Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đức: 'Yêu nghề thì phải cố gắng cống hiến'

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Đức ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả qua các vai phản diện trong các phim truyền hình như 'Giọt nước rơi', 'Đầm lầy bạc', 'Chạy án', 'Biệt dược đen'...

Ông đã có 35 năm làm việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội và gặt hái hàng loạt huy chương vàng tại các hội diễn sân khấu.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đức.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Đức.

- Tháng 3 vừa qua, ông đã vinh dự được trao tặng danh hiệu NSND. Gần 70 tuổi và đã có khoảng nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp diễn, cảm xúc của ông như thế nào khi nhận danh hiệu cao quý này?

- Tôi vẫn nghĩ rằng đây là danh hiệu quý giá và thật may mắn, danh hiệu ấy đã đến với tôi. Tôi biết ơn nghề đã cho tôi được sống trọn đam mê, cống hiến và được sự ghi nhận của công chúng và nhà nước.

- Nhớ lại thuở mới vào nghề, khi còn là một chàng thanh niên trẻ tuổi bước vào sân khấu kịch trong hoàn cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, trên hành trình đó chắc chắn ông cũng đã gặp nhiều gian truân vất vả?

- Đúng như vậy, thực sự vất vả. Trong chiến tranh, bom đạn và nhiều gian nan như thế, chúng tôi vẫn học hành và lao động, rất may mắn sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận về Nhà hát Kịch Hà Nội.

Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là ngày đầu tiên đi làm, tôi được một chị phục trang đưa cho tôi một cái bàn chải và hộp xi, bảo đánh giày cho diễn viên. Tôi rất bất ngờ nhưng sau đó vẫn vui vẻ làm. Tôi đánh giày, là quần áo cho diễn viên và đến giờ diễn thì đứng nép ở cánh gà xem các anh chị diễn, xem không khí sân khấu như thế nào.

Sau đó, một lần đi Hải Phòng, cũng trong vai trò phụ giúp nghệ sĩ chuẩn bị phục trang, giày dép (cười), tôi đã may mắn được trưởng đoàn giao cho một vai diễn phụ, vì diễn viên đóng vai này có việc nghỉ đột xuất. Tôi mừng quá, thức cả đêm để học thoại và đó là vai diễn đầu tiên trong đời làm nghệ thuật của tôi.

- Ông từng chia sẻ về vai diễn trong vở "Hẹn ngày trở lại” bản dựng năm 1984, có lẽ vở diễn ấy đã để lại những dấu ấn khó quên trong ông?

- Đó là vở diễn đầu tiên tôi được làm việc với một tác giả nổi tiếng - cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Anh Lưu Quang Vũ là một người đầy nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật, anh luôn lắng nghe và sẵn sàng sửa kịch bản sao cho hợp lý nhất. Có lúc anh sửa luôn tại chỗ, không bao giờ phật ý trước những trao đổi thẳng thắn. Chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp với anh Lưu Quang Vũ từ những câu chuyện như thế. Vở diễn “Hẹn ngày trở về” năm ấy thành công rực rỡ.

Tôi còn nhớ anh Lưu Quang Vũ bàn với tôi thế này: “Mở màn vở diễn, em đọc một bài thơ của anh trong tiếng nhạc nhé, sẽ hay hơn nhiều” và tôi làm thế, quả nhiên hay vô cùng.

- Với kịch nói, ông đã dành nhiều huy chương vàng trong các hội diễn sân khấu và có lẽ ấn tượng hơn cả là Huy chương vàng cho vai diễn Tám Tính trong vở “Ăn mày dĩ vàng” của nhà văn Chu Lai năm 1998. Ông có thể chia sẻ về sự thành công của vai diễn này?

- Đây là vai diễn để đời và một vở diễn đáng nhớ của tôi. Tuy vai diễn chỉ xuất hiện hai lần và mỗi lần chỉ độ dăm phút, nhưng hết sức thú vị. Tôi quan niệm thế này, không có vai diễn nhỏ, chỉ có diễn viên nhỏ thôi. Vai diễn nào cũng đáng để suy nghĩ và người diễn viên phải hóa thân thật hoàn hảo, như vậy mới có thể thành công.

Với vai diễn Tám Tính, tôi suy nghĩ rất nhiều về nhân vật và phải làm sao lột tả hết được tâm lý của nhân vật - một người lính biệt động Nam Bộ trở về quê sau chiến tranh. Tôi đã hóa thân vào nhân vật với những diễn biến tâm lý phức tạp, làm sao để nhân vật bộc lộ hết mọi suy nghĩ, cảm xúc... Và tôi đã có những sáng tạo nhất định để làm tròn vai diễn của mình.

- Với một "gia tài" vai diễn rất lớn, NSND Trần Đức thấy mình đóng nhân vật nào là khó nhất?

- Tôi làm rất nhiều dạng vai khác nhau nhưng tôi vẫn sợ những vở cổ điển, ví dụ như trong vở “Hamlet”, tôi vào vai ông chú dượng của Hamlet và phải nói hàng trăm trang giấy (cười), sợ lắm. Quả thực, đó là vai diễn thực sự khó đối với tôi và có lẽ nhiều nghệ sĩ khác cũng cảm nhận như thế.

Nhân vật quá hay, lời thoại độc đáo và diễn biến tâm lý của nhân vật rất khó diễn, nếu như nghệ sĩ mà không yêu, không say thì không thể làm tròn vai được.

- Sân khấu kịch cũng có những khó khăn, ông làm thế nào để giữ lửa với nghề và nuôi dưỡng đam mê sân khấu?

- Đã gọi là đam mê thì phải tìm mọi cách để đạt được và thỏa mãn với đam mê ấy. Tôi đã phải làm nhiều nghề như làm kính, gương, lắp cửa sổ... để có tiền nuôi con và để được đến với từng vai diễn trong muôn nỗi nhọc nhằn ấy. Tôi rất yêu nghề nên làm gì thì làm, tôi vẫn luôn tập luyện, đọc sách, trau dồi kiến thức và nắn nót từng vai diễn.

- Nhiều năm nay, NSND còn đóng nhiều phim truyền hình và toàn đóng những vai phản diện, mặc dù bề ngoài ông rất hiền lành, lịch thiệp. Ông chia sẻ thêm về những vai diễn ấy?

- Thực ra tôi không được chọn nhân vật để đóng, đạo diễn chọn mình vào vai nào thì mình đóng nhân vật đó. Tuy nhiên, tôi khá hài lòng với những vai diễn này bởi nó làm cho tôi được sống với nhiều thân phận. Yêu nghề thì cố gắng cống hiến những vai diễn tốt nhất, tôi nghĩ đó là những gì tôi có thể làm.

- Trân trọng cảm ơn NSND Trần Đức và chúc ông luôn tỏa sáng.

Vân Khánh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nghe-si-nhan-dan-tran-duc-yeu-nghe-thi-phai-co-gang-cong-hien-673782.html