Nghệ thuật rối nước: Loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, khắc họa đời sống tinh thần của người Việt phong phú, đa dạng. Qua hình tượng con rối, người Việt muốn gửi gắm những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghệ thuật múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Thời gian chính xác của môn nghệ thuật này cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ thế nhưng theo như những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý đặt tại chùa Long Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), vào năm 1121, múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua.

Buổi biểu diễn múa rối nước (Nguồn: Sưu tầm)

Buổi biểu diễn múa rối nước (Nguồn: Sưu tầm)

Như vậy, tính đến nay, nghệ thuật múa rối đã trải qua quá trình hơn 1000 năm phát triển, hoàn thiện để trở thành một loại hình sân khấu cổ truyền với những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc được kết tinh trong đời sống văn hóa của người dân Việt.

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Cái độc đáo của loại hình nghệ thuật này được thể hiện ngay từ trong tên gọi. “Múa rối nước” là lấy nước làm sân khấu biểu diễn. Mặt nước, ao hồ vừa là sân khấu, khung cảnh biểu diễn, vừa là một công cụ hỗ trợ cho con rối hoạt động dưới sự điều khiển tài ba của các nghệ nhân đứng trong buồng trò. Buồng trò rối nước chính là nhà rối hay thủy đình, thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam.

Nghệ thuật biểu diễn múa rối nước thu hút khán giả bởi cái hồn của nhân vật được thể hiện qua những con rối một cách sống động và chân thật. Điều này đạt được bởi những nghệ nhân đã dùng tâm huyết của mình để thổi hồn cho những khối gỗ vô tri trở nên sinh động và hấp dẫn. Hình thù của các con rối thường là hình tượng con người, con vật gần gũi với đời sống của con người Việt Nam như chú Tễu, con trâu, con vịt…

Hình tượng những con rối (Nguồn: Phóng viên)

Hình tượng những con rối (Nguồn: Phóng viên)

Âm nhạc trong múa rối nước có vai trò chủ đạo,thường sử dụng những điệu chèo, dân ca đồng bằng Bắc Bộ cùng những tiếng trống, tiếng tù và, tiếng pháo…Những con rối hiện lên trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo, cử động theo lời ca, tiếng hát tạo nên những tiết mục độc đáo, hấp dẫn.

Hiện nay, kho tàng rối nước Việt Nam có khoảng 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục múa rối nước hiện đại, kể về những sự tích dân gian và cuộc sống thường ngày của người dân đất Việt, từ đó phản ánh cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần, ca ngợi cẻ đẹp con người của nền văn minh lúa nước, gửi gắm những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nghệ thuật dân gian vươn tầm thế giới

Trong suốt tiến trình phát triển, từng có giai đoạn múa rối nước bị xem là loại hình mua vui, câu khách và đứng trước nguy cơ mai một. Thế nhưng, loại hình nghệ thuật này đã có bước chuyển mình ngoạn mục sau Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 1956 về việc thành lập ngành rối Việt Nam. Cho đến hiện nay, múa rối nước đã có chặng đường dài song hành cùng lịch sử dân tộc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Việt và từng bước vươn tầm ra thế giới.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, cha đẻ của mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ, là một trong những “sứ giả văn hóa” nhiều lần mang con rối “đi xuất ngoại”. Trong hơn 20 năm qua, ông miệt mài mang rối nước biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở trên thế giới như Ba Lan, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật Bản… Hay gần đây nhất, ông là người được mời đảm nhận phần trình diễn múa rối nước tại sự kiện văn hóa “Ngày Việt Nam tại Brazil” diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro từ ngày 15 đến ngày 17/11.

Ông chia sẻ cảm xúc sau những chuyến lưu diễn: “Rối nước đi đến đâu cũng đều được mọi người đón nhận vì đây là môn nghệ thuật độc đáo. Không chỉ người nước ngoài mà người Việt ở nước ngoài thích thú vô cùng vì nhiều người cũng chưa được xem múa rối nước. Họ kéo theo cả bố mẹ, vợ con, anh em và họ rất thích. Nhìn cách họ đón nhận mà vui lắm”

Múa rối nước đã trở thành niềm tự hào của quốc gia, là niềm kiêu hãnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết, múa rối nước hiện nay không chỉ cần bảo tồn mà cần phải phát triển nhiều hơn trong tương lai. Ông mong muốn nghệ thuật múa rối nói riêng và nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung sẽ được tiếp tục quảng bá sâu rộng hơn, qua đó thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Phương Linh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/nghe-thuat-roi-nuoc-loai-hinh-nghe-thuat-doc-dao-chi-co-duy-nhat-o-viet-nam-c3a89088.html