thủ đô trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP. Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa; đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Mới đây, các làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội gia nhập mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới mang lại nhiều giá trị, lợi ích quan trọng. Theo đó, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu và sản phẩm giúp các làng nghề thủ công của Hà Nội được quảng bá chính thống rộng rãi sâu rộng đến với công chúng tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Bên cạnh sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, sản phẩm lụa Vạn Phúc lâu nay là niềm tự hào của người dân Hà Nội, bởi đây chính là biểu tượng của sự thanh lịch và tinh tế. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từ bao đời nay, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc, mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã và đang trở thành điểm du lịch, tham quan nổi tiếng của Thủ đô để du khách khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của cha ông ta.
Có thể nói, ngày nay, các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Các sản phẩm của làng nghề Hà Nội đa dạng nhiều chủng loại, mà còn là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa đặc sắc, đặc biệt là các làng nghề và nghề truyền thống. Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời, vượt qua thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Với sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại, các làng nghề Hà Nội đang dần khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Việc nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn gìn giữ những nét tinh hoa vốn có đang được các làng nghề Hà Nội duy trì và phát triển.
Tháo gỡ những "điểm nghẽn"
Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Nguyễn Văn Chí: Thủ đô Hà Nội, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 337 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND Thành phố công nhận. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, các làng nghề của Hà Nội vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có, không nơi nào sánh được. Và ngày nay, các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.
![Công đoạn dệt lụa ở làng Vạn Phúc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_592_51435961/f1e5a7b09cfe75a02cef.jpg)
Công đoạn dệt lụa ở làng Vạn Phúc
Các sản phẩm của làng nghề Hà Nội đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đã được bày bán trong đại siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Các sản phẩm làng nghề của Hà Nội đã được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước trong khối liên minh châu Âu như Italy, Đức, Thụy Điển... gồm các sản phẩm như: may mặc, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren, mây tre đan, sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ...
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề Hà Nội, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với kỳ vọng sau khi Đề án được phê duyệt và triển khai, sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong bảo tồn, phát triển làng nghề hiện nay. Đây cũng là tiền đề để các làng nghề Hà Nội tham gia mạng lưới làng nghề thủ công sáng tạo thế giới bền vững, hiệu quả và hội nhập phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)