Nghị định 179 tạo động lực cho SV xuất sắc muốn vào cơ quan Nhà nước làm việc

Nghị định số 179 thu hút, trọng dụng người tài vào khu vực công là tín hiệu tích cực góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong đó, nổi bật với chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức thì được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự. Đồng thời, được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng.

Để có thêm góc nhìn từ việc thu hút, giữ chân nhân tài, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thủ khoa của các trường đại học.

Cơ quan Nhà nước đáp ứng cơ hội đào tạo, hợp tác và phát triển, sẽ đón được nhiều người tài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Khánh Hòa (tốt nghiệp loại xuất sắc năm 2019 (với GPA 3.86/4.0), chuyên ngành Sư phạm Toán học, Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), hiện đang là giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) đánh giá: "Những chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị định số 179 có nhiều đãi ngộ hơn so với quy định trước đó (theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ).

Cụ thể, năm 2019, tôi được đặc cách nhận vào dạy tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của địa phương. Tuy nhiên, thời điểm đó, chưa có nhiều chính sách đãi ngộ như đối với Nghị định số 179 hiện nay. Chính vì vậy, tôi tin rằng, với những chính sách tích cực này, sẽ đón được nhiều nhân tài về địa phương hơn nữa".

"Theo tôi, Nghị định số 179 mang lại tác động tích cực đối với sinh viên và giới trẻ. Những sinh viên giỏi, xuất sắc sẽ có thêm động lực để phấn đấu, gia nhập các cơ quan Nhà nước, nơi họ không chỉ có cơ hội phát triển sự nghiệp, mà còn được cống hiến cho đất nước. Đồng thời, được làm việc trong các cơ quan Nhà nước sẽ giúp họ nhận được sự công nhận và đánh giá cao từ xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp và đóng góp lâu dài.

Ngoài ra, nghị định này có nhiều chính sách mới, không chỉ thu hút nhân tài trong nước mà còn thu hút chuyên gia quốc tế với các chính sách ưu đãi vượt trội. Các ưu đãi này bao gồm lương, phụ cấp cao, hỗ trợ nhà ở, chi phí sinh hoạt và chính sách định cư dễ dàng. Điều này tạo môi trường làm việc hiện đại, khuyến khích sự tự chủ nghiên cứu, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững" - thầy giáo Nguyễn Khánh Hòa nêu quan điểm.

 Năm học 2024 -2025, Thầy Nguyễn Khánh Hòa (mặc áo kẻ) chủ nhiệm lớp 10 Toán B Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Năm học 2024 -2025, Thầy Nguyễn Khánh Hòa (mặc áo kẻ) chủ nhiệm lớp 10 Toán B Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, Nguyễn Thị Minh Hòa (sinh năm 1998), tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại (với GPA tuyệt đối 4.0/4.0), thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương năm 2020 bày tỏ: "Tôi cho rằng, những chính sách được quy định tại Nghị định số 179 là rất kịp thời trong giai đoạn Nhà nước tập trung tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. Các chính sách được nêu đầy đủ và rõ ràng, hướng tới mục tiêu chính là thu hút nhân tài toàn diện cả trong và ngoài nước, trong nhiều lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tôi bị thu hút bởi chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tham gia tuyển dụng công chức, viên chức, được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ. Cụ thể: Được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác. Được cử tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản, tổng quan của ngành, nghề, lĩnh vực công tác phù hợp với định hướng phát triển; Được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương.

Theo tôi, người trẻ luôn khao khát để phát triển bản thân, nâng cao tri thức và kỹ năng. Lý do chính khiến người trẻ thường lựa chọn làm việc ở nước ngoài hoặc trong các tập đoàn lớn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, là vì có cơ hội tiếp cận những tiến bộ mới trong ngành nghề. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ, nơi đổi mới diễn ra nhanh chóng.

Khi các cơ quan Nhà nước có thể đáp ứng cơ hội đào tạo, hợp tác và phát triển, tôi tin rằng sẽ có nhiều người trẻ tài năng mong muốn tham gia làm việc trong bộ máy Nhà nước".

 Nguyễn Thị Minh Hòa, tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương năm 2020. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Thị Minh Hòa, tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương năm 2020. Ảnh: NVCC.

Về những cơ hội và thách thức trong việc thu hút nhân tài, Minh Hòa chia sẻ: "Nghị định số 179 mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ tài năng. Những người được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước sẽ được trọng dụng và ưu tiên trong giai đoạn đầu xây dựng sự nghiệp; có cơ hội được đào tạo chuyên sâu, phát triển kỹ năng và nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp từ những người trẻ cũng được lắng nghe, mở ra tiềm năng phát triển lên các vị trí quản lý trong bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ nêu chung về việc tuyển dụng phù hợp với chuyên ngành đào tạo của người trẻ, trong khi nhiều chương trình đào tạo đại học lại có phạm vi khá rộng như ngành Kinh tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh,… Điều này có thể tạo ra khó khăn cho các bạn trẻ trong việc xác định lĩnh vực tuyển dụng phù hợp với chuyên môn trong cơ quan Nhà nước".

