'Ươm mầm' tài chính xanh tại trung tâm tài chính quốc tế

Các chuyên gia kỳ vọng việc phát triển các khoản vay 'xanh' tại hai trung tâm tài chính quốc tế sớm được triển khai. Qua đó, cung cấp cho doanh nghiệp và cá nhân nguồn lực đầu tư vào các dự án 'xanh' như năng lượng tái tạo và nông nghiệp bền vững, giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa nền kinh tế.

Doanh nghiệp nội loay hoay với tài chính ‘xanh’

Lượng phát thải trung bình của ngành dệt may ước khoảng 100 triệu tấn rác thải rắn từ quần áo cũ/năm. Còn mỗi sản phẩm dệt may quy chuẩn, tính từ giai đoạn trồng bông tới khi ra một sản phẩm, tiêu tốn khoảng 20 khối nước. Như vậy, với 100 tỉ sản phẩm dệt may được sản xuất mỗi năm, thế giới dùng hết 2.000 tỉ khối nước.

Với những lý do này, dệt may luôn là ngành chịu nhiều ràng buộc về pháp lý, tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh nhất thế giới.

Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM và Đà Nẵng được kỳ vọng là nơ 'ươm mầm' dòng vốn xanh. Ảnh: TL

Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TPHCM và Đà Nẵng được kỳ vọng là nơ 'ươm mầm' dòng vốn xanh. Ảnh: TL

Trong bối cảnh kinh tế xanh không chỉ là xu thế, mà là yêu cầu tất yếu trong thời đại mới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi để thích ứng với xu thế phát triển xanh và bền vững.

Tuy vậy, ông Trường nhìn nhận, thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn. Bởi các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế. Ngoài ra, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ, khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính.

“Cần xây dựng cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đầu tư vào sản xuất nguyên liệu”, ông Trường nói tại diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 (VESF 2025).

Trong khi đó, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững, Tổ hợp khu công nghiệp (KCN) Deep C cho biết, việc thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khó tiếp cận các nguồn tài chính xanh. Bên cạnh đó, chi phí tài chính thực tế tính trên số vốn huy động được như lãi suất, phí bảo lãnh, phí xử lý hồ sơ cũng không thấp. Với các doanh nghiệp, dự án có vốn vay nước ngoài, phải chịu thêm rủi ro chênh lệch tỷ giá…

Hơn nữa, hiện chưa có tiêu chí dự án xanh một cách cụ thể, rõ ràng, dẫn tới yêu cầu khác nhau giữa các đơn vị cung cấp tín dụng.

“Các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Ngoài ra, các dự án thường quy mô nhỏ, dưới 30 triệu đô la Mỹ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài”, bà Hoàn nói.

Tại khảo sát "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện với hơn 2.734 doanh nghiệp, có 50% doanh nghiệp cho biết phải loay hoay với bài toán huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Xét theo ngành, các doanh nghiệp ngành công nghiệp; nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn nhóm còn lại, với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Xét theo khối, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn nhiều hơn FDI, với tỷ lệ lần lượt là 50,3% và 46,6%.

Kỳ vọng gì từ trung tâm tài chính quốc tế?

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số tại tất cả các ngành, lĩnh vực, không ít ý kiến kỳ vọng hai địa phương đang được định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là TPHCM và Đà Nẵng sẽ thành ‘vườm ươm’ cho tài chính ‘xanh’.

Công ty may Tân Đệ là một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh xanh hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Ảnh: DNCC

Công ty may Tân Đệ là một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh xanh hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Ảnh: DNCC

Đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) cho rằng, tài chính xanh nên được chọn là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Cơ sở để đơn vị này đưa ra đề xuất trên là thị trường tài chính xanh, với các sản phẩm như trái phiếu xanh, các khoản vay và vốn cổ phần từ hoạt động IPO dành cho các dự án xanh, đã tăng trưởng 100 lần trong giai đoạn 2012-2022, và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Để tận dụng xu hướng này, trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có thể thiết lập nền tảng phát hành và giao dịch các công cụ tài chính xanh, giúp tăng tính thanh khoản và độ sâu của thị trường. Chẳng hạn, tập trung phát triển thị trường trái phiếu xanh bằng cách tạo cơ chế cung cấp ưu đãi cho các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, như giảm thuế và bảo lãnh.

Một cách khác là phát triển các khoản vay xanh, cung cấp cho doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào các dự án xanh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và nông nghiệp bền vững.

“Trung tâm tài chính quốc tế có thể khuyến khích ngân hàng cung cấp các khoản vay xanh thông qua hỗ trợ thanh khoản và các phương tiện chia sẻ rủi ro, đồng thời mở đường cho vốn mạo hiểm xanh và các quỹ cổ phần tư nhân đầu tư vào các công ty xanh. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh cung cấp bảo hiểm cho rủi ro liên quan đến các dự án xanh”, đại diện TBI cho biết.

Từ góc độ đơn vị cho vay vốn, ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank thừa nhận, khung pháp lý quy định thị trường tín chỉ carbon và tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam hiện chưa hoàn thiện. Còn việc đánh giá và minh bạch dữ liệu liên quan đến ESG và tín chỉ carbon đòi hỏi hạ tầng dữ liệu đồng bộ.

Do đó, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện quy định, định nghĩa tiêu chuẩn xanh với danh mục các ngành, dự án và khung pháp lý cho thị trường mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam. Đồng thời, xem xét cơ chế khuyến khích, ưu đãi thuế, hoặc hỗ trợ vốn vượt trội so với quy định hiện hành, để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia tài chính xanh.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ESG và tín chỉ carbon tập trung, có thể ứng dụng công nghệ blockchain, để đảm bảo tính minh bạch và dễ dàng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý truy cập sử dụng. Bên cạnh đó, triển khai các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về tài chính xanh và ESG.

Xác định, Đà Nẵng có cơ hội trở thành trung tâm tài chính xanh đầu tiên tại khu vực ASEAN, PGS. Phan Quang Tuấn từ Đại học Hồng Kông cho rằng, các cơ quan quản lý và và chính quyền thành phố Đà Nẵng cần đầu tư vào nguồn nhân lực cho tài chính xanh và ESG. Đây là hai lĩnh vực đòi hỏi các chuyên gia có kỹ năng sâu về trái phiếu xanh, tín chỉ carbon và các công cụ đầu tư bền vững.

Theo đó, Việt Nam có thể gửi cán bộ tham gia chương trình Singapore Green Finance Centre (SGFC), hợp tác giữa Đại học Quản lý Singapore và Viện Nghiên cứu Tài chính Châu Á, với các khóa học chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyên gia tài chính xanh tại khu vực ASEAN; hoặc chương trình nghiên cứu, hội thảo, và đào tạo chuyên sâu do European Investment Bank (EIB) và Green Finance Institute (GFI) triển khai, giúp chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực tài chính xanh.

“Những nỗ lực này không chỉ định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực bền vững mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường lao động toàn cầu trong tương lai. Điều này giúp thu hút đầu tư và nhân tài đến Đà Nẵng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và tạo ra môi trường sống tốt cho cộng đồng”, ông Tuấn nói.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uom-mam-tai-chinh-xanh-tai-trung-tam-tai-chinh-quoc-te/