Nghệ thuật tuồng và dân ca kịch: Khát vọng giữ nghề
Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022 khép lại cuối tháng 5 vừa qua tại tỉnh Nghệ An để lại những dấu ấn về khát vọng gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông từ nhiều lớp nghệ sĩ tâm huyết. Trước những hình thức giải trí hiện đại, nghệ thuật tuồng và dân ca kịch đang đối mặt với nhiều thách thức, cần được quan tâm, đầu tư để duy trì và phát triển.
Nỗ lực ở các địa phương
Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc là ngày hội nghề nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức. Với gần 600 nghệ sĩ, diễn viên và thành phần sáng tạo từ 11 đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp của cả nước tham gia 16 vở diễn, liên hoan lần này cho thấy diện mạo của nghệ thuật tuồng, dân ca kịch hiện nay và nỗ lực hoạt động của các địa phương.
Nhà hát Tuồng Việt Nam - đơn vị hàng đầu nghệ thuật tuồng phía Bắc, đem đến 2 tác phẩm “Truyện ngoài chính sử - Làm vua” và “Tam Khúc Chúa”. Hai tác phẩm đều về đề tài lịch sử, khi công diễn tại Hà Nội đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, vở diễn “Truyện ngoài chính sử - Làm vua” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, tác giả chuyển thể Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Hoài Huệ đã đoạt giải A, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2021, thu hút được đối tượng khán giả trẻ, các em học sinh bởi cốt truyện mềm mại, cách dàn dựng mới, mang hơi thở đương đại.
Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật hát bội thành phố Hồ Chí Minh góp mặt với vở tuồng “Chiếc áo thiên nga” về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Vở diễn không đi sâu vào những vấn đề chính trị, thuật trị nước mà tập trung làm nổi bật tâm lý các nhân vật, với phong cách dàn dựng mới mẻ, nhằm hướng đến tiếp cận khán giả trẻ.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định mang đến vở ca kịch bài chòi “Cô thần” và vở tuồng “Vua thánh triều Lê”. Trong đó, vở “Cô thần” được đơn vị dàn dựng nâng cao về mặt thủ pháp, tiết tấu, hấp dẫn người xem. Đơn vị chủ nhà - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cũng tạo dấu ấn với 2 vở dân ca kịch đều về đề tài hiện đại là “Vầng sáng” và “Cánh cò trong bão”. Với sự tham gia của các nghệ sĩ kỳ cựu: Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu, Nghệ sĩ nhân dân Minh Tuệ, Nghệ sĩ ưu tú Hồng Dương…, “Cánh cò trong bão” (tác giả Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng) đã khắc họa thành công hình ảnh những con người mới đầy bản lĩnh, nghị lực, vượt qua bão giông để đi đến thành công qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống.
Ngoài ra, liên hoan quy tụ nhiều vở tuồng, dân ca kịch với đề tài phong phú, như: “Hoàng đế Lê Đại Hành” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa), “Ngược sóng” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng), “Đi qua ngày giông bão” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh)...
Trăn trở giữ nghề
Dù diễn ra tại tỉnh Nghệ An, nhưng Ban Tổ chức đã phát trực tuyến liên hoan trên kênh YouTube, Facebook Nghệ thuật biểu diễn cùng nhiều kênh trực tuyến khác, nên khán giả yêu nghệ thuật truyền thống và giới hoạt động nghề nghiệp cả nước đều có thể theo dõi. Khán giả Phạm Thị Hương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Các vở diễn giữ được cái hay, cái đẹp của tuồng, dân ca nhưng đề cập đến vấn đề hôm nay hoặc mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, nên rất lôi cuốn”.
Ở góc độ chuyên môn, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật liên hoan cho rằng, tuồng và dân ca kịch đang có lực lượng nghệ sĩ tài năng, từng trải và điêu luyện trong nghề. Trong đó, lớp diễn viên trẻ tài năng có ngoại hình, hát tốt, diễn giỏi đã sẵn sàng kế cận. Các tác phẩm không chỉ bảo tồn nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có của dân gian, mà còn có sáng tạo để vẻ đẹp ấy tỏa sáng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng hiện nay.
Song, thách thức với nghệ thuật tuồng và dân ca kịch vẫn còn đó. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cho biết, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sân khấu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm đã xoay hướng hoạt động bằng cách tổ chức biểu diễn trực tuyến hoặc qua kênh truyền hình. Khi cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", đơn vị tiếp tục đưa nghệ thuật truyền thống đến vùng sâu, vùng xa để nhân dân hưởng thụ, hoặc diễn tại những địa điểm du lịch để quảng bá. Tuy nhiên, ngày càng hiếm người say mê nghệ thuật truyền thống. Việc tuyển người có năng khiếu đã khó, giữ người tài ở lại càng khó hơn. Nghệ sĩ trẻ Tuấn Hiệp (Nhà hát Tuồng Việt Nam) tâm sự, đã có những lúc tưởng như không thể theo nghề, nhưng khi đến nhà hát, thấy các thế hệ nghệ sĩ tên tuổi vẫn tận tâm truyền lửa, chỉ bảo từng câu hát, từng động tác cho mình thì tình yêu nghề trong anh lại bùng cháy. Còn theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn, để giữ được nghệ thuật truyền thống, giữ được lớp nghệ sĩ kế tục thì phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ tốt với nghệ sĩ, diễn viên.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận những nỗ lực, cống hiến, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, sự quan tâm thỏa đáng của các đơn vị nghệ thuật tuồng và dân ca kịch trên cả nước để duy trì và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Qua đây, Bộ đã đánh giá được thực trạng của nghệ thuật tuồng và dân ca kịch, từ đó sẽ có giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng tài năng, bảo vệ người làm nghề…