Ưu tiên tuyển dụng sẽ phát huy hiệu quả khi đi kèm đãi ngộ hấp dẫn, môi trường cạnh tranh

Đánh giá về những điểm tích cực của nghị định, Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 2002), tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh quốc tế năm 2023 (với GPA 3.88/4.0), Trường Đại học Ngoại thương cũng cho hay: "Nghị định số 179 đã đưa ra một số chính sách đáng chú ý như áp dụng hình thức xét tuyển đặc biệt cho sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng. Điều này giúp giảm bớt rào cản hành chính và tạo điều kiện thuận lợi để người tài tham gia vào khu vực công. Ngoài ra, việc các cơ quan Trung ương và địa phương ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng cho đối tượng này thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc thu hút nhân tài.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, việc triển khai các quy định đôi khi gặp phải một số vấn đề như thiếu tính đồng bộ và tâm lý "ưu tiên thâm niên" vẫn còn tồn tại ở một số cơ quan địa phương. Điều này có thể làm giảm hiệu quả trong quá trình thực thi chính sách".

 Nguyễn Ngọc Hải tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh quốc tế năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Ngọc Hải tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh quốc tế năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: NVCC.

Ngọc Hải nhấn mạnh, việc ưu tiên xét tuyển và bố trí biên chế là chính sách có tác động lớn nhất, được coi là giải pháp để giải quyết rào cản giúp thu hút và trọng dụng người có tài năng, đặc biệt trong khu vực công. Tuy nhiên, chính sách này sẽ phát huy hiệu quả khi đi kèm với chế độ đãi ngộ hấp dẫn và môi trường làm việc cạnh tranh. Chính vì vậy, Nghị định số 179 đã đưa ra một số chính sách nổi bật và hấp dẫn so với các quy định trước đó.

Ngọc Hải chia sẻ thêm: "Để thu hút và giữ chân người tài trong khu vực công, cần tăng cường đãi ngộ với việc nâng cao lương, thưởng và phúc lợi tương xứng với trình độ, công sức. Đồng thời, cải cách môi trường làm việc, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong cơ chế vận hành. Việc đầu tư vào đào tạo và phát triển là cần thiết, thông qua việc xây dựng các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ nghiên cứu cho nhân tài.

Ngoài ra, cần có lộ trình thăng tiến rõ ràng, định hướng phát triển nghề nghiệp cụ thể, giúp người tài phát triển mà không bị giới hạn bởi thâm niên hay các mối quan hệ. Cuối cùng, hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng, để người tài có cơ hội học hỏi, mang kiến thức trở về đóng góp cho đất nước.

Mặc dù hiện nay, tôi đang làm học tập trình độ thạc sĩ tại nước ngoài, nhưng tôi rất quan tâm về những chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước. Trong tương lai, sau khi hoàn thành chương trình học, tôi mong muốn quay trở về Việt Nam để làm việc và đóng góp cho sự phát triển của đất nước".

Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống,Trịnh Yến Nhi (sinh năm 2002), tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Báo chí - Truyền thông năm 2024 (với GPA 3.63/4), Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: "Để nghị định thực sự phù hợp, có lẽ chúng ta vẫn cần thêm thời gian và sự điều chỉnh. Thực tế, môi trường làm việc trong khu vực công đôi khi vẫn chưa đủ hấp dẫn hoặc cạnh tranh so với các công ty tư nhân hoặc quốc tế. Việc xét tuyển đặc cách và ưu tiên cho sinh viên xuất sắc và người tài là một chính sách rất quan trọng".

 Trịnh Yến Nhi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Báo chí - Truyền thông (với GPA 3.63/4), Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC.

Trịnh Yến Nhi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Báo chí - Truyền thông (với GPA 3.63/4), Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC.

"Bên cạnh đó, những tiêu chí đánh giá tài năng còn khá chung chung và thiếu cụ thể, đó là một "lỗ hổng" đáng lo ngại trong quá trình triển khai chính sách. Khi các tiêu chí không được định lượng rõ ràng, việc đánh giá dễ rơi vào cảm tính, phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của người thực thi.

Do đó, cần áp dụng các công cụ hiện đại, hệ thống KPI minh bạch và các hội đồng đánh giá độc lập, để đảm bảo tính công tâm và khách quan trong quá trình xét duyệt" - Yến Nhi cho biết thêm.

Vân Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nghi-dinh-179-tao-dong-luc-cho-sv-xuat-sac-muon-vao-co-quan-nha-nuoc-lam-viec-post248412.gd