Nghệ sĩ trẻ 'ra khơi': đam mê thôi chưa đủ!

Các họa sĩ trẻ hiện nay có điều kiện sáng tác tốt hơn, có nhiều thông tin và sự hỗ trợ để lan tỏa các thành quả sáng tác. Song làm gì để có thể bước ra thế giới rộng lớn vẫn là câu hỏi đầy trăn trở của các nghệ sĩ trẻ.

Chia sẻ nỗi niềm này, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, người có nhiều tác phẩm góp mặt trong các phiên đấu giá của các nhà đấu giá nghệ thuật nổi tiếng thế giới như Sotheby’s, Christie’s, Borobudur, Larasati, cho rằng, làm nghệ thuật dĩ nhiên trước hết phải bằng một trái tim và tâm hồn mang tinh thần dấn thân, một tình yêu với nghệ thuật.

Tuy nhiên, để không chơi vơi khi “bơi ra” quốc tế, các nghệ sĩ trẻ còn cần thêm cả sự quan sát và tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu như kiến thức đại cương, căn bản về mỹ thuật, những quan điểm về đời sống xã hội, về toàn cầu hóa trong cái nhìn hiện đại. Nghệ thuật là thế, xa vời nhưng cũng rất thực tế!

Ở góc nhìn của một giám tuyển, nhà nghiên cứu Ace Lê nhìn nhận, nghệ thuật Việt Nam đang có chỗ đứng rất độc đáo và vững chãi, các họa sĩ đang đứng trên đôi vai của những “tượng đài” mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ đương đại khi sáng tác có thể nhìn vào những thành tựu mỹ thuật, cũng như nhìn vào chiều sâu của văn hóa và lịch sử mỹ thuật như một sự kế thừa cần thiết.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng những cái tên lừng lững trong hội họa Việt Nam, từ Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… đến thời kỳ của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm…, hay giai đoạn đổi mới với Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong… Tất cả đều lấy gốc rễ sáng tạo từ truyền thống. Và mỗi người thể hiện truyền thống theo một cách riêng của mình, đó là thứ để họ nhận diện mình khi đi ra thế giới.

Vậy nên, các nghệ sĩ Việt Nam khi ra khỏi đất nước mình, phải mang được dấu ấn truyền thống của con người Việt Nam, thể hiện được tính dân tộc, nếu không sẽ bị lẫn lộn, không dễ phân biệt khi đặt trong sự so sánh quốc tế. Các bạn trẻ muốn có cái riêng, phải có tâm hồn riêng, có chính kiến, nhãn quan riêng, diễn đạt được tiếng nói cá nhân và một trong những vấn đề cốt yếu là không được sao nhãng tính dân tộc để bị lẫn trong khu vực.

Để vững bước “ra khơi”, nghệ sĩ còn cần thêm những hoạt động kết nối, giao lưu trong các cộng đồng mang tính quốc tế. Hoặc nói cách khác, làm nghệ thuật để có thể phát triển vững chắc cần phải có cộng đồng, rộng ra là hệ sinh thái nghệ thuật (giám tuyển, phòng tranh, không gian nghệ thuật và truyền thông). Chỉ khi hội đủ các yếu tố cá nhân cũng như môi trường đủ mạnh thì đó mới thực sự là hành trang tốt để mạnh mẽ vươn ra thế giới.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghe-si-tre-ra-khoi-dam-me-thoi-chua-du-post745942.html