Nghị lực của cô gái trẻ khuyết tật
Không chấp nhận số phận, cô gái khuyết tật Phan Thị Kim Vân (1991, trú xã Tam Lộc , H. Phú Ninh, Quảng Nam) đã từng bước vượt qua khó khăn, mặc cảm, nỗ lực học tập và đã đạt được thành quả xứng đáng.
Không chấp nhận số phận, cô gái khuyết tật Phan Thị Kim Vân (1991, trú xã Tam Lộc , H. Phú Ninh, Quảng Nam) đã từng bước vượt qua khó khăn, mặc cảm, nỗ lực học tập và đã đạt được thành quả xứng đáng.
Vân sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em. Lúc nhỏ, Vân bị yếu một chân đi lại rất khó khăn, càng lớn lên, cơ chân yếu dần rồi bị bại liệt khiến Vân phải ngồi xe lăn hoàn toàn. Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên Vân muốn đi học và học thật giỏi để sau này có thể tự lo cho bản thân mình. "Những lúc ngồi ở nhà, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng đi học nên tôi khao khát được đến lớp. Dù gia đình nghèo, nhưng lúc tôi nói muốn đi học thì cha mẹ đều vui vẻ đồng ý. Tôi học trễ hơn các bạn cùng tuổi 4 năm. Học cấp 1, cha tôi phải cõng đi bộ đến trường xa gần 2km vì con đường bùn đất không đi xe được. Lên cấp 2, 3 trường xa nên cha chở tôi đi bằng xe máy đến trường. Tôi nghĩ mình bị vậy không thể lao động nên cách duy nhất để không trở thành gánh nặng cho gia đình là phải học thật giỏi, làm công việc nhẹ nhàng để tự nuôi sống bản thân mình"- Vân tâm sự.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ không đưa đón thường xuyên nên Vân tự học là chính. Suốt 12 năm học Vân luôn đạt học sinh khá giỏi. Học xong 12, Vân nghĩ mình ngồi xe lăn sẽ thích hợp với ngành Kế toán nên thi vào Chuyên ngành Kế toán tại Trường Đại học Quảng Nam. Sau 1 năm học, Vân cảm thấy mình không thích hợp với ngành này nên đã giấu cha mẹ đăng ký vào ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Nhân văn TP. HCM. Đến ngày thi, Vân nói với gia đình vào em trai đang học ở TP Quy Nhơn chơi, nhưng thực chất là đi dự thi. Lúc có kết quả báo đỗ, Vân thông báo cho gia đình và đã vấp phải sự phản đối của cha mẹ. "Lúc nghe tôi nói muốn vào Sài Gòn học trường mới, vì lo lắng nên cha mẹ tôi nói: "Thôi con ở nhà, gia đình mình có gì ăn nấy, không ai để con bị đói đâu". Nhưng được các anh chị động viên và tôi nhất quyết muốn thử sức mình thì cha mẹ đã thuận lòng, nhưng luôn nhắn nhủ: Khi nào con cảm thấy mỏi mệt thì về nhà"- Vân kể.
Lúc vào TP. HCM nhập học, xa nhà không người thân chăm sóc nên Vân phải tự lo cho bản thân từ việc ăn uống đến sinh hoạt cá nhân. Vì Vân là người hòa đồng vui vẻ nên được rất nhiều bạn yêu mến giúp đỡ. Vân ở tại ký túc xá, nhưng cách trường hơn 2km nên hằng ngày phải đi xe buýt đến trường. "Lần đầu tiên đi xe buýt, tôi được một người bạn thân đưa đến trạm đón xe. Những chuyến đầu, họ thấy tôi đã làm ngơ bỏ đi. Có bác tài dừng xe ngỡ ngàng không biết xử lý thế nào. Làm sao mà đi? Câu hỏi này khiến tôi nhận ra rằng họ lúng túng không biết giúp đỡ tôi thế nào.
Có nhiều người nói với tôi rằng, bị khuyết tật vậy ở nhà cho khỏe thì tôi chỉ mỉm cười. Từ đó, tôi nhận ra rào cản lớn nhất của người bị khuyết tật là họ kỳ thị không dám nhờ vả ai, có nhiều người có lòng tốt muốn giúp nhưng ngại không biết giúp như thế nào. Do vậy, tôi đã xây dựng một Dự án tiếp cận xe buýt cho người khuyết tật và được Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ được 20 triệu đồng để tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho 2 đối tượng lành lặn và khuyết tật bao gồm danh sách những việc cần làm để giúp đỡ các bạn khuyết tật lúc đi xe buýt. Đồng thời kêu gọi nhóm bạn lập CLB, trang facebook và kêu gọi Sở Giao thông TP. HCM hỗ trợ tuyên truyền để nhiều người biết về dự án này. Sau 2 năm triển khai, kết quả rất khách quan, có nhiều bạn khuyết tật đã tìm đến xe buýt làm phương tiện đi lại, nhiều người đã biết giao tiếp, đưa những người lên xe nhiệt tình"- Vân chia sẻ.
Ngoài thời gian học, Vân còn tham gia nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa hỗ trợ, giúp đỡ các bạn khuyết tật ở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật TP. HCM. Sau khi ra trường, Vân xin vào làm việc tại Trung tâm này. Tháng 4-2019, Vân tham gia chương trình vẻ đẹp Vầng trăng khuyết dành cho các nữ khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội. Trong phần thuyết trình trước Ban giám khảo, Vân kể về câu chuyện của mình, một cô bé luôn sợ hãi trước ánh mắt thương hại, sợ bị làm phiền đã dũng cảm bước qua cánh cửa mặc cảm của xã hội và được nhiều người yêu mến. Bài thuyết trình của Vân đã chạm đến trái tim của Ban giám khảo và những khán giả có mặt. Kết thúc cuộc thi, thí sinh Phan Thị Kim Vân đã được giải Á khôi và 2 giải thí sinh thân thiện và ứng xử xuất sắc nhất.
"Người khuyết tật thường có tâm lý mặc cảm, ngại giao tiếp. Vì vậy, mọi người không nên nhìn người khuyết tật bằng con mắt kỳ thị như một cộng đồng tách biệt, hãy đón nhận, giúp đỡ để họ hòa nhập với cộng đồng"- Vân bộc bạch.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_217258_nghi-luc-cua-co-gai-tre-khuyet-tat.aspx