Nghệ sĩ với cảm xúc về mùa xuân và quê hương
Hương vị xuân ngọt ngào say đắm chính là nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sĩ xứ Thanh. Trong hành trình du xuân, chúng tôi lại có dịp trò chuyện với họ về mùa xuân và quê hương.
Là họa sĩ trẻ, Phạm Khải cho rằng, đến vùng đất Pù Luông những ngày này thật đẹp, núi rừng xanh ngát, những ruộng bậc thang mùa nước lóng lánh như gương. Chẳng cần phải sáng tạo gì, chỉ cần ghi lại những hình ảnh ấy cũng đủ để thấy thiên nhiên kỳ vĩ và tươi đẹp chừng nào.
Phạm Khải khoe với tôi, trước khung hình đẹp ấy, anh đã căng toan và vẽ 3 bức tranh trong những ngày đầu xuân mà chưa kịp đặt tiêu đề cho từng bức, chỉ có một tên chung: Xuân tơ vương. Không riêng gì 3 bức tranh mới này, đặc điểm rất dễ thấy trong tranh của Phạm Khải đó là bố cục không quá khắt khe, thậm chí ở mức đơn giản. Nhưng vượt qua những thứ phức tạp để đơn giản và cách điệu đối tượng, đó cũng là một ưu thế. Có lẽ vì vậy mà người xem dễ cảm nhận, và đương nhiên là họa sĩ dễ bán tranh hơn. Bởi cái sự “nịnh mắt” người xem ở đây chính là nghệ thuật miêu tả và sử dụng ánh sáng, khiến người xem nhìn thấy được sự trong trẻo cái nắng dịu dịu của thiên nhiên và cảnh vật.
Tranh Phạm Khải thiếu hình ảnh con người trong những sinh hoạt đời thường. Dường như sự tĩnh lặng của núi rừng đã ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách cũng như xu hướng nghệ thuật của riêng anh. Nhưng tôi lại thích sự khác biệt ấy. Buồn mà đẹp, tĩnh lặng mà vẫn rất xuân.
Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Hải Anh khép lại hành trình nghệ thuật năm 2024 của anh với bức tranh “Những người thầm lặng” tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Vẽ về lính đặc công - lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Nhân dân Việt Nam với anh là thử thách nhưng nhờ chuyến đi thực tế ở Trường Sĩ quan đặc công, anh đã thêm hiểu, thêm phục các phương thức tiếp cận mục tiêu và đánh địch bất ngờ. Bức tranh vì thế mà tác động đến người thưởng thức.
Đón chào mùa xuân Ất Tỵ 2025, bớt đi những cuộc rượu tưng bừng, và quan trọng hơn là dư âm chuyến đi thiện nguyện dịp cuối năm 2024 vẫn còn rõ, chỉ trong vài ngày “rảnh hơn so với ngày đi làm”, anh đã vẽ rất nhanh 2 bức tranh “Đợi xuân” và “Góc xuân”. Anh kể lại: "Mong một cái tết thật đủ đầy với người dân tộc Mông bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Cuộc sống của bà con nơi đây còn khá vất vả. Chúng tôi đồng hành cùng Hội Kiến trúc sư Thanh Hóa chung tay hỗ trợ đồng bào đón tết với nhiều phần quà cho điểm trường mầm non và tiểu học, ủy ban xã và hơn 100 hộ dân với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng, bao gồm các thiết bị dạy học và vui chơi, thư viện, máy tính, tivi...".
Sử dụng chất liệu acrylic, nhưng người xem không thấy trong tranh của Lê Hải Anh sự thể hiện dễ dãi. Bởi, anh có sự nghiên cứu về màu sắc. Anh áp đặt cho phong cảnh đó, đối tượng đó một hòa sắc thật đẹp, có thể là một màu lam tím hay đỏ hồng, rồi từ cảm xúc đó biến chuyển thành những sắc thái nhẹ nhàng, yêu mến, đằm thắm. Những cây chuối đỏ, những hàng cau tím, một dãy núi xa hồng, ánh vàng nhẹ lóe lên trước một đám mây xa như báo hiệu một ngày mới tươi sáng. Rồi những em gái Thái, gái Mông dìu dặt xúng xính trong ánh bạc và váy hoa. “Tôi muốn một ngày mai tươi sáng hơn cho các em, cho thầy và trò... vùng cao còn khó khăn, còn thiếu thốn. Bạn hãy đến đó và nhìn vào đôi mắt họ, bạn sẽ thấy tràn đầy niềm hy vọng và vui sống...”, họa sĩ Lê Hải Anh chia sẻ.
