Nghệ thuật từ tre: Bí ẩn đằng sau những chú chuồn chuồn biết đậu
Nằm dưới chân chùa Tây Phương, làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre - một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo mang đậm nét tinh hoa văn hóa Việt.
Nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn làng quê
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, nổi tiếng bởi nghề thủ công mỹ nghệ, với nhiều sản phẩm độc đáo. Trong đó, đáng chú ý nhất là nghề làm chuồn chuồn tre – món quà dân dã, gắn liền với kí ức tuổi thơ của bao thế hệ.
Xuất phát từ tình yêu với cây tre, những người thợ và nghệ nhân tại Thạch Xá đã kế thừa và phát triển nghề làm chuồn chuồn tre từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sản phẩm của họ không chỉ đơn giản là các món đồ thủ công, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện sự khéo léo và sáng tạo. Mỗi sản phẩm mang trong mình một cảm giác hoài cổ và đậm chất lịch sử, là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa của địa phương.

Tre sau khi phơi khô, sẽ được cắt thành từng thanh nhỏ để làm sản phẩm gồm các bộ phận cánh, thân và mỏ.

Từng khúc tre được người thợ dùng khoan nhỏ để tạo lỗ lắp cánh cho chuồn chuồn.
Chia sẻ về nguồn gốc của chuồn chuồn tre ông Nguyễn Văn Khẩn cho biết: “Không ai nhớ rõ chuồn chuồn tre có từ bao giờ, nhưng nó xuất hiện khoảng hơn 20 năm nay, do một người thợ thủ công trong làng sáng tạo ra. Ban đầu, khi chuồn chuồn tre ra đời chỉ được biết đến như món đồ chơi ấu thơ cho trẻ con trong làng. Sau đó, nó được bán ra thị trường, thu hút du khách khi tới thăm quan chùa Tây Phương và dần lan rộng ra các điểm khác như Lăng Bác, Văn Miếu, khu phố cổ... Nhận thấy tiềm năng của chuồn chuồn tre, nhiều hộ gia đình trong làng học theo và từ đó đã phát triển thành làng nghề”.
Nghề làm chuồn chuồn tre trở thành một nghề đem lại thu nhập cho người dân. Với mỗi sản phẩm được đưa ra thị trường có giá từ 20 - 40.000 đồng, giúp giúp nhiều hộ gia đình ở làng Thạch Xá duy trì cuộc sống và gắn bó với nghề thủ công. Ông Khẩn chia sẻ thêm: “Trung bình, một ngày có thể làm từ 50 - 100 con chuồn chuồn, mang lại thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/tháng”.
Chuồn chuồn tre Thạch Xá có thiết kế đặc biệt, không cần dây treo hay đế đỡ nhưng vẫn có thể đậu cân bằng trên bất kỳ điểm tựa nhỏ nào như đầu ngón tay, cạnh bàn hay cành cây. Bí quyết nằm ở sự tính toán khéo léo trong tỉ lệ và kết cấu trọng tâm, giúp chuồn chuồn giữ được thăng bằng hoàn hảo.
Tỉ mỉ và công phu

Thân và cánh chuồn chuồn được xử lý qua máy mài bằng sự khéo léo của người thợ.

Chuồn chuồn mộc được xếp ngay ngắn trước khi qua bước sơn màu.
Những con chuồn chuồn tre có vẻ đơn giản nhưng để làm được một sản phẩm chỉn chu thì các nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian và phải trải qua nhiều công đoạn.
Đầu tiên là lựa chọn nguyên vật liệu. Vật liệu để tạo nên những chú chuồn chuồn là những cây tre rừng, đó phải là loại tre bánh tẻ, không quá non cũng không quá già để đảm bảo độ dẻo dai khi tạo hình sản phẩm. Từ những cây tre tươi, người thợ cạo sạch lớp vỏ xanh và mang đi phơi nhằm tạo độ bền, tránh ẩm mốc và mối mọt. Ông Khẩn đã gắn bó với nghề được gần 20 năm chia sẻ: “Làm chuồn chuồn tre không khó nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, nhẹ nhàng, tinh tế và đặc biệt là phải có sự đam mê, tâm huyết với nghề mới có thể làm được. Bởi để cho ra đời một con chuồn chuồn tre phải trải qua rất nhiều công đoạn”.
Công đoạn khó nhất là lắp cánh cho chuồn chuồn, ở khâu này, người thợ phải thật khéo léo làm sao để tạo lực đối xứng cân bằng từ các bộ phận cấu thành như: Thân, cánh … Tất cả phải được làm một cách tỉ mỉ, cắt theo tỉ lệ riêng. Cũng theo ông Khẩn, để chuồn chuồn có thể giữ được thăng bằng thì hai cánh của nó phải được thiết kế đổ dồn về phía trước, trọng tâm sẽ được cân bằng ở phần mũi của chuồn chuồn. Đây cũng chính là nguyên lý để chuồn chuồn có thể đậu trên bất cứ điểm tựa nào mà không cần động cơ nào cả”.

