Nghệ thuật ca trù trước nguy cơ mai một

Vĩnh Phúc là 1 trong 15 tỉnh, thành trên cả nước có hoạt động thực hành ca trù, các nghệ nhân, câu lạc bộ, hiện vật liên quan đến loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, hát ca trù ở Vĩnh Phúc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền do không có lớp trẻ kế cận. Các nghệ nhân nắm rõ kỹ năng, tri thức về loại hình di sản này cũng mất dần do tuổi cao, sức yếu.

Cụ Phan Thị Duyệt hiện là nghệ nhân ưu tú duy nhất của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát ca trù, song do tuổi cao sức yếu, cụ không thể tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ về loại hình nghệ thuật này

Cụ Phan Thị Duyệt hiện là nghệ nhân ưu tú duy nhất của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát ca trù, song do tuổi cao sức yếu, cụ không thể tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ về loại hình nghệ thuật này

Loại hình nghệ thuật đặc sắc

Ca trù (còn gọi là hát cửa đình, hát nhà trò, hát cửa quyền, hát nhà tơ, hát ả đào, hát cô đầu…) là loại hình nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm và đặc biệt là hát nói. Nghệ nhân hát ca trù sử dụng 3 loại nhạc khí đặc biệt là đàn đáy, phách và trống chầu để trình diễn.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phát triển thịnh hành loại hình diễn xướng ca trù trong khoảng thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX. Trên địa bàn tỉnh có các giáo phường nổi tiếng thuộc xã Định Trung, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên; xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch...

Vào ngày Xuân, các phường hát nổi tiếng đi khắp các cửa đình trong và ngoài tỉnh để trình diễn nghệ thuật ca trù, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đặc biệt, ở giáo phường xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch còn có đền thờ nhị vị tổ nghiệp ca trù là vợ chồng Đinh Lễ và Bạch Hoa. Tuy nhiên, sau đó đền bị đốt cháy, các nhà hát, giáo phường ở Vĩnh Phúc cũng ngừng hoạt động.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ 22 văn bia có ghi nội dung về mua bán quyền hát cửa đình, cho thấy những dấu tích phát triển của ca trù tại Vĩnh Phúc trong suốt chiều dài lịch sử. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, tư tưởng, triết lý sống của người dân.

Năm 2009, hát ca trù của người Việt được ghi vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Năm 2012, hát ca trù được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Kinh (Việt).

Cần có chiến lược bảo tồn

Nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ cùng với sự du nhập của nhiều luồng văn hóa mới khiến ca trù đứng trước nguy cơ bị mai một. Để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này, năm 2009, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ Ca trù Vĩnh Phúc.

Hiện câu lạc bộ có khoảng 20 thành viên, thường xuyên tham gia các hoạt động sưu tầm, sinh hoạt và tập luyện định kỳ; tham gia các hoạt động liên hoan văn hóa-văn nghệ quần chúng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các hoạt động truyền dạy để lưu giữ di sản còn hạn chế.

Nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tháng 12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 và tháng 1/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 09 về hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, trong đó có loại hình hát ca trù.

Vĩnh Phúc có 3 nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát ca trù. Tuy nhiên, 2 trong số 3 nghệ nhân đã qua đời, hiện chỉ còn nghệ nhân Phan Thị Duyệt, sinh năm 1920 ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương.

Cụ Duyệt vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hát ca trù ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường. Cụ bắt đầu đi hát từ năm 11 tuổi, đến năm 19 tuổi, cụ đã làm chủ nhà hát ở nhiều nơi.

Đến nay, dù đã hơn 100 tuổi, nhưng cụ vẫn còn minh mẫn. Theo lời ông Lê Khánh Long, con trai cụ Duyệt, cụ vẫn còn nhớ và hát được nhiều bài ca trù. Nhiều lúc, cụ ngồi dậm phách bằng chân rồi hát theo nhịp phách. Điều đáng tiếc là cụ Duyệt tuổi đã cao, sức yếu nên không thể truyền dạy.

Đồng chí Ngô Văn Khoa, Phó trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết: "Một trong những nguyên nhân khiến di sản ca trù ngày càng bị mai một là do những nghệ nhân nắm rõ kỹ năng, tri thức về loại hình này đã cao tuổi, không còn khả năng truyền dạy.

Trong khi đó, ca trù là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống rất kén người nghe và rất ít người có thể theo học bởi những kỹ năng phức tạp. Chưa kể, giới trẻ hiện nay chủ yếu yêu thích các loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại và không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống.

Việc bảo tồn và phát huy di sản hát ca trù tại các địa phương rất khó khăn do không có người thực hành, duy trì. Hiện chỉ còn một số người ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch còn biết hát loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.

Trước nguy cơ ca trù có thể bị thất truyền, ngành Văn hóa tỉnh cần đặt ra những giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, để di sản văn hóa được trao truyền cho nhiều thế hệ và sống mãi với thời gian".

Bài, ảnh: Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/75720/nghe-thuat-ca-tru-truoc-nguy-co-mai-mot.html