Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc: Phóng viên công trường tuổi 83 vẫn sung sức

Nếu có cuộc thi về người sở hữu nhiều bức ảnh về công trình xây dựng nhất thì chắc chắn vị trí top đầu phải có Nguyễn Tất Lộc - một lão nghệ sĩ năm nay đã ở tuổi 83. Nghề ảnh luôn yêu cầu mỗi nghệ sĩ ngoài đam mê phải có sức khỏe thật tốt, nhất là với 'phóng viên công trường' như ông.

Sở hữu hàng nghìn bức ảnh có giá trị về các công trình trên mọi miền đất nước, nhiều người thắc mắc tại sao một người “có tuổi” như Nguyễn Tất Lộc lại cứ thích đi, đi và chụp. Tôi đã đem theo những trăn trở ấy đến gặp ông trong những ngày cuối đông 2020. Lão nghệ sĩ già với dáng cao, gầy, bước đi nhanh nhẹn, hoạt bát tiếp tôi trong căn nhà bình dị, sâu tít trong ngõ nhỏ ở phố Minh Khai (Hà Nội). Không nôn nóng trả lời trực tiếp những câu hỏi của tôi, trong suốt nhiều giờ nói chuyện ông say sưa kể về chuyến đi tác nghiệp ở nhiều công trường xây dựng thủy điện, nhiệt điện, dầu khí... ở nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi đi lại hết sức khó khăn. Qua những câu chuyện ấy, tôi đã phần nào cảm nhận được tình yêu lớn lao của ông với nghề, với những cán bộ ngành xây dựng đang ngày đêm thi công để kịp tiến độ, bất chấp sự hiểm nguy của thiên tai luôn rình rập.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc (ôm hoa) tại triển lãm cá nhân của mình.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tất Lộc (ôm hoa) tại triển lãm cá nhân của mình.

Nguyễn Tất Lộc quan niệm rằng, để diễn tả được sự vất vả, gian lao của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên thì chỉ bằng câu chữ thôi là chưa đủ; cần có những tấm ảnh đi kèm bài viết, vừa góp phần diễn tả sự thật vừa làm cho bài viết sinh động, mang hơi thở sự kiện đó. Với ông, được chứng kiến công việc của những người lao động trên công trường, chứng kiến giọt mồ hôi, công sức của những người thợ đổ xuống để xây nên những công trình lớn cho đất nước, ông thấy thương họ và mong muốn làm được điều gì đó cho họ. Ông khát khao đi đến những công trình đang xây dựng để chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của đất nước mình. Ông muốn có những bức ảnh độc, lạ bởi nó rất có giá trị với bạn đọc, với cơ quan báo bởi địa bàn tác nghiệp của ông không nhiều phóng viên có thể đặt chân đến được.

Khắp các công trường, đâu đâu cũng có dấu chân của Nguyễn Tất Lộc, vậy ông đã rèn luyện sức khỏe thế nào? Đó có lẽ cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Thật vui, khi ông chia sẻ: “Có nhiều hôm đang mệt, sốt nhưng khi được mời tôi vẫn hăng hái đi, đến nửa đường là khỏi ốm”. Và ông nói tiếp: “Đi công trường là đồng nghĩa với việc ăn, ở trong điều kiện thiếu thốn, nhưng anh em người ta ở được thì mình có sá gì? Trong quá trình tác nghiệp, những lúc trái gió trở trời, mưa nắng thất thường ốm là điều dễ xảy ra, thậm chí trượt chân ngã là chuyện bình thường nhưng lòng đam mê và quyết tâm khiến tôi vững tin rong ruổi trên hành trình ấy. Nhiều người khuyên tôi nên dừng lại vì tuổi đã cao nhưng đó là cuộc sống, là đam mê của tôi thì dừng lại thế nào. Muốn thực hiện được nó tôi phải rèn luyện sức khỏe ghê lắm. Phải tập thể dục thường xuyên, phải ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, phải lạc quan trong tư tưởng, tâm hồn...Thế nên, ở tuổi 83 tôi thấy mình vẫn còn sung sức lắm”.

Như đợt Covid này không được đi, ông bảo mình bị “cuồng chân”. Ngồi nhà có thời gian rảnh rỗi, ông mở lại những bức ảnh và bài viết của mình rồi một ý nghĩ nảy trong đầu là biên tập và in thành cuốn sách dày 300 trang (sẽ xuất bản tới đây). Ông bảo cuốn sách không bán và coi như làm một việc gì đó để trả “món nợ trần gian” trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bởi đó là từng ấy thời gian ông đã được những nhà đầu tư, nhà thầu cùng nhiều nhà quản lý gọi đi, mời đến rất nhiều dự án và nhiều công trình thi công trên toàn quốc. “Có rất ít người được tận mắt chứng kiến quá trình nâng, kích, vận chuyển những khối thép khổng lồ, cồng kềnh của tổ máy có sức nặng cả nghìn tấn trong điều kiện chật hẹp dưới lòng núi thiếu không khí, thiếu ánh sáng và đầy nguy hiểm ở công trình thủy điện Hòa Bình, Yaly, Sê San 3, Nậm Chiến, Huội Quảng, Sơn La, Lai Châu... Dù bằng biện pháp nào, phương tiện hiện đại đến đâu thì cũng cần có sức lực và trí tuệ cùng lòng dũng cảm của hàng ngàn người lao động để có thể đưa được các thiết bị khổng lồ ấy vào đúng vị trí của các tổ máy...”, NSNA Nguyễn Tất Lộc xúc động chia sẻ.

Giới chuyên môn đánh giá Nguyễn Tất Lộc là một nghệ sĩ, một nhà báo cần mẫn, tận tâm với công việc. Ông luôn chia sẻ, nhiệt tình với đồng nghiệp nhưng lại khiêm nhường, ít ồn ào và không tự tô vẽ dù ông đã có nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi uy tín

Bạch Đằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghe-si-nhiep-anh-nguyen-tat-loc-phong-vien-cong-truong-tuoi-83-van-sung-suc-n188393.html