Nghi lúa chết do dùng cát biển làm cao tốc, Bộ GTVT lên tiếng
Bộ GTVT khẳng định, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, không có chuyện dùng cát biển để san lấp...
Bộ GTVT vừa chính thức lên tiếng phản hồi trước thông tin báo chí phản ánh tình trạng thời gian vừa qua một số hộ dân tại Ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng làm giảm năng suất lúa do dự án cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông.
Theo đó, Dự án thành phần cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Về phía các đơn vị của địa phương đã kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác.
Mặt khác, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn; khi đưa cát về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận; công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất. Ngoài ra còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ…
Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, hiện nay, Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác để thi công các đoạn tuyến tại các khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm và dự kiến cuối tháng 6/2024 mới có thể bắt đầu khai thác.
“Vì vậy, các thông tin như một số báo chí phản ánh là thiếu cơ sở. Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Mới đây, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp hạn chế hệ lụy có thể xảy ra từ việc sử dụng cát biển đắp nền đường cao tốc, việc này sẽ là "đánh cược với môi trường”.
Đặt câu hỏi tại phiên phiên chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường diễn ra sáng 4/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng hiện nay thì phương án sử dụng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm.
Tuy nhiên, việc khai thác nếu không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và triển khai đại trà, theo đại biểu Trần Kim Yến sẽ là "đánh cược với môi trường”.
Chia sẻ lo lắng của đại biểu rần Kim Yến, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng nêu hiện tượng về một số khu vực đất trồng lúa bị mất mùa có thể do đơn vị thi công đường cao tốc sử dụng cát có độ mặn cao làm nền đường gây xâm nhập mặn.
“Cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp hạn chế hệ lụy của việc sử dụng cát biển làm vật liệu thi công đường cao tốc, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, đại biểu Hòa nêu vấn đề.
Đối với câu hỏi của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết là sẽ cho kiểm tra kỹ và trả lời bằng văn bản tới đại biểu.