Nghe tiếng ngàn xưa vọng về (*): Cố đô Lam Kinh hiển hiện trong lòng đất
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, các kiến trúc điện, miếu ở Lam Kinh đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng từ nền móng cũ qua nhiều lần khai quật, một cố đô Lam Kinh kỳ vĩ dưới triều Lê gần 600 năm trước đang dần hiện hữu
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được biết đến là vùng đất thiêng, quê hương của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi - nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (mùa Xuân Mậu Tuất năm 1418) đã đi vào sử sách.
Sự hoành tráng của kiến trúc
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết di tích Lam Kinh đã được các nhà nghiên cứu người Pháp và Việt Nam tiến hành khảo sát và khai quật khảo cổ học. Đặc biệt từ năm 1996 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tiến hành nhiều đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học. Công việc nghiên cứu được thực hiện một cách thận trọng với các bước điều tra, khảo sát, thám sát và khai quật trên diện rộng.
Qua tài liệu khai quật cho thấy, mặt bằng tổng thể của di tích Lam Kinh đã được phác dựng khá đầy đủ, với nhiều đơn nguyên kiến trúc bao gồm tòa Chính Điện, các tòa Thái Miếu, các điện thờ ở Tây Thất, tòa Tả Vu và Hữu Vu, sân rồng, các công trình kiến trúc hình chữ Công, chữ nhật ở khu Đông Trù.... và hệ thủy Lam Kinh bao gồm đập nước cổ, hồ Như Áng, kênh dẫn nước, hồ Tây và sông Ngọc.
Đặc biệt, qua diễn biến địa tầng các khu vực thám sát và khai quật, đã biết đến quá trình tồn tại của Lam Kinh suốt từ thế kỷ 15-18 với hai lớp kiến trúc thời Lê sơ (15-16) và Lê trung hưng (17-18) nằm kế tiếp nhau. Nằm dưới hai lớp kiến trúc là tầng văn hóa thời Trần, niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, chứa đựng các tàn tích vật chất như: đồ gốm sứ, tiền đồng, xương răng động vật, rìu bôn đá, ngói lợp kiến trúc đã phần nào phản ánh những ghi chép của sử thành văn và bia Vĩnh Lăng về vùng đất này khi tổ tiên của Lê Thái Tổ đến đây lập trại, khi Lam Sơn chưa trở thành Lam Kinh với vị trí là "kinh đô thứ hai" của nước Đại Việt thời Lê.
"Qua 7 đợt khai quật, các nhà sử học đã biết tới một "cố đô Lam Kinh hiển hiện trong lòng đất" với các mặt bằng của các công trình đồ sộ, quy mô to lớn và bề thế, được thể hiện qua các bó móng, nền, gia cố và chân tảng, hệ thống thoát nước, hàng hiên bao quanh... Trong số đó, đáng kể nhất là tòa Chính Điện với mặt bằng hình chữ Công (I), có niên đại Lê Sơ là loại mặt bằng mới xuất hiện lần đầu tiên và 9 tòa Thái Miếu xếp thành hình vòng cung rất "đặc biệt" trong diễn biến chung của các loại hình kiến trúc Việt Nam"- ông Vũ Đình Sỹ cho hay.
Cũng theo ông Sỹ, sự bề thế của Lam Kinh còn được thể hiện qua sự góp mặt của các loại vật liệu và trang trí kiến trúc cực kỳ phong phú như gạch bậc tam cấp, đầu rồng trang trí bờ nóc, phù điêu, gạch ốp trang trí, thành bậc tạo hình sóc trang trí hoa lá…. đặc biệt là các thành bậc lối lên trước thềm Chính Điện và Thái Miếu trang trí rồng và mây hiện còn trên bề mặt di tích mà khi quan sát nhận thấy sự giống nhau giữa chúng với với các thành bậc ở điện Kính Thiên (Thăng Long - Hà Nội), cho thấy phần nào sự hoành tráng của kiến trúc nơi đây.
Lam Kinh kỳ vĩ dần được tôn tạo, phục dựng
Với những cứ liệu, dấu tích được tìm thấy qua 7 lần khai quật, các nhà nghiên cứu đã phần nào phác thảo được một cố đô Lam Kinh bề thế, uy nghi của triều Lê. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Lam Kinh từng bước được nhà nước, tỉnh Thanh Hóa quan tâm trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại những công trình điện, miếu đã từng tồn tại hàng trăm năm trước. Đặc biệt là việc phục dựng lại Chính điện Lam Kinh, một công trình kỳ vĩ với 138 cột chính, từ những nền móng còn sót lại.
Theo ông Vũ Đình Sỹ, từ những vết tích công trình còn sót lại và phát lộ thông qua những đợt khai quật khảo cổ học, là cứ liệu rất quan trọng xác lập căn cứ, cơ sở để tổ chức trùng tu tôn tạo, phục dựng lại các công trình, kiến trúc.
"Từ năm 1995 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ VH-TT-DL, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí nguồn kinh phí rất lớn cho việc phục dựng lại Lam Kinh. Việc trùng tu này được các nhà khoa học, nhà chuyên môn và nhân dân đánh giá rất cao. Và cho đến ngày hôm nay, diện mạo Lam Kinh xưa đang dần được trả lại, đem lại những giá trị lớn cho chúng ta và cũng để tôn vinh một triều đại huy hoàng trong lịch sử của dân tộc"- ông chia sẻ.
Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh cũng cho biết đến thời điểm này Lam Kinh đã phục dựng lại được sông Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, hồ Như Áng, nghi môn, sân rồng, Chính điện Lam Kinh và 5 Tòa thái Miếu, các khu lăng mộ cũng đã được trùng tu, tôn tạo. "Hiện, tại Lam Kinh đang còn 4 tòa Thái Miếu (gồm tòa 1,2,8,9) và tòa Tả Vu, Hữu Vu, đền thờ bà Hàng Dầu (trên đỉnh núi Lam Sơn) chưa được phục dựng. Những công trình này hiện đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, giao vốn để chuẩn bị cho việc phục dựng. Hy vọng với những công trình còn lại khi được phục dựng, diện mạo Lam Kinh sẽ hoàn chỉnh, bế thế hơn để trả lại giá trị cổ xưa vốn có của nó"- ông Sỹ thông tin.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, lấy niên hiệu Thuận Thiên. Cùng với việc xây dựng Đông Kinh (Thăng Long) là kinh đô đất nước, năm 1433 vùng đất Lam Sơn cũng được đổi thành Tây Kinh (còn gọi là Lam Kinh), là kinh đô thứ hai của nhà Lê Sơ.
Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà, được đưa về quê hương Lam Kinh an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh trở thành khu Sơn lăng. Các đời vua sau đó tiếp tục cho xây dựng điện Lam Kinh. Qua thời gian, điện Lam Kinh dần dần được mở rộng về quy mô là nơi an nghỉ vĩnh hằng của gia tộc, các vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê Sơ.
Theo Đại Việt sử kí toàn thư: Điện Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433. Năm 1434, điện Lam Kinh bị cháy nhưng không rõ nguyên nhân. Năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho làm lại điện miếu ở Lam Kinh. Gần 6 thế kỷ đã trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự vô thức của con người, Lam Kinh đã bị xuống cấp nghiêm trọng và trở thành phế tích.
Mặc dù đài điện, miếu không còn nhưng với không gian cảnh quan và phế tích là những nền móng di tích, điện đài, lăng mộ, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3