Nghị định 16/2022/NĐ-CP: Góp phần đảm bảo trật tự trong lĩnh vực xây dựng

Một công trình xây dựng được triển khai trên địa bàn TP Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

Sau một thời gian triển khai, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngành Xây dựng quản lý (Nghị định 16) từng bước phát huy hiệu quả, tạo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm đối với người dân, tổ chức.

Tăng mức phạt

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16, thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 (Nghị định 139). Nghị định mới có hiệu lực từ tháng 1/2022; điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỉ lệ vi phạm cao trong việc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Cụ thể, đối với vi phạm về lập, điều chỉnh quy hoạch, Nghị định 16 xử phạt tối đa lên đến 300 triệu đồng (tăng 4,5 lần so với trước). Về vi phạm về trật tự xây dựng, mức xử phạt tiền cao nhất đến 1 tỉ đồng và được phân tách cụ thể đối với từng loại nhà ở; mỗi hành vi xử phạt có mức phạt tiền tăng từ 1,5 lần trở lên so với Nghị định 139. Đối với vi phạm về kinh doanh bất động sản, Nghị định 16 tăng mức xử phạt lên đến 1 tỉ đồng; nâng mức xử phạt về vi phạm quy định quản lý, phát triển nhà lên 150 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với Nghị định 139. Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định 16 đã điều chỉnh cụ thể hơn thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt của chủ tịch UBND huyện, chánh thanh tra sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành bộ, sở.

Đáng chú ý, Nghị định 16 quy định tăng mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu dừng thi công xây dựng. Sau khi bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt), nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm (nêu tại biên bản vi phạm hành chính) đối với các hành vi vi phạm (gồm: xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế xây dựng, sai quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị, lấn chiếm không gian của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác) thì sẽ bị xử phạt từ 100-500 triệu đồng, tùy trường hợp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trên cơ sở nội dung của Nghị định 16, sở này đã tập trung tuyên truyền cũng như hướng dẫn các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện. Không chỉ công khai văn bản trên cổng thông tin điện tử và số điện thoại để hỗ trợ người dân, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức các lớp tập huấn quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Qua đó, lực lượng của sở đã giải đáp thắc mắc, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ phụ trách tại địa phương thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn đúng theo quy định pháp luật.

Tạo tính răn đe

Theo Sở Xây dựng, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh có giảm song vẫn còn trường hợp cố tình tiếp tục vi phạm, không khắc phục hậu quả, không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Do vậy, việc áp dụng các mức xử phạt theo nghị định mới là rất cần thiết nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Vừa qua, Sở Xây dựng cũng đã trực tiếp xử phạt nhiều tổ chức vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo Nghị định 16. Điển hình như trường hợp công ty T.L, qua kiểm tra công trình tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, đơn vị này đã có nhiều vi phạm như: không gởi báo cáo cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi khởi công xây dựng theo quy định, khởi công xây dựng công trình khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình đã được phê duyệt… Tổng mức xử phạt các vi phạm trên 90 triệu đồng kèm các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tại các địa phương, việc áp dụng Nghị định 16 cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Nghị định 16 không chỉ tăng mức phạt mà còn bổ sung nhiều mức xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Điển hình như trước đây, Nghị định 139 không quy định hình thức và thẩm quyền xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nên việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. HIện nay, Nghị định 16 bổ sung hình thức và thẩm quyền xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình quản lý. Người dân đã có ý thức hơn trong việc làm hồ sơ xin phép khi xây dựng nhà ở. Trong tháng 8 vừa qua, thị xã đã cấp 28 giấy phép xây dựng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, bên cạnh việc phát huy hiệu quả của Nghị định 16, các địa phương cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa trong quản lý lĩnh vực xây dựng. Bên cạnh việc thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, các địa phương cũng cần tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự xây dựng; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Để đảm bảo trật tự trong lĩnh vực xây dựng, ngoài việc áp dụng các hình thức chế tài theo Nghị định 16, các địa phương cũng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường kiểm tra, quản lý cũng như tuyên truyền để người dân, tổ chức nâng cao ý thức chấp hành theo quy định, hạn chế các trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/286057/nghi-dinh-16-2022-nd-cp--gop-phan-dam-bao-trat-tu-trong-linh-vuc-xay-dung.html