Nghề tranh dân gian Đông Hồ trước những vận hội mới

Với người làng Đông Hồ (xã Song Hồ, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh), nghề làm tranh từng là kế sinh nhai.

Vẽ hình tượng rồng trong tranh Đông Hồ. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Vẽ hình tượng rồng trong tranh Đông Hồ. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Theo thời gian, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đối mặt với những thách thức không nhỏ mà nổi bật là sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguy cơ mai một của các thế hệ nghệ nhân. Những năm gần đây, sự đầu tư, vào cuộc của các cơ quan chức năng cùng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề của một số nghệ nhân, làng tranh Đông Hồ đang được kỳ vọng tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển.

Những người giữ lửa làng nghề

Theo các tài liệu cũ, nghề làm tranh dân gian đã được hình thành ở Đông Hồ vào thế kỷ XVI, đến năm 1945, có tới 17 dòng họ còn theo đuổi nghề làm tranh truyền thống, với vô số xưởng làm tranh trong làng. Nhưng sau năm 1945, dưới sự đô hộ, áp bức của thực dân Pháp, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đứng trước nguy cơ mai một, không có người đến mua tranh, các hộ gia đình chuyển sang làm hàng mã. Theo dòng thời gian, nay làng Đông Hồ chỉ còn hai dòng họ làm tranh là gia đình cụ nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (mất năm 2017) và gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về nghề tranh quê hương, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã thu thập, tìm cách mua lại những bản khắc của các gia đình rời bỏ nghề, rồi sửa sang, phục chế để cứu vãn những bản khắc cổ thoát khỏi bàn tay thần lửa trong giai đoạn suy thoái nghề tranh. Năm 2006, gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện cho thuê đất để xây dựng cơ sở vật chất nhằm bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ. Từ đó đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang với khu sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm, khu nghiên cứu bảo tàng và chợ tranh truyền thống như xưa, khẳng định được thương hiệu; là điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về dòng tranh dân gian Đông Hồ mỗi năm. Đây cũng là nơi trải nghiệm nghề truyền thống cho học sinh các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong tỉnh, ngoài tỉnh thực hiện chương trình giáo dục địa phương theo chủ chương cải cách của ngành giáo dục.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam nay còn người con trai cả Nguyễn Hữu Hoa cũng vợ là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh và người con trai thứ Nguyễn Hữu Quả đang tiếp tục duy trì nghề làm tranh. Dù thu nhập không cao nhưng các thành viên trong gia đình vẫn gắn bó với công việc cha ông để lại.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả chia sẻ, trong làng giờ không còn nhiều người mặn mà với nghề tranh, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người chuyển hẳn sang làm hàng mã. Thu nhập của người làm tranh giao động từ 6-10 triệu đồng/tháng không phải con số hấp dẫn, đặc biệt là những người trẻ.

"Nếu không vì trân trọng nếp nghề của cha ông, không vì những tâm huyết của cha thì tôi chắc không theo nghề cho đến bây giờ. Những gì mà cha tôi để lại là niềm tự hào của gia đình, của dòng họ, tôi sẽ lưu truyền để con cháu mai sau phải luôn ghi nhớ", ông Quả nói.

Tiếp nối truyền thống gia đình, anh Nguyễn Hữu Đạo là con trai lớn của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đang ngày đêm miệt mài theo nghề. Ngoài 30 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế, anh Đạo cũng thử sức làm việc tại Hà Nội với mức thu nhập khá, nhưng sau một thời gian được bố động viên, anh Đạo trở về quê cùng gia đình duy trì nghề làm tranh và đã được phong danh hiệu nghệ nhân.

Anh Đạo chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay làm giàu từ nghề tranh không dễ dàng. Anh trở về quê với ước vọng duy trì nghề của cha ông, duy trì một truyền thống đáng tự hào của gia đình và phát triển bền vững công việc này. Muốn bảo tồn nghề thì điều quan trọng nhất là phải có thị trường đầu ra, tranh phải bán được, nghề làm tranh phải nuôi sống được nghệ nhân và gia đình. Chính vì thế, anh Đạo đang áp dụng các nền tảng công nghệ trên mạng xã hội để quảng bá hình ảnh tranh dân gian. Mong ước cháy bỏng của người nghệ sỹ trẻ này là đưa tranh Đông Hồ vươn tầm quốc tế.

Nét truyền thống đang dần hồi sinh

Bức tranh rước rồng cổ (bên trái) và rước rồng mới. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Bức tranh rước rồng cổ (bên trái) và rước rồng mới. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Giới chuyên môn nhận định, muốn làm sống dậy nghề làm tranh Đông Hồ trong đời sống đương đại là câu chuyện không thể thực hiện một sớm một chiều. Bên cạnh sự tâm huyết của nghệ nhân, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang góp phần làm hồi sinh nghề làm tranh Đông Hồ.

Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của làng tranh, tỉnh Bắc Ninh đã khánh thành Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ vào đầu năm 2023. Thông qua các hiện vật, hình ảnh, sơ đồ, câu trích tại Trung tâm, người xem có thể nắm được gốc tích của một nghề truyền thống nổi tiếng.

Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ hoạt động các ngày trong tuần. Đến đây du khách được nghe hướng dẫn viên giới thiệu tìm hiểu về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, được các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản trình diễn nghề và hướng dẫn quy trình làm tranh. Ngoài ra, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống nổi tiếng của Bắc Ninh như: Múa rối nước, nghe hát Quan họ, tuồng, trống quân…

Cũng tại trung tâm này, không gian trưng bày tái hiện chợ tranh Đông Hồ đã được tổ chức và dự kiến sẽ là hoạt động thường niên. Hoạt động tổ chức trưng bày không gian “Chợ tranh Đông Hồ” là một việc làm thiết thực góp phần bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, Chợ tranh Tết xưa diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hằng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Sau năm 1945, cùng với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức. Nhằm tái hiện một di sản văn hóa quý báu của quê hương, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tổ chức trưng bày không gian “Chợ tranh Đông Hồ”. Hoạt động này nhằm tái hiện một di sản văn hóa quý báu của quê hương cũng như không gian truyền thống. Đây cũng là cơ hội để tạo điểm nhấn cho khách du lịch, định hình xây dựng sản phẩm du lịch của Bắc Ninh.

Cùng với đó, mới đây, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã thành lập Bảo tàng tranh dân gian Đông Hồ, bảo tàng tư nhân duy nhất về dòng tranh dân gian tại Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ, đây là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống, hy vọng sẽ mang đến cho khách tham quan những hiểu biết đầy đủ, thú vị về các quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in tranh của một dòng tranh dân gian đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

Đỗ Huyền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/nghe-tranh-dan-gian-dong-ho-truoc-nhung-van-hoi-moi-20240530081450751.htm