Mùa xuân luôn là mùa của những niềm hy vọng. Vì vậy, nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam, Trưởng Ban Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, cho biết: "Đối với âm nhạc, mùa xuân thường mang đến những giai điệu vui tươi, lãng mạn, tràn đầy khát vọng cuộc sống. Đây cũng là “mùa sáng tác” của các văn nghệ sĩ".
Có hơn 10 ca khúc về mùa xuân, trong đó nổi bật là Tiếng trống trò mùa xuân, Hội xuân núi rừng, Mùa xuân tình rừng... nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam đã tạo dựng nên một không khí mùa xuân của những lễ hội, của những giai điệu đẹp. Anh kể về rất nhiều những chuyến đi, những con người anh gặp, những âm sắc của tiếng khèn, tiếng luống, tiếng chiêng... luôn là nguồn cảm hứng để con người thấy yêu đời, yêu người.
“Mùa xuân có ý nghĩa là khởi đầu cho năm mới, mùa của tươi xanh, mùa của lễ hội, mùa của tình yêu, của khát vọng, mùa của nhiều cảm xúc, nhất là đối với những người làm nghệ thuật. Chính sự chuyển mình từ cuối đông sang xuân làm bừng sáng tâm hồn ta, khiến ta có thêm nhiều khát vọng về cuộc sống này hơn. Ở thời điểm đất trời chuyển mùa, con người đón chào mùa xuân, theo nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam: “Âm nhạc không chỉ làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp vùng đất, văn hóa, con người Thanh Hóa”.
Bài “Tiếng khèn mùa xuân” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Khi đến những bản làng người Mông sinh sống, nơi rẻo cao bao quanh là núi rừng, nhạc sĩ ấn tượng với những nét thuần khiết về văn hóa, âm nhạc của đồng bào. Anh nói: “Điệu khèn Mông không khác gì lời mời gọi tôi tìm hiểu cuộc sống, thói quen và những tập tục, nét đặc sắc của họ”.
Điểm đáng nói ở ca khúc “Tiếng khèn mùa xuân” là bên cạnh cấu trúc âm nhạc lên bổng xuống trầm biểu trưng cho đồng bào dân tộc Mông, bài hát đã kết hợp với âm nhạc điện tử tạo nên sự thay đổi màu sắc hòa thanh đồng thời làm nên một sinh khí cuộc sống mới.
Mùa xuân trong suy nghĩ của nhiếp ảnh gia Xuân Tứ gần gũi như cuộc sống hằng ngày của anh. Xuân là mùa của lễ hội, vì thế trong hành trình lên rừng xuống biển của anh và gia đình từ Cửa Đặt - Am Tiên xuôi về Sầm Sơn, một số không gian, khung cảnh mùa xuân, đặc biệt là “Cho chữ mùa xuân” khiến anh không thể mở ống kính ra chụp. “Sắc màu giấy đỏ, mực tàu, ẩn trong từng nét chữ của người viết, nụ cười của người được cho chữ. Trước không gian ấy, mọi người đều dễ say mê, nói gì đến nghệ sĩ mê cái đẹp như tôi”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Tứ chia sẻ.
Kể lại với chúng tôi những mùa xuân trước đây, khi đang công tác, năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, mùa tết là mùa làm thêm dịch vụ chụp ảnh của những tay máy. Đời sống vì thế mà cũng khá hơn. Nhưng giờ đây, khi đã hơn 65 tuổi, với anh chụp ảnh không phải để làm kinh tế mà là để thỏa đam mê. Chỉ những gì đẹp mới lọt vào mắt xanh của anh.
Trục thời gian cứ xoay vần xuân, hạ, thu, đông, để mùa xuân cứ đi về, hội tụ và lan tỏa. Mỗi người có ý niệm về mùa, cảm xúc dòng thời gian khác nhau, tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được mùa xuân luôn là khởi đầu của một năm, mở ra khu vườn nghệ thuật tươi non và mơn mởn, mới lạ, quyến rũ, vừa dạt dào hương sắc.
Những người thưởng thức nghệ thuật cũng trong tâm thế mùa xuân, nhìn tác phẩm nào cũng mở lòng hơn, cảm nhận thấy sự tươi mới và háo hức hơn để rồi cũng “độ lượng” hơn với cuộc đời, với nghệ thuật.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nghe-si-voi-cam-xuc-ve-mua-xuan-va-que-huong-35404.htm