Một khâu cũng quan trọng không kém đó là tạo hồn cho sản phẩm. Sau khi hoàn thành sản phẩm ở dạng thô, những người thợ mới sơn màu cho chúng. Để tạo được ấn tượng, những con chuồn chuồn được sơn và trang trí rất nhiều hoa văn, họa tiết khác nhau.

Ngoài chuồn chuồn tre với đủ màu sắc, làng Thạch Xá còn tạo nên đa dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
Từ khâu chọn nguyên liệu tre, xử lý chi tiết trên từng bộ phận của con chuồn chuồn nhưng công đoạn khó nhất là lắp ráp tạo ra sản phẩm, đòi hỏi người thợ phải tính toán tỉ mỉ, khéo léo và có kinh nghiệm. Mỗi họa tiết được thể hiện đều do những người thợ sáng tạo ra, do đó chuồn chuồn tre Thạch Xá luôn mang nét đẹp và sự thu hút riêng.
Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm khi làm nghề trong hơn 20 năm qua, những sản phẩm chuồn chuồn tre làng Thạch Xá đã tạo nên thương hiệu đối với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, họ không chỉ nhận được các đơn đặt hàng lớn trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước lớn. Đây có thể xem là hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Tái (chủ cơ sở cung cấp chuồn chuồn tre Tái Tân) chia sẻ: “Mỗi tháng gia đình tôi tạo ra khoảng hơn 1000 con chuồn chuồn. Ngoài cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước chúng tôi còn làm theo đơn đặt trước để xuất khẩu sang các nước như Anh, Pháp, Mỹ... Điều này, đã giúp thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm của địa phương, nâng cao thu nhập, đồng thời tạo động lực cho các hộ gia đình khác tiếp tục gắn bó với nghề hơn.”

Người thợ cần khéo léo để sơn, nếu không sẽ bị loang màu. Chất liệu sơn cũng sẽ giúp cho sản phẩm vừa bền, vừa đẹp.

Những sản phẩm đã được hoàn thành.
Bên cạnh việc sản xuất, hộ gia đình ông Tái cũng đón nhiều du khách tới trải nghiệm thực tế các công đoạn tạo ra sản phẩm. Du khách sẽ được thực hành lắp ráp chuồn chuồn, tô màu và trang trí cho theo sở thích. Nhiều bạn trẻ khi tới đây đã phát huy lợi thế về công nghệ thông tin để tích cực quảng bá, truyền thông sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Các fanpage trên mạng xã hội về chuồn chuồn tre luôn thu hút lượng tương tác, theo dõi nhất định từ cộng đồng. Nhờ vậy, chuồn chuồn tre không chỉ được biết đến rộng rãi hơn mà còn giúp bảo tồn nghề truyền thống Thạch Xá không bị mai một.
Ngày nay, đứng trước tốc độ đô thị hóa, chuồn chuồn tre dần nép vế so với các món đồ hiện đại khác. Dù vậy, các nghệ nhân Thạch Xá vẫn luôn không ngừng đổi mới để thích ứng với thị trường. Các nghệ nhân sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới như bướm, chim công, rùa... Tuy nhiên, để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng hơn của khách hàng, các nghệ nhân cần ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Thiết kế mẫu mã bằng công nghệ số, cắt khắc bằng máy móc giúp sản phẩm tinh xảo hơn nhưng vẫn giữ được tinh thần thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, làng nghề cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong khâu bán hàng, mở rộng thị trường trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tik Tok... để sản phẩm được tiêu thụ nhanh chóng.